MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai cuộc "nổi loạn" của vị bác sĩ "loạn ngôn" và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút

17-01-2020 - 11:53 AM | Sống

Biết đâu, sẽ đến ngày phác đồ điều trị ngộ độc thuốc tê mà anh mang về Việt Nam sẽ được ứng dụng một cách chính thức?

Mới gặp, ấn tượng về bác sĩ gây mê Nguyễn Anh Tuấn là một người dân dã. Hẹn mời ăn sáng, anh chở tôi bằng xe máy chạy qua những ngõ ngách sâu hun hút để đi tìm một quán... phở Bắc giữa đất Sài Gòn. Người đàn ông ấy cũng hay ngồi ở quán bình dân ven bờ sông Thảo Điền. Một mình, 1 cốc cà phê và 1 tập tài liệu tiếng Anh dày cộm. Anh bảo, đó là daily task (nhiệm vụ hàng ngày) của mình. Bác sĩ phải đọc nhiều, học nhiều, mỗi bệnh nhân là một bài học... Những buổi chiều ngồi 1 mình bên bờ sông Thảo Điền, thay vì thư giãn thì anh đọc.

Nhưng hoá ra, bấy nhiêu đó chỉ là phần hình ảnh "bề nổi". Tôi đã từng rất ngạc nhiên khi quan sát thấy từ anh một con người rất khác. Chơi xe cổ, rộn ràng hát 1 mình bên dòng Đa-nuýp xanh, nhiều lần "chịu chơi" book vé máy bay ra Bắc... gặp người yêu cũ, ôn lại tiếng Pháp để viết status động viên "người xưa" bệnh tật... Tất cả những điều đó có lẽ cũng chưa đủ kể hết về một con người lãng mạn, mộng mơ đằng sau khuôn mặt hơi xù xì và tấm áo blue trắng đạo mạo.

Ở anh, tôi còn thấy có sự nổi loạn. Tính cách nổi loạn đã tạo ra nhiều biến cố trong cuộc đời vị bác sĩ gây mê khiến cho anh từ một bác sĩ nội trú sáng giá rơi vào hoàn cảnh tốt nghiệp xong không có đơn vị nào nhận, nhiều năm phải làm không lương ở bệnh viện Việt Đức trong khi là hàng hiếm (bác sĩ Gây mê Hồi sức thời đó rất ít), đi tu nghiệp Pháp định ở lại không thành...

Nhưng có lẽ, trong suốt 28 năm làm nghề của BS Nguyễn Anh Tuấn, người ta hẳn sẽ phải nhắc đến anh gắn liền với 2 câu chuyện: Bỏ bệnh viện Việt Đức ra làm tư nhân, và kêu gọi Bộ Y tế thay đổi phác đồ điều trị ngộ độc thuốc tê toàn thân.

Câu chuyện thứ nhất có thể ví như sự "nổi loạn cá nhân", hoàn toàn không ảnh hưởng đến ai. Chuyện thứ hai, không còn mang phong cách xốc nổi của tuổi trẻ, nhưng quan trọng và có ý nghĩa hơn rất nhiều với cuộc sống này - "nổi loạn trong khoa học". Để rồi, biết đâu, sẽ đến ngày phác đồ điều trị ngộ độc thuốc tê mà anh mang về Việt Nam sẽ được ứng dụng một cách chính thức?

PV: Chào bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, ngành Gây mê Hồi sức ở Việt Nam có vẻ âm thầm, đến trước và đi sau trong một ca mổ, ít ai biết và nhắc đến họ khi ca mổ thành công, nhưng lại được nhắc nhiều khi ca mổ thất bại.

Là bác sĩ Gây mê Hồi sức có thâm niên gần 30 năm trong nghề, anh có thấy chuyên ngành của anh… hẩm hiu?

BS Nguyễn Anh Tuấn: Bạn cũng biết rồi, ở Việt Nam người ta chỉ hay chú ý đến bề nổi, nghề y cũng không phải là ngoại lệ. Trong phòng mổ, bác sĩ ngoại khoa được coi là trung tâm, ca mổ thành công thì người ta cũng chỉ biết đến đó là thành công của bác sĩ ngoại khoa. Vị trí của bác sĩ gây mê trước đây rất thê thảm, không ai biết đến, không ai muốn làm...

