Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) "bắt tay" chiến lược với TTC Land: Cùng làm dự án trong vòng 5-10 năm tới, giá trị góp vốn thực tế có thể cao hơn báo cáo
"Cổ phiếu HHV bây giờ có xuống nữa hay lên nữa thì không ảnh hưởng đến cam kết đầu tư từ ban đầu của chúng tôi, kỳ vọng hệ sinh thái của Đèo cả và TTC sẽ là điểm sáng cho bức tranh hạ tầng giao thông Việt Nam. Chúng tôi tới sau, thống nhất việc chia sẻ những công sức của các cổ đông và công ty đã bỏ ra trước đó là điều bình thường mà các cô đông chiến lược sẽ làm thôi", đại diện TTC Land cho biết.
Thông tin đáng chú ý mới đây, TTC Land cho biết đã ký hợp đồng và tiến tới trở thành cổ đông chiến lược của CTCP Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV). Hai bên sẽ cùng phát triển hạ tầng và các sản phẩm bất động sản (BĐS) theo mô hình mới.
Ông Võ Quốc Khánh - Tổng Giám đốc TTC Land cho biết thêm trước những khó khăn chung của thị trường, đơn cử những thông tin không tốt, hình thành luồng suy nghĩ ở nhà đầu tư là đầu tư BĐS chỉ như phân lô bán nền hoặc đầu tư hớt váng như thời gian vừa qua, TTC Land định hướng sẽ phát triển BĐS theo mô hình mới, không đầu tư chụp giật mà sẽ đầu tư dài hạn. Trong đó, TTC Land sẽ trực tiếp tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng trọng điểm cùng Đèo Cả.
"Chúng tôi tham gia góp vốn vào Đèo Cả không phải chỉ để thực hiện một dự án cụ thể mà thống nhất với nhau, đồng hành dài hạn sẽ giữ phần vốn đầu tư từ 5 đến 10 năm. Giá trị đầu tư khi mua cổ phiếu của HHV đã thống nhất thậm chí còn cao hơn nhiều so với giá trị hiện nay.
Cổ phiếu bây giờ có xuống nữa hay lên nữa thì không ảnh hưởng đến cam kết đầu tư từ ban đầu của chúng tôi, kỳ vọng hệ sinh thái của Đèo cả và TTC sẽ là điểm sáng cho bức tranh hạ tầng giao thông Việt Nam. Chúng tôi tới sau, thống nhất việc chia sẻ những công sức của các cổ đông và công ty đã bỏ ra trước đó là điều bình thường mà các cô đông chiến lược sẽ làm thôi", ông nói.
Được biết, HHV hiện là nhà đầu tư trực tiếp vào 5 dự án hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư gần 50.000 tỷ đồng. Trong đó, 4 dự án đã đưa vào khai thác bao gồm: Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân) có tổng mức đầu tư hơn 21.612 tỷ đồng; Dự án Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng, Hầm đường bộ Phước Tượng Phú Gia 1.559 tỷ đồng, Dự án đầu tư xây dựng mở rộng QL1A đoạn qua tỉnh Khánh Hoà 2.644 tỷ đồng. Dự án Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng mức đầu tư 8.743 tỷ đồng đang trong giai đoạn thu xếp vốn để triển khai.
Các dự án BOT đều có tổng mức đầu tư lớn. Trong giai đoạn trước đây, gần như các dự án BOT đều không có nguồn vốn ngân sách Nhà nước tham gia. Đối với 4 dự án của HHV đã đưa vào thu phí, tại dự án Hầm Đèo Cả có một phần vốn ngân sách tham gia nhưng vẫn chưa được giải ngân hết (cón lại 1.186 tỷ đồng). Nguồn vốn chính để hình thành các dự án là từ nguồn vốn chủ sở hữu do các nhà đầu tư góp vào và nguồn vốn vay tín dụng.
Tại thời điểm 31/12/2021, BCTC hợp nhất của HHV ghi nhận tổng nợ vay là hơn 26.000 tỷ đồng, trong đó hơn 20.000 tỷ đồng là nợ vay dài hạn tại các tổ chức tín dụng để tài trợ cho các dự án BOT. Các khoản nợ vay của HHV đã hình thành nên tài sản tương ứng là các hầm đường bộ, các tuyến cao tốc. Tổng tài sản của HHV tính đến 31/12/2021 đạt gần 34.000 tỷ đồng.
Năm 2021, HHV đạt doanh thu 981 tỷ đồng, tăng 80% so với năm 2020. Kết quả tăng trưởng nhờ đẩy mạnh hoạt động thi công xây lắp thông qua việc ký kết và thực hiện các gói thầu của dự án cao tốc Trung Lương Mỹ - Thuận, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo… Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2021 tăng mạnh lên 230 tỷ đồng (gấp 5,6 lần lợi nhuận sau thuế năm 2020), tỷ suất LNST/DT đạt 23,41%.
HĐQT thông qua phương án chia cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu, tỷ lệ chi trả tương đương 91,87%.
Năm 2022, HHV đặt mục tiêu năm 2022 doanh thu hợp nhất là 2.515 tỷ đồng, tăng trưởng 35,1%, lợi nhuận kế hoạch 396 tỷ đồng, tăng 36%. Ngoài ra, HHV sẽ phân bổ 4.000 tỷ đồng để phát triển dự án.
Trí Thức Trẻ