Habeco và Carlsberg họp bàn thoái vốn 13 lần trong năm 2018, kết quả đã trình Bộ Công thương
Khác với thương vụ thoái vốn Sabeco, vướng mắc về giá có lẽ là rào cản lớn nhất trong thương vụ thoái vốn Habeco.
Mới đây, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã CK: BHN), ông Trần Đình Thanh đã có những thông tin về lộ trình thoái vốn Nhà nước khỏi Habeco.
Theo ông Thanh, thoái vốn là chủ trương lớn của nhà nước đối với ngành nhà nước không nắm quyền chi phối buộc phải thoái. Habeco có hợp tác chiến lược với Carlsberg, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Habeco tích cực làm việc với đối tác, doanh nghiệp vẫn đặt trọng tâm triển khai đúng tiến độ thoái vốn Nhà nước theo chỉ đạo Bộ Công Thương, Chính phủ.
Cũng theo ông Thanh, năm 2018 hai bên đã có 13 cuộc làm việc, gặp gỡ để tìm tiếng nói chung. "Quá trình thoái vốn đảm bảo 3 tiêu chí công khai, minh bạch và tối đa hóa lợi nhuận của nhà nước nên cần thời gian và rất gay go chứ không đơn giản. Đàm phán đã có kết quả và chúng tôi đã trình Bộ Công Thương xin ý kiến, kết quả cuối cùng vẫn phải chờ", Chủ tịch Habeco cho biết.
Việc thoái vốn nhà nước tại Habeco đã được rục rịch từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong vì vướng mắc với đối tác chiến lược Carlsberg đang nắm giữ hơn 17% cổ phần. Theo điều khoản đối tác chiến lược, Carlsberg có quyền ưu tiên được mua cổ phiếu của Habeco trong trường hợp Bộ Công Thương thoái vốn. Trên thực tế, không ít lần, cổ đông ngoại này ngỏ ý việc muốn mua lại toàn bộ 81,79% cổ phần mà Bộ Công Thương đang nắm giữ tại Habeco.
Khác với thương vụ thoái vốn Sabeco, vướng mắc về giá có lẽ là rào cản lớn nhất trong thương vụ thoái vốn Habeco.
Cuối năm 2016, Carlsberg từng cho rằng giá cổ phiếu Habeco chỉ ở mức 48.000 đồng/cp là hợp lý. Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với thị giá Habeco và thậm chí thấp hơn giá IPO năm 2008 (khoảng 50.000 đồng/cp). Trong khi đó, thị giá Habeco hiện đang xoay quanh ngưỡng 82.000 đồng/cp, cao gần gấp đôi mức giá mà Carlsberg cho là "hợp lý".
Diễn biến cổ phiếu Habeco từ khi lên sàn tới nay
Những năm gần đây, mặc dù ngành bia Việt Nam tăng trưởng rất tốt nhưng hoạt động kinh doanh của Habeco đang có dấu hiệu đi xuống rõ nét, bất chấp sự góp mặt của "đại gia" ngành bia Thế giới Carlsberg.
Năm 2018, Habeco ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất 484 tỷ đồng, giảm 26% so với năm trước đó và là năm sụt giảm thứ 3 liên tiếp. Năm 2019, Habeco tiếp tục đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế chỉ còn 310 tỷ đồng, giảm 36% so với năm trước và đây cũng là mức thấp nhất trong hơn 10 năm.
Trí Thức Trẻ