Hà Nội sáp nhập hàng loạt xã, phường: Công chức dôi dư làm gì?
Theo UBND TP Hà Nội, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, nhiều cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư, không được bố trí tiếp tục công tác. UBND TP Hà Nội đang đề xuất chế độ hỗ trợ đối với những người này.
- 24-05-2023Đề xuất tăng trợ cấp hàng tháng từ 01/7/2023 với cán bộ xã, phường nghỉ việc
- 23-04-2023Cán bộ xã, phường có mức lương như thế nào từ 1/7 năm nay?
- 16-04-2022Từ 21/5, người dân có thể đăng ký xe máy tại xã, phường
UBND TP Hà Nội vừa ban hành phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Theo đó, về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp, Hà Nội đề xuất nhập 92 xã thành 45 xã, giảm 47 xã.
Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thành đơn vị hành chính đô thị cùng cấp hoặc sắp xếp đơn vị hành chính nông thôn với đơn vị hành chính đô thị cấp xã, Hà Nội đề xuất nhập 48 xã, phường, thị trấn thành 27 xã, phường, thị trấn. Theo phương án này, các quận nội thành trong diện sáp nhập phường bao gồm: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Hà Đông. Quận Đống Đa sẽ sáp nhập 6 phường thành 4 phường.
Cụ thể, nhập phường Khâm Thiên và Trung Phụng thành đơn vị hành chính mới. Sáp nhập một phần phường Ngã Tư Sở vào phường Khương Thượng và nhập một phần phường Ngã Tư Sở vào phường Thịnh Quang. Sáp nhập một phần phường Trung Tự và phường Phương Liên, nhập một phần phường Trung Tự vào phường Kim Liên.
Đối với quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đề xuất nhập 7 phường thành 4 phường. Cụ thể, nhập phường Đồng Nhân và phường Đống Mác thành đơn vị hành chính mới. Sáp nhập một phần phường Cầu Dền vào phường Bách Khoa. Nhập một phần phường Cầu Dền vào phường Thanh Nhàn và nhập phường Quỳnh Lôi và phường Bạch Mai. Tại quận Thanh Xuân, Hà Nội đề xuất sáp nhập 4 phường thành 2 phường.
Cụ thể, nhập phường Thanh Xuân Bắc và phường Thanh Xuân Nam thành đơn vị hành chính mới. Nhập phường Hạ Đình và phường Kim Giang thành đơn vị hành chính mới.
Quận Hà Đông, nhập 3 phường thành 1 phường, giảm 2 phường. Cụ thể, nhập phường Yết Kiêu, phường Nguyễn Trãi, phường Quang Trung thành đơn vị hành chính mới. Quận Long Biên, nhập 3 phường thành 2 phường. Cụ thể, nhập một phần diện tích phường Sài Đồng vào phường Phúc Đồng và một phần phường Sài Đồng vào phường Phúc Lợi...
Hỗ trợ không quá 3 tháng phụ cấp
Đại diện UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, trước đây thành phố đã có lộ trình tinh giản cán bộ, công chức trong đợt 1 sáp nhập đơn vị hành chính. Lộ trình đề ra 5 năm nhưng quận Hai Bà Trưng đã hoàn thành sắp xếp trong vòng 2 năm. Tính về mặt cơ học, sau khi giảm 3 phường, cán bộ, công chức cấp phường dôi dư 36 công chức và 9 lãnh đạo phường.
Đến nay chưa có phương án cụ thể sắp xếp nhân sự, tuy nhiên, 2 năm nay theo chỉ đạo của thành phố, quận Hai Bà Trưng không thi tuyển thêm công chức. Đến thời điểm này, các phường của quận đang thiếu 10 công chức. Số lượng cán bộ dôi dư sẽ được sắp xếp vào vị trí phù hợp cho các chỉ tiêu thiếu của các phường và các phòng, ban của quận.
Đại diện UBND quận Đống Đa cho biết, hiện trên địa bàn có những phường còn thiếu công chức, phải ký hợp đồng thời vụ để đảm bảo khối lượng công việc.
Ví dụ, phường Ngã Tư Sở hiện chỉ có 12 công chức, trong khi công việc rất nhiều. Hiện quận còn thiếu gần 60 công chức do không thi công chức chuẩn bị cho việc sắp xếp. Do đó, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, cán bộ, công chức sẽ được đưa về cho các phường để bố trí việc làm phù hợp.
Đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đã có tờ trình gửi HĐND TP Hà Nội về chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Theo đó, sau khi sắp xếp, sẽ có 1.365 cán bộ, công chức cấp xã và 804 người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư, không được bố trí tiếp tục công tác.
Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (khóa XIII) cho rằng, lựa chọn cán bộ sau sáp nhập là đặc biệt quan trọng. Bởi đơn vị hành chính sau sáp nhập chắc chắn có diện tích rộng, dân số lớn hơn nên việc trao trách nhiệm và chọn người đứng đầu, nhất là chủ tịch cấp xã, huyện đó rất quan trọng, sao cho bộ máy chuẩn, gắn bó với dân, phát huy được thế mạnh địa phương. Nếu không, rất dễ phát sinh các vấn đề an sinh xã hội.
Để động viên người dôi dư nghỉ công tác do sắp xếp đơn vị hành chính, ngoài các chế độ theo quy định của Chính phủ, UBND thành phố đề xuất chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư, nghỉ công tác do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025, tương tự đối với cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư nghỉ công tác do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 quy định tại Nghị quyết 07/2020 của HĐND thành phố.
Cụ thể, cán bộ, công chức cấp xã, viên chức dôi dư, nghỉ công tác do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được hỗ trợ 3 tháng tiền lương hiện hưởng/người.
Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ công tác trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền, được hỗ trợ mỗi năm công tác ở chức danh hiện giữ (không tính chức danh kiêm nhiệm) 1 tháng phụ cấp hiện hưởng tại thời điểm nghỉ công tác, nếu có số tháng lẻ từ 6 tháng trở xuống được hưởng 1/2 tháng phụ cấp hiện hưởng, số tháng lẻ từ 7 tháng đến dưới 12 tháng được tính là 1 năm.
Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính, nghỉ công tác kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền được hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 07/2020 của HĐND thành phố.
Cụ thể, mỗi năm nghỉ công tác trước nhiệm kỳ được hỗ trợ 1 tháng phụ cấp của chức danh hiện hưởng (không tính chức danh kiêm nhiệm); nếu có số tháng lẻ từ 6 tháng trở xuống được hưởng 1/2 tháng phụ cấp hiện hưởng, số tháng lẻ từ 7 tháng đến dưới 12 tháng được tính là 1 năm; tổng số mức hỗ trợ không quá 3 tháng phụ cấp hiện hưởng/người.
Tiền phong