Hà Tĩnh xử phạt 1,6 tỷ đồng loạt dự án chậm tiến độ
Ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh vừa tiến hành kiểm tra 99 dự án, lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư và ra quyết định xử phạt 42 dự án với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.
- 24-10-2022Hé lộ về doanh nghiệp đề xuất làm dự án khu du lịch hơn 7.000 tỷ ở Quảng Trị
- 24-10-2022VCCI: Áp niên hạn sở hữu chung cư sẽ đẩy giá chung cư cũ đi lên
- 24-10-2022Vì sao biệt thự, liền kề nằm xa trung tâm Hà Nội vẫn hút khách?
Hàng loạt dự án chậm tiến độ tại Khu kinh tế Vũng Áng. Ảnh Trương Hoa
Thông tin từ Sở KH&ĐT Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 244 dự án chậm tiến độ, tróng đó có 131 dự án do UBND tỉnh chấp thuận; 59 dự án do khu kinh tế, khu công nghiệp chấp thuận; 54 dự án do UBND huyện chấp thuận.
Mới đây, ngành chức năng tỉnh này đã tiến hành kiểm tra 99 dự án, lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư và ra quyết định xử phạt đối với 42 dự án với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng; thu hồi, chấm dứt hoạt động 10 dự án; chấp thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện đối với 15 dự án; cho phép gia hạn tiến độ sử dụng đất đối với 14 dự án; giao đất, cho thuê đất đối với 19 dự án…
Theo đó, trong hàng loạt dự án chậm tiến độ nguyên nhân chính nhà đầu tư năng lực còn hạn chế hoặc mục đích lập dự án để giữ đất. Bởi thực tế, một số dự án được cấp phép nhiều năm nhưng không triển khai, hoặc triển khai chiếu lệ, để rồi đến kỳ kiểm tra lại thì xin được gia hạn.
Nói về việc xử lý các dự án chậm tiến độ, lãnh đạo Sở KH&ĐT Hà Tĩnh cho biết, tiến độ xử lý các dự án này vẫn chưa đáp ứng theo yêu cầu, một số dự án chậm tiến độ nhưng chưa được xử lý kịp thời.
Vị lãnh đạo Sở này giải thích: "Vướng mắc trong quá trình xử lý dự án chậm tiến độ, một phần do chồng chéo giữa các quy định của pháp luật. Theo quy định pháp luật, một dự án đầu tư trên đất được gọi là "treo" chỉ khi sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc sau 24 tháng sử dụng đất không đúng tiến độ".
Bởi, theo Luật Đất đai 2003, những dự án như thế sẽ bị thu hồi đất và trả lại phần tài sản đã đầu tư trên đất, trừ trường hợp các dự án được UBND cấp tỉnh gia hạn. Đến Luật Đất đai 2013, các dự án chậm triển khai được gia hạn thêm 24 tháng, nếu vẫn không triển khai thì bị thu hồi đất và các tài sản đã đầu tư trên đất. Thế nhưng, Luật Đầu tư thì quy định, sau 12 tháng dự án không có hoạt động đầu tư thì rút phép đầu tư.
Vị lãnh đạo Sở này cũng nói thêm, đối với các dự án vượt quá 24 tháng kể từ khi giao đất mà doanh nghiệp không đưa đất vào sử dụng sẽ xem xét gia hạn. Nếu hết thời gian được gia hạn mà doanh nghiệp vẫn chưa đưa đất vào sử dụng hoặc không triển khai thì sẽ kiến nghị thu hồi và khi thu hồi sẽ không bồi thường về đất và tài sản trên đất, trừ trường hợp bất khả kháng. Còn với những dự án chưa đầu tư, việc thu hồi thuận lợi hơn những dự án đã đầu tư dang dở, nhất là dự án có số vốn lớn, bởi sau thu hồi là hàng loạt vấn đề cần giải quyết, đặc biệt về pháp lý.
"Chúng tôi sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các dự án chậm tiến độ và kiên quyết thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật. Quan điểm là dành đất có lợi thế đưa ra đấu giá để thu hút nhà đầu tư có năng lực tài chính, phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân" – lãnh đạo Sở KH&ĐT nhấn mạnh.
Được biết, hiện Sở KH&ĐT Hà Tĩnh đã xây dựng kế hoạch phân ra từng nhóm dự án đối tượng cụ thể, trong đó, quan trọng nhất là nhóm để đất lâu dài chiếm dụng nhưng không đưa đất vào sử dụng thì phải làm rõ; tổ chức kiểm tra xử lý vi phạm, nếu kéo dài quá hạn thì đề xuất UBND tỉnh thu hồi theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, lãnh đạo Sở này cũng cho hay, trong số các dự án đang chậm tiến độ ở Hà Tĩnh đang có 60 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa được cho thuê đất do vướng Nghị định số 148 ngày 18/12/2020 của Chính phủ.
Nhà đầu tư