Hà Nội sẽ cấm xe máy trong nội đô: "Tôi cho đây là cái đột biến"
Đó là khẳng định của ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội khi trao đổi với chúng tôi chiều 27/6 về việc Hà Nội lên kế hoạch đến năm 2025 sẽ cấm toàn bộ hoạt động của phương tiện xe máy trong nội đô.
- 07-02-2014Cấm xe máy, thí điểm xe đạp công cộng ở 5 thành phố lớn
- 11-11-2013Bàn cấm xe máy: Rỗi buôn cho vui?
- 10-05-2013Sẽ cấm xe máy vào khu lõi trung tâm TP.HCM
- 26-01-2013Cấm dùng tiền mặt mua ô tô, xe máy: Nhiều "chiêu" lách công khai
- Thưa ông, Thành ủy Hà Nội vừa đưa ra lộ trình đến năm 2025 sẽ cấm toàn bộ hoạt động của xe máy trong nội đô. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: Trước hết tôi hoan nghênh lãnh đạo TP Hà Nội nhiệm kỳ mới đã đưa ra lộ trình rất cụ thể về hạn chế phương tiện cá nhân. Năm 2012, ông Đinh La Thăng đưa ra đề án hạn chế xe cá nhân nhưng bị xã hội phản đối vì không có lộ trình cụ thể và không chuẩn bị dư luận xã hội, không có giải pháp kèm theo. Bây giờ, Thành ủy Hà Nội đưa ra đề án cấm xe máy là hơi chậm nhưng có còn hơn là không làm.
Theo tôi, cái đầu tiên cần bây giờ là phải thông tin cho người dân biết đến bao giờ thì cấm phương tiện cá nhân. Vì vậy cần phải có lộ trình để thông báo đến người dân, tổ chức chính trị, xã hội. Nếu làm mà đánh úp người dân thì không được. Tuy nhiên, đây có thể nói là công khai.
Hơn nữa, việc có lộ trình như thế để chuẩn bị khả năng thực hiện. Tất cả mọi thứ trong đề án có cả. Đầu tư hạ tầng giao thông, tăng cường thêm phương tiện giao thông công cộng, đưa trường học ra nội đô, mở rộng đường, làm thêm cầu vượt…. là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, chuyên gia, tổ chức chính trị góp ý. Đó là trách nhiệm phải làm vì nếu không có sẽ không bao giờ thực hiện được. Nhưng đưa ra được lộ trình như thế để Hà Nội phấn đấu làm, tôi cho là đây là cái đột biến.
Mặc dù, thời gian từ nay đến 2025 là còn lâu nhưng dù sao việc nhìn thấy trước như thế để có phương án, đề án giải quyết khó khăn của người dân. Nếu người dân bỏ phương tiện cá nhân thì họ đi làm bằng cái gì, cái đó Hà Nội phải lo. Việc này cũng không có vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu không giải thích cụ thể người dân sẽ phản ứng. Phản ứng vì không cho tôi đi xe máy thì tôi đi bằng gì đến cơ quan, xí nghiệp, trường học?
Bây giờ phải nói trước cho người dân biết được là để làm được việc đó phải có phương án rất cụ thể giải quyết khó khăn, nhu cầu đi lại của người dân. Cái đó trong kế hoạch đầu tư hạ tầng của TP hiện này đã có. Ví dụ như: từ nay đến 2030, Hà Nội sẽ có 7 tuyến tàu điện ngầm, tổng số là hơn 300km, hiện đang làm mấy tuyến.
Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn nhất là lấy tiền đâu để làm? Tiền không tự đẻ ra được. Hiện có 2 nguồn đi vay của thế giới xong trả. Tất nhiên phải như vậy nhưng không được vượt ngưỡng của nợ công. Thứ hai, người dân đóng góp thông qua tiền thuế.
Bây giờ muốn có tiền thuế nhiều thì phải tìm mọi cách để phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Hà Nội đã làm việc này chưa? Và phải cải cách hành chính để thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao năng suất lao động thì mới có tiền đóng thuế. Hơn nữa, phải đầu tư có mục tiêu, tiết kiệm ngân sách để lấy tiền đầu tư hạ tầng.
Tôi nhấn mạnh là đầu tư công phải kiểm soát chặt chẽ nên ưu tiên cho đầu tư hạ tầng giao thông chưa nên đầu tư cho xe công và xây dựng trụ sở.
Khi mà hạ tầng giao thông phát triển, cứ 700m có một cửa lên xuống tàu điện ngầm, tàu điện trên cao thì không cần ép buộc nữa người dân sẽ tự nguyện từ bỏ phương tiện cá nhân để đi phương tiện công cộng.
Khi một phương án đưa ra bên cạnh cái lợi cho người dân cũng có một bộ phận bị thiệt thòi, cái này người dân phải chịu. Nói tóm lại tôi rất hoan nghênh chủ trương đó, hoan nghênh Thành ủy Hà Nội, đầu nhiệm kỳ đã đưa ra được đề án như thế. Tất nhiên nó sẽ có sự va chạm, sự bảo thủ, với những người chỉ thích theo lợi ích cá nhân của mình thì sẽ phản đối.
- Hà Nội thì đưa ra phương án sẽ cấm hẳn xe máy vào năm 2025. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nên cấm ô tô thay vì xe máy vì nhiều người còn nghèo. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Cấm xe máy chứ! Xe máy liên quan đến vấn đề thứ nhất là mật độ nhiều. Thứ hai là ô nhiễm môi trường. Còn từ nay đến năm 2025 không thể chỉ cấm xe máy được mà riêng ô tô cũng phải có chế tài để hạn chế hoạt động.
Mật độ ô tô hiện nay quá dày đặc, đặc biệt là taxi chẳng hạn. Vì vậy, không thể cấm được mà chỉ có thể điều tiết trong giờ cao điểm. Ô tô cá nhân trong giờ cao điểm cũng phải hạn chế.
- Giả sử trong trường hợp Hà Nội cấm xe máy hoàn toàn nhưng với tốc độ tăng trưởng số lượng ô tô mỗi năm hiện nay, liệu sau khi cấm xe máy, Hà Nội có hết tắc đường?
Thời điểm hiện nay thì đang tăng nhưng cho đến khi phương tiện ô tô phát triển rồi thì người ta sẽ không đầu tư ô tô nữa. Không ai dại gì đi ô tô mà có chế tài thu phí hạ tầng rất cao thì người ta chẳng mua ô tô.
Ví dụ, ở Singapore, tôi ở đó lâu rồi tôi biết. Con tôi ở đó nó không mua ô tô mặc dù nó dư tiền mua ô tô mà mọi ngày vợ chồng nó đi tàu điện mỗi ngày mất 3 tiếng đồng hồ đi – về. Còn những người có ô tô thường đưa con đi học. Nếu anh đi vào giờ cao điểm bị phí hạ tầng rất cao. Không chịu nổi nên họ phải tránh giờ cao điểm. Chính vì phí đó nên người ta rất ngại mua ô tô. Vì một chiếc ô tô từ khi mua đến khi đưa ra sử dụng có khi mất một căn hộ.
Sắp tới mỗi ô tô sẽ có một tài khoản, cứ đi vào chỗ nào đông sẽ mất phí nhiều cho nên sẽ không đi. Lúc đó không cần hạn chế nữa, dùng chế tài tài chính thôi. Người ta không hạn chế mua xe nhưng có xe cũng chẳng chạy được vì tốn tiền lắm.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Infonet