Hà Nội: Triệt phá cơ sở gia công, lắp ráp, hô biến sạc điện thoại “rởm” thành hàng chính hãng Samsung với giá chỉ 25.000 đồng
Lực lượng QLTT Hà Nội đã thu giữ 11.265 sản phẩm sạc pin các loại là hàng trôi nổi, hàng giả mạo nhãn hiệu Samsung.
- 24-03-2022Phát hiện cơ sở sản xuất nước tinh khiết tại Lạng Sơn giả mạo nhiều nhãn hiệu
- 22-03-2022Công nghệ lên ngôi, gia tăng thủ đoạn lừa đảo người tiêu dùng
- 21-03-2022Bán hàng nhái thương hiệu Everon, một đối tượng nhận hình phạt 3 năm tù
Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 4/4, Đội QLTT số 1 chủ trì phối hợp với Đội QLTT số 13, Cục QLTT Hà Nội đột xuất kiểm tra cơ sở kinh doanh linh phụ kiện điện thoại tại địa chỉ 141 Lạc Long Quân, Nghĩa Đô, Cầu Giấy Hà Nội và thu giữ hàng nghìn sản phẩm sạc điện thoại, ipad giả mạo nhãn hiệu.
Ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, sau thời gian trinh sát, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng QLTT đã đột kích kiểm tra và phát hiện cơ sở kinh doanh Đức Hải, địa chỉ 141 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội đang lắp ráp, gia công hàng chục ngàn sản phẩm là sạc điện thoại, ipad in thương hiệu Samsung. Đáng chú ý, toàn bộ bo mạch, vỏ sạc dùng để lắp ráp là hàng trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ.
Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP. Hà Nội (ngoài cùng bên phải) trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra. (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường)
Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng (sinh năm 1983), chủ cơ sở kinh doanh nói trên, toàn bộ số bo mạch, vỏ sạc được thu mua trôi nổi trong các hội, nhóm trên nền tảng mạng xã hội facebook hoặc thông qua các sàn thương mại điện tử.
"Chỉ cần vào facebook, hoặc lên google gõ các từ khóa như "Phế liệu điện tử", "Bo mạch điện thoại", "Sỉ phụ kiện điện thoại"… hàng loạt các hội nhóm, website hiện ra cho mình lựa chọn. Tại các địa chỉ này, tôi mua hàng theo cân (kg), cần số lượng bao nhiêu cũng có", ông Nguyễn Ngọc Thắng cho hay.
Linh phụ kiện phát hiện tại hiện trường vi phạm (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường)
Tại thời điểm lực lượng chức năng ập vào kiểm tra, có 3 nhân viên đang sử dụng các thiết bị, công cụ, máy móc thô sơ để gia công, lắp ráp các bo mạch vào các vỏ sạc điện thoại, ipad. Mỗi một sạc điện thoại thành phẩm, cơ sở bán ra với giá từ 25.000-30.000 đồng thông qua hình thức bán trực tiếp hoặc bán online trên các nền tảng mạng xã hội. Đáng chú ý, cơ sở này còn thu các bo mạch đã hỏng sau đó về sửa chữa, gia công, lắp ráp, hô biến thành hàng mới, chính hãng.
Lực lượng QLTT Hà Nội kiểm đếm sản phẩm có dấu hiệu vi phạm. (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường)
Có mặt tại hiện trường, đơn vị được Samsung ủy quyền cho biết, nhìn bằng mắt thường, từ bo mạch đến vỏ sạc đều không phải hàng chính hãng, tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải kiểm tra, xác minh và có thông tin chính thức đến các cơ quan chức năng.
Qua quá trình kiểm đếm, lực lượng QLTT Hà Nội đã thu giữ 11.265 sản phẩm sạc pin các loại là hàng trôi nổi, hàng giả mạo nhãn hiệu Samsung.
Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1, Cục QLTT thành phố Hà Nội, việc lắp ráp, gia công các loại sạc từ những linh kiện, thiết bị trôi nổi trên thị trường hết sức nguy hiểm cho người dùng, dễ gây cháy nổ và nhiều hệ lụy khác.
Máy móc hỗ trợ việc lắp ráp tại hiện trường. (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường)
Có mặt tại hiện trường, Phó Cục trưởng Cục QLTT thành phố Hà Nội Trần Việt Hùng cũng khuyến cáo, để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng điện thoại hay các hàng điện tử khác, người dùng cần lựa chọn mua hàng ở những cơ sở địa chỉ kinh doanh uy tín, tránh mua trôi nổi trên mạng xã hội.