MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ vọng mang lại cơ hội phát triển xứng tầm về khoa học công nghệ cho Thủ đô

Với việc gia tăng vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển của Thủ đô nói chung và trong giải quyết các vấn đề xã hội, những thay đổi của Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ chế, chính sách đột phá, trở thành động lực quan trọng phát triển bền vững.

Hà Nội đứng đầu cả nước về những yếu tố thuận lợi để phát triển khoa học và công nghệ. Đó là, có tiềm lực, hạ tầng khoa học và công nghệ, nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của Hà Nội cũng cao... Tuy nhiên, những năm qua, Thành phố vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế này.

Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra là những bất cập trong chính sách về khoa học công nghệ. Cụ thể, chính sách trọng dụng nhân tài đã được quan tâm, nhưng cơ chế ưu đãi chưa hấp dẫn, chưa đủ mạnh, để thu hút đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài cùng hợp tác, hỗ trợ giải quyết các vấn đề trọng tâm của Thành phố.

Chính sách quản lý khoa học và công nghệ của Thành phố chưa có những đổi mới đột phá, chưa tạo được cơ chế thông thoáng, thuận lợi khai thác tối đa tiềm lực cơ sở vật chất và nguồn lực chất xám; thiếu cơ chế, chính sách có tính nổi trội nhằm hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng kết quả, sản phẩm từ các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Thành phố…


photo-1701088234326

Những thay đổi của Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ đưa khoa học công nghệ trở thành động lực quan trọng phát triển Thủ đô.

Anh Nguyễn Văn An (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, Hà Nội là Thành phố có tiềm lực lớn về khoa học và công nghệ với mạng lưới các tổ chức khoa học và công nghệ và nhiều loại hình tổ chức. Việc xây dựng quy định về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), là rất thiết thực.

“Qua tìm hiểu, tôi đánh giá, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có nhiều điểm mới, góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ. Trong đó, Điều 25 Dự thảo thực sự là một sự đổi mới trong nhận thức về chính sách phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Với quy định như hiện nay, những sửa đổi này được kỳ vọng sẽ tạo cơ chế đổi mới góp phần phát triển Thủ đô xứng tầm với vị trí, vai trò mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng”, anh An bày tỏ.

PGS.TS Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đánh giá, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã cụ thể hóa được khá đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với rất nhiều điểm mới thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất. Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực…

Một điểm mới trong Dự thảo Luật (sửa đổi) là Thành phố quyết định hoặc uỷ quyền quyết định cho đơn vị chủ trì nhiệm vụ khoa học, chủ nhiệm dự án khởi nghiệp sáng tạo có sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công được chuyển giao không cần bồi hoàn đối với tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ, dự án khởi nghiệp sáng tạo.

“Để hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, đòi hỏi Luật Thủ đô (sửa đổi) phải có được giải pháp chính sách mới, đột phá, nổi trội để phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, PGS.TS Bùi Thị An bày tỏ.

Cụ thể, Thành phố được quy định các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đặc thù trong thu hút, sử dụng, phát huy tiềm lực, vinh danh các chuyên gia, nhà khoa học giỏi. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dành riêng Điều 17 quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với những ưu đãi vượt trội như tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, điều kiện làm việc, phát triển năng lực...

Thành phố khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ tham gia hoạt động ươm tạo, đổi mới công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thủ đô; cơ chế hỗ trợ, chuyển giao, ứng dụng kết quả, sản phẩm từ các nhiệm vụ. Nội dung biện pháp này được dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) thể chế hóa trong Điều 25 về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Thủ đô.

“Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã nhìn thấy những điểm riêng của Thủ đô để đưa vào Luật là điều rất tốt. Thêm vào đó, nếu được thông qua, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ phủ định những Luật trước mà không phù hợp, tôi cho rằng điều này rất hay. Tuy nhiên, tôi đề nghị, trong các Nghị định, hướng dẫn cần cụ thể, chi tiết hơn để không ngăn cản việc thực hiện Luật”, PGS.TS Bùi Thị An nêu ý kiến.

Kì vọng rằng, những cơ chế, chính sách thay đổi sẽ giúp cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ được hiện thực hóa, góp phần đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực để thúc đẩy kinh tế xã hội; nâng cao trình độ khoa học và công nghệ tổng thể của Thủ đô Hà Nội và cả nước.

Theo K.Tiến

Lao động Thủ đô

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên