Hà Nội: Tập trung giải ngân 226 dự án đầu tư công
Những tháng đầu năm 2024, do trùng với đợt nghỉ Tết Nguyên đán nên dù tiến độ thi công các công trường trên địa bàn Hà Nội có ảnh hưởng, nhưng nguồn vốn được giải ngân vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Toàn thành phố đang tập trung giải ngân cho 226 dự án đầu tư công.
- 06-03-2024Khởi công dự án đường Hồ Chí Minh qua miền Tây hơn 3.900 tỷ đồng
- 06-03-2024Nói về nhà thầu yếu kém, Chủ tịch TPHCM: 'Nếu các đồng chí không xử lý thì thành phố sẽ xử lý các đồng chí'
- 06-03-2024Quân đội và Công an đang xây dựng bảng lương mới và chế độ phụ cấp đặc thù
Sở dĩ như vậy do thành phố Hà Nội thực hiện rất nhiều giải pháp, biện pháp đẩy nhanh tiến độ ngay từ những ngày đầu năm. Nhiều công trường được bố trí các ca, kíp thi công xuyên Tết nên luôn đảm bảo tiến độ đề ra. Đặc biệt, công trình đường vành đai 4 – vùng Thủ đô được toàn hệ thống chính trị vào cuộc, các nhà thầu nêu cao quyết tâm nên mọi việc đều được đẩy nhanh hơn dự định.
Theo UBND thành phố Hà Nội, tính đến đầu tháng 3, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý đạt 6.306 tỷ đồng, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước và đạt 8,1% kế hoạch năm 2024; trong đó, NSNN cấp thành phố thực hiện 2.547 tỷ đồng, tăng 7,4% và đạt 7,1%, NSNN cấp huyện 3.489 tỷ đồng, tăng 39,6% và đạt 9,1%, NSNN cấp xã 270 tỷ đồng, tăng 57,7% và đạt 8,3%.
Riêng trong tháng 2 đạt 2.335 tỷ đồng, giảm 41,2% so với tháng trước và giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2023 (chủ yếu do trùng với thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn).
UBND thành phố Hà Nội cho biết, năm 2024 thành phố Hà Nội có 226 dự án đầu tư công xây dựng cơ bản tập trung; trong đó, 155 dự án chuyển tiếp với mức đầu tư 205,5 nghìn tỷ đồng (kế hoạch giải ngân vốn năm 2024 là 24,4 nghìn tỷ đồng); có 71 dự án mới được khởi công xây dựng trong năm với tổng mức đầu tư 7,2 nghìn tỷ đồng (kế hoạch giải ngân vốn trong năm là 1,1 nghìn tỷ đồng). Lĩnh vực giao thông với 58 dự án, chiếm 19,5% kế hoạch vốn. Đến nay, các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn Thành phố vẫn duy trì nhịp độ thi công khẩn trương, sớm hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch đặt ra.
Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85,8 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, dự án đang được các địa phương tích cực triển khai bàn giao mặt bằng để thi công toàn bộ đảm bảo tiến độ đã đề ra. Đến thời điểm này, tổng vốn đã đầu tư cho dự án khoảng 12,6 nghìn tỷ đồng, tiến độ thi công xây lắp đạt 8,3%.
Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1) có chiều dài 2,3 km, mặt cắt ngang 50 m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ và Nguyễn Chí Thanh. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5,8 nghìn tỷ đồng. Đến nay, dự án đã giải ngân 25,9% kế hoạch vốn.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai cải tạo 21,7 km, đoạn nút giao Ba La quận Hà Đông đến Thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ. Dự án nâng cấp thành 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở 50m - 60m góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Tổng vốn đầu tư 8,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố; trong đó trên 5,1 nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng; 2,9 nghìn tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Đến nay dự án đã giải ngân 6,7% kế hoạch vốn.
Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình có chiều dài 6,7 km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại Lộ Thăng Long với Quốc Lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc, Hòa Bình. Mặt cắt ngang từ 120m - 180m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5,2 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 6,3% kế hoạch vốn.
Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, dự án được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 67,9 nghìn m2 tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Quy mô dự án gồm 1 khối nhà cao 6 tầng có 2 đơn nguyên với năng lực thiết kế 200 giường bệnh nội trú. Đến nay dự án đã giải ngân 42,8% kế hoạch vốn.
Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội được khởi công tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1,3 nghìn tỷ đồng. Công trình được xây dựng tại Khu công viên và hồ điều hòa CV1 (thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy) với tổng diện tích 39,6 nghìn m2; trong đó diện tích xây dựng là 10,3 nghìn m2. Đến nay dự án đã giải ngân 72,9% kế hoạch vốn.
Bên cạnh việc chỉ đạo thực hiện nhất quán các giải pháp đề ra để các công trình đảm bảo tiến độ, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư từ bên ngoài vào địa bàn để phát triển sản xuất kinh doanh và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Do kinh tế trong nước và toàn cầu gặp nhiều khó khăn, mặc dù thành phố đã nỗ lực thu hút hàng nghìn doanh nghiệp vào địa bàn, nhưng số lượng so với các năm trước lại giảm. Đặc biệt số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng mạnh.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên thành phố Hà Nội có 3.508 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng số vốn đăng ký đạt 49,1 nghìn tỷ đồng, tăng 32%; thực hiện thủ tục giải thể cho 634 doanh nghiệp, tăng 7%; 13,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 53%; 4.014 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 43%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, UBND thành phố Hà Nội đang chỉ đạo các sở, ngành và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mai và Du lịch Hà Nội tiếp tục duy trì các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá giới thiệu sản phẩm, hình ảnh du lịch, làng nghề, sản phẩm OCOP đến với du khách và các nhà đầu tư nhằm tìm kiếm sự bắt tay hợp tác của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc tích cực của các đơn vị, địa phương nên Thủ đô luôn mở rộng được nhiều đối tác tiềm năng và thu hút mạnh đầu tư vào địa bàn.
Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mai và Du lịch Hà Nội cho biết, trong tháng 3/2024 thành phố Hà Nội dự kiến tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch với các địa phương của nước Lào nhằm tiếp tục tăng cường hợp tác đầu tư qua lại nhiều chương trình, dự án, tô đậm thêm mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, gắn bó keo sơn giữa hai đất nước Việt Nam – Lào.
Báo tin tức