 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 1.

BS Nguyễn Anh Tuấn nhận bằng Thạc sĩ (Cao học khóa 1) do PGS Tôn Thất Bách, hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội trao (1995)

PV: Vậy tại sao anh lại chọn chuyên ngành gây mê hồi sức, vào cái thời chuột chạy cùng sào mới vào... gây mê?

BS Nguyễn Anh Tuấn: Năm tôi tốt nghiệp Đại Học Y Hà Nội (1991) thì ngành y có sự thay đổi về đào tạo sau đại học. Đại học Y Hà Nội lần đầu tiên áp dụng đào tạo hệ cao học thay cho đào tạo bác sỹ nội trú. Những năm đó nhà nước đang cắt giảm biên chế không còn chính sách phân công công tác. Ra trường mà không quen biết thì xin việc rất khó. Tôi không muốn thành người thất nghiệp nên đăng ký thi đại và chọn cái nghề chả ai muốn theo lúc đó là Gây mê Hồi sức, chủ yếu để có cơ hội được học tiếp và có việc làm ở Hà Nội.

 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 2.

BS Nguyễn Anh Tuấn cùng đội bóng rổ lớp Y6B trong giải bóng rổ Trường ĐHYHN (1991)

Một lý do khá buồn cười nữa là khi tôi học ngoại Y6 tại Bệnh viện Việt Đức thì GS Tôn Đức Lang, một người thầy đáng kính của chuyên khoa Gây mê Hồi sức mất. Linh cữu ông được đưa về hội trường lớn của bệnh viện Việt Đức để tất cả nhân viên bệnh viện đến viếng với sự kính trọng và tiếc thương. Đám tang của ông to quá thành ra tôi cũng có ấn tượng với nghề Gây mê Hồi sức từ lúc đó.

Kết quả kỳ thi tuyển sinh cao học năm đó của tôi ở hệ Ngoại đứng thứ 2 toàn khoá, nhưng cả khóa chỉ có mình tôi là chọn Gây mê Hồi sức. Tôi nhớ mãi, ngay hôm đầu tiên đến học ở khoa Gây mê Hồi sức bệnh viện Việt Đức, cô Hồ (bà Vi Nguyệt Hồ - phu nhân của GS Tôn Thất Tùng – lúc đó còn làm ở phòng mổ) gọi mọi người ra  để xem mặt mũi tôi ra sao, có "đơ đơ" không mà lại chọn Gây mê Hồi sức. Bà đặt luôn biệt danh cho tôi là thằng "gan huyền... gàn".

GS Đặng Hanh Đệ gặp tôi cũng buông một câu "sao cậu lại chọn gây mê? Gây mê chả có màu mè gì đâu cậu ơi!".  Mặc dù biết thầy hay nói đùa vì phu nhân của thầy cũng là bác sĩ gây mê, nhưng nó cũng xát muối vào lòng tôi ghê lắm.

Ngày đó điều kiện làm việc của Gây mê Hồi sức còn thiếu thốn, công việc chủ yếu của những bác sĩ mới như tôi là bóp bóng giúp thở khi bệnh nhân mê. Ngày đầu nhận nhiệm vụ, tôi thất vọng tràn trề. Sau đó tôi chạy tới chạy lui, tìm cách xin chuyển sang các chuyên khoa khác. Tôi đến cả nhà GS Nguyễn Thụ, hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, và cũng là chủ nhiệm bộ môn Gây mê Hồi sức để xin chuyển với lý do "đau dạ dày". Thầy đồng ý cho chuyển nhưng không có bộ môn nào nhận tôi cả, nên tôi đành tặc lưỡi  học cho xong rồi tính. Trong quá trình học thì các đàn anh là bác sĩ nội trú Gây mê Hồi sức khóa trên cũng chia sẻ, động viên tôi rất nhiều. Và thế là tôi gắn bó với ngành Gây mê Hồi sức đến nay đã 28 năm, như 1 cái nghiệp.

