MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội xử lý dứt điểm 712 dự án chậm triển khai trong năm 2023

01-07-2023 - 09:37 AM | Bất động sản

Trong tổng số 712 dự án chậm triển khai, sau một năm thực hiện, UBND TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc Sở KH&ĐT Hà Nội đã chấm dứt, dừng thực hiện đối với 66 dự án, đang hoàn thiện thủ tục đối với 60 dự án (dự kiến hoàn thiện trong tháng 7) và lên phương án xử lý đối với 293 dự án.

Nhiều dự án “vắt qua” 3 nhiệm kỳ

Ngày 30/6, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý II/2023. Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng chủ trì buổi họp báo. Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới tiến độ xử lý 712 dự án chậm triển khai, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, việc xử lý các dự án chậm triển khai đã được thành phố thực hiện từ năm 2011, đã “vắt qua” 3 nhiệm kỳ và tới nhiệm này thành phố chỉ đạo rất sát sao. Ban chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII đã họp 2 lần, đã có nghị quyết, kết luận và Thành ủy đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, giao Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm trưởng ban và hiện nay Chủ tịch UBND TP làm trưởng ban chỉ đạo.

Ông Dũng thông tin thêm: Tới nay sau 1 năm triển khai, số liệu xử lý các dự án chậm triển khai cho thấy rất tích cực. Trong tổng số danh mục báo cáo rà soát có 712 dự án, đến nay có 66 dự án UBND TP có quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc Sở KH&ĐT đã chấm dứt, dừng thực hiện dự án; 60 dự án đang hoàn thiện thủ tục, dự kiến hoàn thiện trong tháng 7. Còn 293 dự án tiếp tục phương án xử lý. “Như vậy, chúng ta đã giảm 419 dự án so với danh sách ban đầu đã có rà soát, xử lý, thúc đẩy, hỗ trợ. Như vậy chỉ còn khoảng 41,2% dự án so với tổng số dự án ban đầu”, ông Dũng nhấn mạnh.

Hà Nội xử lý dứt điểm 712 dự án chậm triển khai trong năm 2023 - Ảnh 1.

Huyện Mê Linh nơi có hàng trăm dự án chậm triển khai

Trong báo cáo mới đây, UBND TP khẳng định sẽ hoàn thành dứt điểm 293 dự án trong 2023. Việc này thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của TP Hà Nội, sự nỗ lực rất lớn của Ban chấp hành, Thường trực Thành ủy, UBND TP. “Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP đã có chỉ đạo sau này sẽ công khai danh mục tới cấp xã, trên các phương tiện thông tin đại chúng để chính quyền người dân tổ chức giám sát nội dung này. Trên cơ sở đó xây dựng các kịch bản đối với các dự án tiếp tục triển khai, các phương án xử lý với dự án bãi bỏ, chấm dứt hoạt động”, ông Dũng thông tin.

Tiếp nhận, vận hành Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong 24 giờ

Trước câu hỏi của PV Tiền Phong rằng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ được bàn giao cho Hà Nội như thế nào, ông Dũng trả lời: Khu công nghệ cao Hoà Lạc có diện tích trên 1.500 ha nằm trên 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai, với 8 khu chức năng và các khu vực phụ trợ như hồ, vùng đệm, cây xanh. Thời gian qua, Khu công nghệ cao do Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc quản lý, đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN theo mô hình cấp Tổng cục. Xuất phát tình hình thực tiễn, gắn với mô hình quản lý địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, hiện đang trong thời gian thực hiện thủ tục liên quan để chờ Chính phủ có chỉ đạo chính thức bàn giao.

Ông Dũng cho biết, để chuẩn bị cho việc bàn giao, Hà Nội đã lập tổ công tác trong đó Chủ tịch UBND TP trực tiếp làm tổ trưởng. Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ KH&CN đề nghị cho thành phố chủ động phối hợp với Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc để ngay khi có quyết định bàn giao sẽ thực hiện các vấn đề về tài sản, tài chính, điều hành, con người. Như thế, đảm bảo sau 24 giờ, các hệ thống vận hành liên quan đến văn bản, xử lý công việc hoà nhập chung vào hệ thống của thành phố. “Dự kiến trong tuần tới, nhóm do Văn phòng UBND TP, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở KH&ĐT sẽ về làm việc và thời gian tới sẽ tiếp nhận các kết quả phấn đấu khi về sẽ phát huy các kết quả đã đạt được, cùng với đó là thu hút được các nguồn vốn nước ngoài”, ông Dũng nói.

Trả lời câu hỏi PV báo Tiền Phong về việc xây dựng công viên văn hoá tại bãi giữa sông Hồng, ông Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho biết, công viên tại bãi giữa sông Hồng thuộc 4 quận Hoàn Kiếm, Long Biên, Tây Hồ, Ba Đình phân đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì. Khu vực này định hướng phát triển các công viên cây xanh, nông nghiệp, du lịch và các hoạt động kinh tế phục vụ du lịch, dựa trên nguyên tắc phục hồi công viên tự nhiên, công viên đô thị, không gian công cộng phục vụ dân cư. Đến nay, 4 quận nói trên đã có phương án nghiên cứu và báo cáo UBND TP Hà Nội. Ngày 18/4, UBND TP Hà Nội có Thông báo 163, trong đó tán thành định hướng nghiên cứu và giao UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu các bước tiếp theo.

Theo Trần Hoàng

Tiền Phong

Trở lên trên