Hà Nội sẽ trở thành “tâm điểm đầu tư mới”
Trong 6 - 9 tháng tới sẽ là thời điểm rất nhiều hoạt động mua bán, sáp nhập xảy ra. Nhiều đơn vị có dự án trong tay nhưng gặp khó khăn về tài chính sẽ đi tìm kiếm đối tác hoặc chuyển nhượng lại.
Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc Bộ phận nghiên cứu CBRE Hà Nội cho biết, bất động sản là một sản phẩm đầu tư dài hạn.
- Vậy thị trường bất động sản (BĐS) sẽ diễn biến như thế nào vào thời điểm cuối năm nay thưa bà?
BĐS là một câu chuyện tương đối dài hạn. Trên cơ sở 3 quý đã qua của năm 2020, chúng tôi cho rằng từ nay đến cuối năm sẽ ít có thay đổi lớn. Trong quý 4, chúng ta có thể có thêm một số nguồn cung mới, nâng tổng số căn hộ được chào bán ra thị trường lên 15.000 căn. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng khoảng 50% so với năm 2019 cũng như các năm 2018, 2017.
Kinh tế Việt Nam nói chung và BĐS Việt Nam nói riêng chịu ảnh hưởng lớn từ các nhà đầu tư quốc tế. Do đó, nếu dịch bệnh được kiểm soát, việc đi lại, di chuyển không bị hạn chế ở trong nước và quốc tế thì chắc chắn thị trường sẽ có sự cải thiện rõ rệt.
Đơn cử, giá thuê, công suất với các phân khúc BĐS thương mại như văn phòng, bán lẻ sẽ có sự tăng trưởng trở lại. Với các phân khúc khác như thị trường văn phòng, bán lẻ… những tháng cuối năm cũng sẽ đón thêm nguồn cung mới.
Do dịch bệnh, thị trường văn phòng, bán lẻ đang gặp rất nhiều khó khăn. Giá thuê điều chỉnh theo hướng sụt giảm, dù từ giờ đến cuối năm, giá thuê có thể sẽ vẫn duy trì như thế.
- Kịch bản thị trường năm 2021 liệu có tươi sáng hơn so với 2020, thưa bà?
Năm 2021, chúng ta có thể hi vọng vào một bức tranh tươi sáng hơn. Về tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia quốc tế kì vọng mức tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam ở mức khá, trung bình 7-8%. Với mức tăng trưởng đó, thị trường BĐS sẽ có sự khởi sắc. Với thị trường nhà ở, các phân khúc sẽ có nguồn cung dồi dào và đa dạng hơn. Với phân khúc văn phòng, bán lẻ, nguồn cung năm 2021 sẽ tiếp tục gia tăng.
Đáng chú ý, thị trường văn phòng sẽ có những chuyển biến nhất định. Nguồn cung văn phòng Hà Nội cũng như TP.HCM đang ngày càng đi xa khỏi trung tâm.
Ở Hà Nội đã hình thành 3 khu vực trọng điểm của thị trường văn phòng: khu vực trung tâm Hoàn Kiếm, Đống Đa - Ba Đình và khu vực phía Tây. Trong 2021 và những năm kế tiếp, thị trường sẽ xuất hiện những dự án nằm ngoài 3 khu vực truyền thống này.
Tại TP.HCM, xu hướng này đã diễn ra và các dự án nằm ngoài khu vực truyền thống đều thu hút được đối tượng khách thuê thuộc ngành thương mại điện tử, công nghệ thông tin. Đây là những ngành nghề không nhất thiết nằm tại khu vực trung tâm mà thường nằm gần tuyến đường cao tốc, quốc lộ, gần khu vực cảng biển, sân bay… tiện cho vấn đề liên quan đến kho vận, logistic… Vì thế, đây có thể là xu hướng cho những năm tiếp theo tại Hà Nội.
- Theo bà, xu hướng đầu tư trong các năm tới có gì đáng chú ý?
Trước đây, các chủ đầu tư nước ngoài hoặc ngay cả các chủ đầu tư trong nước và những nhà đầu tư miền Bắc thường có xu hướng chọn TP.HCM để đầu tư. Nguyên nhân bởi TP.HCM là đầu tàu kinh tế của Việt Nam, là trung tâm kinh tế lớn nhất nước nên các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Thế nhưng mặt bằng giá ở TP.HCM hiện đang ở mức rất cao khiến các chủ đầu tư, các nhà đầu tư khó tiếp cận quỹ đất để làm dự án mới. Do đó, làn sóng đầu tư sẽ có xu hướng chuyển ra thị trường Hà Nội và vùng ven Hà Nội bởi mặt bằng giá thị trường này thấp hơn. Đây sẽ là một xu hướng đầu tư đáng chú ý trong tương lai.
Ngoài ra, BĐS công nghiệp cũng sẽ là mảng chứng kiến nhiều tên tuổi, dự án mới. Trong làn sóng thay đổi về chuỗi cung ứng, thay đổi chuyển dịch toàn cầu, BĐS công nghiệp sẽ chứng kiến nhiều tên tuổi, dự án mới của các chủ đầu tư quốc tế đổ vào Việt Nam hơn.
Và trong thời điểm hiện tại cũng như trong 6 đến 9 tháng tới sẽ là thời điểm chúng ta nhìn thấy nhiều hoạt động mua bán, sáp nhập sẽ xảy ra. Đây cũng sẽ là thời gian bận rộn với những doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mua bán lại BĐS.
- Xin cảm ơn bà!
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp