MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội xử lý vi xây dựng còn né tránh và đùn đẩy trách nhiệm

16-11-2018 - 08:09 AM | Bất động sản

“Ở một vài nơi, vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến nhiều vụ việc vi phạm trật tự xây dựng đô thị xảy ra mặc dù đã được phát hiện, lập hồ sơ, nhưng việc xử lý chưa kiên quyết, kịp thời, diễn biến phức tạp, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.

Từ né tránh và đùn đẩy trách nhiệm

Tại buổi tọa đàm về quản lý trật tự xây dựng Hà Nội-Thách thức và giải pháp, nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị tuy đã có những chuyển biến trong thời gian gần đây, nhưng diễn biến vẫn còn khá phức tạp. Nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị vẫn chưa có hướng xử lý triệt để. Trong khi đó, lực lượng Thanh tra Xây dựng (TTXD) tại Hà Nội liên tục thay đổi mô hình tổ chức, từ chỗ thí điểm có lực lượng TTXD cấp phường, xã, sau đó lại đưa lực lượng này về trực thuộc Sở Xây dựng. Mới đây, thành phố tiếp tục tổ chức lại lực lượng này, bàn giao cho các quận, huyện quản lý.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, các Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 9.318 công trình, phát hiện và lập hồ sơ vi phạm 606 trường hợp. “Ở một vài nơi, vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến nhiều vụ việc vi phạm trật tự xây dựng đô thị xảy ra mặc dù đã được phát hiện, lập hồ sơ, nhưng việc xử lý chưa kiên quyết, kịp thời, diễn biến phức tạp, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân”, ông Hùng chia sẻ.

Hà Nội xử lý vi xây dựng còn né tránh và đùn đẩy trách nhiệm  - Ảnh 1.

606 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2018.

Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội chia sẻ thêm, qua nhiều năm thí điểm, các mô hình tổ chức trước đây bộc lộ nhiều vướng mắc và hạn chế trong quá trình hoạt động. Cụ thể như: Chưa gắn kết phát huy vai trò trách nhiệm của chính quyền quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm xảy ra thường xuyên dẫn đến hiệu quả hoạt động không cao, nhiều vụ việc vi phạm trật tự xây dựng đô thị xảy ra, diễn biến phức tạp, nhiều công trình vi phạm về trật tự xây dựng được báo chí và cơ quan chức năng phát hiện, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân.

“Chính vì vậy, UBND Thành phố đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 26/2018/QĐ-TTg ngày 22/6/2018, có hiệu lực từ ngày 10/8/2018 về việc Thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội trong vòng 02 năm và Thủ tướng đã giao cho Hà Nội sơ kết, tổng kết để đánh giá hiệu quả của mô hình trên”, ông Hùng nói.

Đến tình trạng cục bộ, bao che cho công trình vi phạm

Được biết, để công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố đi vào nề nếp, hiệu quả và đảm bảo tính thống nhất, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giữa lực lượng Thanh tra xây dựng và chính quyền cơ sở, UBND thành phố đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND cấp huyện quản lý.

Ông Hà Anh Tuấn, Trưởng Phòng quản lý đô thị quận Đống Đa mong muốn bổ sung thẩm quyền cho Đội mới. “UBND quận Đống Đa Xin kiến nghị bổ sung thêm thẩm quyền cho Đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng và đô thị có quyền xử phạt, giúp cho việc kiểm tra xử lý được đồng bộ và hiệu quả hơn. Thẩm quyền của Đội trưởng chưa có thẩm quyền để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nên chưa phát huy được vai trò. Điều này giúp Đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng và đô thị phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm”.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, với mô hình trên sẽ khó có thể chặt chẽ trong việc xử lý vi phạm. “Việc phối hợp trong công tác quản lý trật tự xây dựng giữa Sở Xây dựng với UBND quận, huyện, thị xã sẽ không được chặt chẽ như trước; nếu thiếu kiểm tra, giám sát của cơ quan cấp trên sẽ dễ dẫn đến tình trạng cục bộ, bao che cho vi phạm. Lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp huyện, cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; Đặc biệt là việc kiểm tra tại các dự án đầu tư, các khu nhà ở, khu đô thị”, ông Hùng thẳng thắn.

Về việc xử lý tình trạng cán bộ cố tình "làm ngơ" hoặc không kịp thời phát hiện các sai phạm, Trưởng Phòng quản lý đô thị quận Đống Đa khẳng định sẽ căn cứ Luật Cán bộ công chức, tùy từng trường hợp, mức độ vi phạm cụ thể, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý sẽ phải kiểm điểm, xem xét trách nhiệm theo quy định pháp luật.

Hà Nội xử lý vi xây dựng còn né tránh và đùn đẩy trách nhiệm  - Ảnh 2.

Quận Đống Đa (Hà Nội) với công trình "khủng" sai phép tại số 32,32B Cát Linh ngay sát trụ sở UBND phường Cát Linh đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm gây khiếu kiện, bức xúc cho người dân.

“Quan điểm của Thành ủy, UBND Thành phố và Sở Xây dựng là kiên quyết xử lý dứt điểm, kịp thời các vi phạm về trật tự xây dựng; kiên quyết xem xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý để xảy ra các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho vi phạm”, ông Tuấn cho biết.

“Có thể nói, ở bất cứ thời kỳ nào thì con người luôn là yếu tố không thể thiếu và rất quan trọng trong quá trình hoạt động của tổ chức. Một bộ máy muốn hoạt động đạt hiệu quả cao cần có sự phối kết hợp giữa mọi người trong tổ chức cùng thực hiện mục tiêu chung. Nguồn nhân lực là chủ thể sáng tạo, có khả năng tham gia chi phối toàn bộ quá trình triển khai công việc, hướng tới mục tiêu cần đạt được”, ông Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội chia sẻ.


Duy Phạm

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên