MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội: Thúc đẩy kinh tế đêm thông qua phố đi bộ hồ Thiền Quang

Không gian đi bộ quanh hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sẽ kích cầu phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế đêm của quận Hai Bà Trưng. Thời gian đầu, phố đi bộ mở cửa trong thứ Bảy và Chủ nhật.

UBND quận Hai Bà Trưng vừa báo cáo các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội về việc xây dựng Đề án tổ chức không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận; vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang gắn với phát huy giá trị cụm di tích chùa Quang Hoa, Thiền Quang, Pháp Hoa.

Theo đó, thời gian qua, thành phố đã tổ chức thành công các tuyến phố đi bộ tại khu vực phía Nam khu phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm, tạo nên những không gian văn hóa hấp dẫn của Thủ đô. Qua khảo sát và nghiên cứu, khu vực hồ Thiền Quang kết nối với Công viên Thống Nhất là một trong những địa điểm có các lợi thế, tiềm năng để tổ chức không gian đi bộ.

Cụ thể, khu vực hồ Thiền Quang và Công viên Thống Nhất hiện là địa điểm diễn ra các hoạt động thể dục thể thao, giao tiếp cộng đồng thường nhật của người dân trong khu vực cũng như đông đảo sinh viên các trường đại học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.

Việc tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang (theo hướng kết nối toàn bộ các khu vực vui chơi giải trí xung quanh hồ gắn với Công viên Thống Nhất tạo thành một chỉnh thể để bổ trợ chức năng, cộng hưởng giá trị, tạo sự gắn kết giữa hai không gian) sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách đến tham quan, thưởng ngoạn, du lịch văn hóa và mua sắm, ẩm thực...; phát huy tiềm năng giá trị văn hóa lịch sử của khu vực, kích cầu phát triển kinh tế quận Hai Bà Trưng và Thủ đô Hà Nội, trong đó có phát triển mô hình kinh tế đêm.

Không gian đi bộ bao gồm đoạn phố Trần Nhân Tông (giới hạn từ phố Trần Bình Trọng đến phố Quang Trung), khu vực vườn hoa, cây xanh, đường dạo xung quanh hồ Thiền Quang và trục phía Bắc của Công viên Thống Nhất (trục kết nối từ cổng phía Bắc công viên tới hồ Bảy Mẫu) có tính khả thi và khả năng tạo lập các không gian quảng trường, giao tiếp cộng đồng, dịch vụ với khoảng thời gian vận hành tương tự như khu phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Trong giai đoạn đầu tổ chức vào thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, chỉ cần tổ chức lại giao thông sẽ không gây ảnh hưởng tới hoạt động giao thông tại khu vực; nâng cao giá trị tôn giáo, tín ngưỡng của cụm di tích; kết nối, tạo không gian nghệ thuật biểu diễn văn hóa, nghệ thuật phục vụ cộng đồng, phát huy giá trị của các công trình công cộng trong khu vực như: Rạp xiếc Trung ương, Công viên Thống Nhất, Nhà hát Chèo Hà Nội, Cung Thanh niên Hà Nội...

Theo Trần Hoàng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên