Hà Nội tái ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí Hà Nội lên ngưỡng đỏ từ sáng nay, ngưỡng có hại cho sức khỏe tất cả mọi người.
Sau vài ngày chất lượng không khí tương đối tốt, từ sáng nay, chất lượng không khí Hà Nội lại xấu đi với chỉ số AQI giờ tại các điểm đo lên ngưỡng đỏ, theo ghi nhận của nhiều hệ thống quan trắc.
Ghi nhận của Tổng cục Môi trường cho thấy, chỉ số AQI sáng nay lên trên 150. Số liệu ghi nhận tương tự tại hệ thống quan trắc của Đại sứ quán Mỹ. Hơn 60 điểm đo của PAMAir ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng đỏ trong chiều nay.
Trước đó, Bộ Y tế có khuyến cáo, khi chất lượng không khí từ ngưỡng xấu trở lên (Chỉ số AQI từ 150), người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, đi tập thể dục, làm việc ngoài trời.
Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khỏi thuốc lá.
Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm chất lượng không khí xấu, nhất là những gia đình ở gần đường giao thông và khu vực ô nhiễm. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí. Hạn chế sử dụng và thay thế bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ.
Người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mãn tính, người già, người suy dinh dưỡng, người bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng kể trên nghiêm ngặt hơn. Nếu có bất thường cần đến cơ sở y tế kịp thời.
Ô nhiễm không khí diễn ra liên tục ở Hà Nội suốt từ cuối tháng 8 đến nay với nhiều đợt ô nhiễm dài ngày, có thời điểm lên ngưỡng nguy hại-ngưỡng nguy hiểm nhất trong ô nhiễm với khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà. Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng trong năm nay với tần suất ô nhiễm ngày càng gia tăng.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được xác định bởi nhiều nhóm nguyên nhân như giao thông, xây dựng, công nghiệp và hoạt động dân sinh như đốt than tổ ong, đốt rơm rạ. Tuy nhiên, đến nay thành phố chưa thực hiện kiểm kê khí thải để xác định chính xác vai trò của từng nguồn ô nhiễm.
Một số giải pháp cấp bách đã được thành phố đề ra như rửa đường trong những ngày ô nhiễm, ban hành lộ trình cấm đốt than tổ ong hay cho phép học sinh nghỉ học trong những ngày ô nhiễm lên ngưỡng nguy hại.
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới khi dân số tăng lên, phương tiện giao thông gia tăng, các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển. Do đặc điểm của yếu tố khí tượng, ô nhiễm tại Hà Nội tập trung nhiều trong mùa đông, khi hiện tượng nghịch nhiệt diễn ra thường xuyên.
Tiền Phong