MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội sẽ xây dựng đường vành đai 4 làm 'huyết mạch' phát triển kinh tế

21-04-2021 - 10:00 AM | Bất động sản

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị.  Ảnh: Phú Khánh.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phú Khánh.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nêu rõ cần xác định việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 là quan trọng để kết nối với các tỉnh thành, qua đó trở thành 'huyết mạch' để TP. Hà Nội phát triển kinh tế trong 5 năm tới.

Chiều 20/4, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của TP. Hà Nội.

Khai mạc hội nghị, Chủ tịch Chu Ngọc Anh khẳng định, đây là hội nghị đặc biệt quan trọng để thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, các chương trình công tác lớn của TP. Hà Nội.

"Đây là cơ hội để các sở ngành, quận huyện tự soi vào chính mình để có những góp ý xác đáng, tập hợp được trí tuệ tập thể", Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói.

Nêu việc dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 là cụ thể hóa 10 chương trình công tác lớn của TP. Hà Nội, Chủ tịch Chu Ngọc Anh yêu cầu từng đơn vị khi góp ý phải đảm bảo cả 2 yêu cầu: đáp ứng đầy đủ tính bao quát nhưng cũng phải có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên trên từng lĩnh vực, đảm bảo tính khả thi.

Theo dự thảo, đến năm 2025, Thủ đô sẽ được xây dựng, phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; tạo bước chuyển căn bản sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 của Hà Nội dự kiến đặt ra trong dự thảo là: tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 7,5-8,0%; cơ cấu kinh tế: dịch vụ đạt 65,0-65,5%, công nghiệp và xây dựng đạt 22,5-23,0%, nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 1,4-1,6%, đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 3,1-3,2 triệu tỷ đồng; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%; tốc độ tăng năng suất lao động từ 7,0- 7,5%.

Để đạt được các mục tiêu trên, TP. Hà Nội đặt ra 3 khâu đột phá là: ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, TP trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu... kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số

TP. Hà Nội cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Ngoài ra, TP. Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch; xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội; khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn.

Dự thảo kế hoạch cũng nêu rõ một số cân đối lớn cần đảm bảo. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 1.405 nghìn tỷ; dự kiến tổng chi ngân sách địa phương khoảng 613,7 nghìn tỷ đồng.

Theo đó, TP. Hà Nội sẽ từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, phấn đấu đến năm 2025 ở mức khoảng 50% tổng chi ngân sách địa phương; tập trung nguồn lực, bố trí cho chi đầu tư phát triển từ NSNN ở mức hợp lý; phấn đấu để ổn định khoảng 45-48% tổng chi vào năm 2030…

Du lịch, đô thị phát triển theo hướng nào?

Đóng góp ý kiến vào dự thảo, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong chương trình 02 của TP. Hà Nội, kế hoạch 5 năm đã đưa ra mục tiêu phát triển mới, phát triển 2-3 khu công nghiệp; hoàn thành, khởi công trong giai đoạn này 43 cụm công nghiệp; phát triển mới, xây dựng mới, thành lập mới thêm 46 cụm công nghiệp nữa để đạt trên địa bàn TP đủ 159 cụm công nghiệp theo kế hoạch đã được phê duyệt. Nếu lấp đầy 43 cụm công nghiệp và thành lập mới 46 cụm công nghiệp, Hà Nội sẽ có gần 100 cụm công nghiệp mới trong giai đoạn 2021-2025, qua đó thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.

Tại hội nghị, đại diện Sở Du lịch cho biết, ngành du lịch sẽ tiếp tục phấn đấu đạt mức cao nhất là 35 triệu khách đến năm 2025 với tổng doanh thu trên 150 nghìn tỷ đồng. Ngành du lịch đặt mục tiêu hết năm 2021 sẽ tạo được đà tăng trưởng, theo đó ngành tập trung tạo ra sản phẩm độc đáo cho du lịch, sản phẩm chủ lực mới, phát triển hạ tầng kết nối du lịch; tận dụng cơ hội của 5 năm trước để phát triển du lịch thông minh, chuyển đổi số…

Liên quan đến phát triển du lịch, Chủ tịch quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, địa bàn Hoàn Kiếm xác định là địa bàn trọng điểm về phát triển du lịch và Hoàn Kiếm đang chuyển hướng mạnh mẽ theo hướng này.

Quận đang tập trung cho quy hoạch, củng cố lại các chức năng của các khu vực; với lĩnh vực du lịch tập trung phát triển kinh tế đêm, tổ chức các không gian phố đi bộ gắn với các phố nghề để thúc đẩy phát triển du lịch; cải tạo hạ tầng, gắn với công nghệ trong quản lý đô thị, phát triển du lịch.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh gợi mở thêm: "Quận xem xét, xây dựng thí điểm một số tuyến phố kiểu mẫu gắn với phố đi bộ. Kiểu mẫu mọi mặt từ chuyện vứt rác, gắn với đô thị xanh, gây ấn tượng để thu hút du khách và nhân rộng".

Là một trong những quận 'lõi' đang phải đối mặt nhiều vấn đề đô thị, đại diện quận Hai Bà Trưng, kiến nghị hoàn thành các quy hoạch phân khu trong năm 2021 và sớm đẩy nhanh việc cải tạo chung cư cũ để đảm bảo đời sống người dân; xác định rõ nguồn lực, tiến độ thời gian thực hiện…

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định, cải tạo chung cư cũ là nhiệm vụ hàng đầu được Thường trực Thành ủy Hà Nội xác định rõ và sẽ quyết tâm thực hiện bằng được trong nhiệm kỳ.

Các đơn vị cũng kiến nghị cần phân cấp rõ quản lý, nhiệm vụ thu chi trong giai đoạn, để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững tăng cường xã hội hóa đầu tư hạ tầng nhất là giao thông; có cơ chế vực dậy, thay đổi hoạt động hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp làm 'đầu tàu' dẫn dắt kinh tế nông thôn…

Tập trung xây dựng tuyến đường vành đai 4

Hà Nội sẽ xây dựng đường vành đai 4 làm huyết mạch phát triển kinh tế - Ảnh 1.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn.  Ảnh: Phú Khánh.

Nêu một số vấn đề quan trọng trong dự thảo kế hoạch, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn nhắc nhở Sở KH&ĐT cập nhật một số dữ liệu mới trong dự thảo kế hoạch.

"TP. Hà Nội có 2 quy hoạch quan trọng là: quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; thứ hai là điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong thời kỳ 5 năm, 2 quy hoạch phải hoàn thành. Phấn đấu cuối năm 2022, hoặc muộn nhất là đến đầu năm 2023, 2 quy hoạch này sẽ được phê duyệt", ông Dương Đức Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu rà soát nội dung phát triển vành đai 4 liên vùng Thủ đô, đi qua Hà Nội – Hưng Yên – Bắc Ninh; củng cố đầu tư mạnh về đường sắt đô thị; tìm kiếm nguồn lực đầu tư của nước ngoài và hệ thống các vùng phát triển.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nêu rõ cần xác định việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 là quan trọng để kết nối với các tỉnh thành, qua đó trở thành 'huyết mạch' để TP. Hà Nội phát triển kinh tế trong 5 năm tới.

Nêu việc dự thảo có 303 nhiệm vụ giao các sở ngành, quận huyện, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các nhiệm vụ này phải rõ ràng hơn, tập trung vào thực hiện 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội.

Theo Thanh Trần

Nhà đầu tư

Trở lên trên