MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội: Thực phẩm tăng giá

27-01-2022 - 09:35 AM | Thị trường

Những ngày cận Tết, giá thực phẩm, nhất là các mặt hàng tươi sống như thịt gà, hải sản, măng… ở Hà Nội tăng mạnh.

Tại nhiều chợ truyền thống như Thành Công, Kim Liên, Cống Vị, Long Biên, Gia Lâm… những ngày này, giá các mặt hàng tươi sống tăng khá mạnh. Thịt bò hiện ở mức 300.000 đồng/kg, tăng 25.000 - 30.000 đồng/kg so với trước đây. Tại chợ Diêm Gỗ (Long Biên), giá gà ta tăng 20.000-30.000 đồng lên 150.000 đồng/kg, trong khi giá gà công nghiệp lên 90.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Hoa, chuyên bán gà thả vườn tại chợ Linh Đàm (Hoàng Mai), cho biết: “Giá gà ta tăng cách đây cả tháng nhưng càng gần Tết, giá gà mỗi ngày một giá. Thậm chí, để đủ gà cho khách, tôi phải gom nhiều nơi cho kịp vì lượng khách đặt tăng đột biến”.

Các loại thịt lợn, giò chả cũng tăng giá từng ngày với mức tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg. Mức tăng giá tùy thuộc lượng khách mua hàng. “Càng đông khách mua, giá càng tăng thêm. Em muốn có hàng ngon, giá phải chăng, thì nên đặt trước. Càng sát Tết, giá cả thất thường, chất lượng không đảm bảo, vì người bán hay có tâm lý bán cao cho khách vãng lai”, chị Mai Hoa, bán giò chả tại chợ Kim Liên (Đống Đa), tư vấn.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, tổng giá trị hàng hóa phục vụ người dân Thủ đô mua sắm Tết là 18.000 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần kế hoạch dự kiến ban đầu. Các nhóm hàng bảo đảm cung cầu trong dịp Tết gồm thực phẩm thiết yếu như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi... Cùng với đó là các mặt hàng người dân có nhu cầu cao trong dịp Tết như nông sản, lâm sản khô, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy...

Nhiều tiểu thương chợ đầu mối ở Hà Nội như Long Biên, Đồng Xuân nắm được nhu cầu mua dự trữ các mặt hàng khô như mộc nhĩ, nấm hương, miến… nên thường nói thách giá cao. “Lượng khách buôn, khách quen lấy hàng trước Tết cả tháng. Thời điểm này chủ yếu là khách vãng lai. Cả năm đến mua 1 lần, tôi bán giá cao bằng với giá bán ở các chợ. Năm nay, các mặt hàng chủ yếu nhập từ Trung Quốc, đóng trong bao tải rồi về chia nhỏ bán cho khách như mọi năm”, chị Ngọc Lan, tiểu thương chợ Đồng Xuân, nói.

Tại cửa hàng bán hải sản trên đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên), giá tôm, mực, ghẹ, cua tăng từ 20-30% so với cách đây một tháng. Anh Nguyễn Minh, chủ cửa hàng hải sản, nói: “Cua biển từ 550.000 đồng/kg tăng lên 610.000 đồng/kg nhưng không đủ bán cho khách. Thời điểm này, nhiều người mua cua đi biếu nên “cháy” hàng. Ngoài cua, tôm biển cũng tăng giá tới 50%, từ 200.000 đồng/kg lên 400.000 đồng/kg. Trung bình một ngày, tôi bán mấy chục triệu tiền hàng”.

Hà Nội: Thực phẩm tăng giá - Ảnh 2.

Hải sản tươi sống tăng giá từng ngày vì nhiều người mua biếu Tết. Ảnh: Ngọc Mai

Siêu thị tăng giờ mở cửa

Để phục vụ nhu cầu mua sắm những ngày cận Tết, hầu hết hệ thống siêu thị sẽ hoạt động đến 12h ngày 30 Tết và mở cửa trở lại từ mồng 2 Tết. Các siêu thị cũng bán hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà; đồng thời tổ chức các điểm bán hàng lưu động tại các khu công nghiệp.

Hệ thống Big C, GO! cho biết sẽ tăng thời gian mở cửa từ 7h - 23h từ nay đến 29 Tết. Trong khi đó, hệ thống siêu thị Aeon sẽ hoạt động thêm giờ và mở cửa xuyên Tết để phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí của người dân.

Hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra cũng thông báo tăng giờ mở cửa phục vụ Tết. Cụ thể, từ 25-27/1 (tức 23-25 tháng Chạp) phục vụ khách hàng từ 7h -22h.Từ 28-30/1 (tức 26-28 tháng Chạp) phục vụ từ 6h-22h. Ngày 31/1 (tức 29 tháng Chạp) từ 6h-12h. Mồng 1 nghỉ, từ mồng 2 đến mồng 5 Tết chỉ hoạt động buổi sáng. Mồng 6 Tết, hệ thống siêu thị này hoạt động nguyên ngày bình thường.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Coopmart Hà Đông, nói: “Người dân tập trung mua sắm vào khoảng một tuần cuối cận Tết thay vì cách hai hay ba tuần như trước. Do đó, siêu thị phối hợp các nhà cung cấp tiếp tục tập trung thực hiện chương trình khuyến mãi giảm giá liên tục, cũng như tăng thêm nhiều quyền lợi cho khách hàng từ nay đến ngày cận Tết”.

Không chỉ tăng thời gian mở cửa, các siêu thị còn bảo đảm nguồn hàng dồi dào, không biến động về giá. Theo dự báo, do ảnh hưởng dịch COVID-19, nên sức mua tháng giáp Tết Nguyên đán có thể không tăng so cùng kỳ, nhu cầu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Vì vậy, các doanh nghiệp đang tập trung dự trữ những mặt hàng truyền thống trong nước với chất lượng bảo đảm, giá cả ổn định, mẫu mã phong phú.

Theo Ngọc Mai

Tiền phong

Trở lên trên