PV: Số phận của bác sĩ gây mê luôn luôn hẩm hiu thế sao?

BS Nguyễn Anh Tuấn: Thực ra, làm việc trong hệ thống y tế Việt Nam thì vậy, nhưng tôi đi nhiều, làm việc nhiều nơi thì thấy vị trí của bác sĩ gây mê khác hẳn. Tốt nghiệp bác sĩ nội trú, tôi đi làm thêm ở phòng khám của nước ngoài.

 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 3.

BS Nguyễn Anh Tuấn chụp ảnh cùng GS J.G. Weinberg, người đầu tiên trên thế giới đề xuất sử dụng Lipid để điều trị ngộ độc thuốc tê toàn thân, tại Hội nghị Gây tê vùng & Đau Hoa Kỳ (ASRA) tại New York, Hoa Kỳ (4/2018).

Khi làm biển tên trên áo blouse, tôi thấy cái biển đề tiếng Anh "Dr Nguyen Anh Tuan, Anesthetist", tôi rất băn khoăn và có trao đổi với ông bác sĩ trưởng phụ trách y khoa người Pháp rằng nếu để chức danh là bác sĩ Gây Mê (Anesthetist) thì bệnh nhân đến khám bệnh sẽ không tin tưởng. Ông ấy ngạc nhiên và cho tôi biết 2 bác sĩ riêng bảo vệ sức khỏe cho Tổng Thống Pháp Jaques Chirac đều là bác sĩ gây mê. Ông nói bác sĩ gây mê là bác sĩ có kiến thức toàn diện, rất thích hợp trong việc khám bệnh cấp cứu, nhất là những trường hợp bệnh nặng, có nguy hiểm đến tính mạng.

Sau này khi sang Mỹ tôi mới biết, ở Mỹ, giới bác sĩ được gọi là giới 5% vì chỉ có 5% dân số Mỹ làm nghề này. Trong số 5% đó lại chỉ có 5% là bác sĩ gây mê. Chỉ có những người giỏi nhất, thi điểm cao nhất mới được tuyển làm bác sĩ gây mê. Bên Mỹ vai trò của bác sĩ gây mê được ví như người CEO của sân bay, và gọi họ là "bác sĩ 10 giây" vì chỉ cần nhanh hơn người khác 10 giây là có thể thay đổi hoàn toàn cục diện của người bệnh. Bác sĩ gây mê ở các nước phát triển, đặc biệt ở Mỹ rất được tôn trọng, thu nhập cũng đứng ở hàng thứ nhất.

Tôi cũng vui vì mấy năm nay tình hình ở Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến. Bằng nỗ lực truyền thông và qua các biến cố y khoa, người ta đã hiểu vai trò của bác sĩ gây mê hơn. Hiện tại chuyên ngành gây mê đang là chuyên ngành hot được các sinh viên lựa chọn trong kỳ thi bác sĩ nội trú bệnh viện.

 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 4.

PV: Nói gì thì nói, dù ngành Gây mê Hồi sức ở Việt Nam không được hot nhưng anh là bác sĩ nội trú hiếm hoi của năm đó, có lẽ tương lai cũng được trải thảm vì mổ xẻ nào mà chả cần bác sĩ gây mê?

BS Nguyễn Anh Tuấn: Con đường học vấn của tôi không được hanh thông như những bác sĩ nội trú học cùng khóa. Trong quá trình đi học nội trú ở Việt Đức, tôi rất chán nản. Ngày đó phương tiện gây mê, thuốc mê thiếu thốn, lại bị "trói" cạnh cái máy mê để bóp bóng giúp thở. Sau mỗi cuộc mổ dài lê thê cả ngày có khi bác sĩ gây mê còn hít thuốc mê nhiều hơn bệnh nhân, khi về phòng nghỉ cũng ngã vật ra mê mệt.

Mang tâm lý chán nản kèm theo tính cách nổi loạn, tôi vướng vào một số chuyện rắc rối, trong đó nổi nhất là mối tình với một cô sinh viên y người Pháp sang Việt Nam thực tập. Hồi đó quan hệ với người nước ngoài chưa được cởi mở, một lần khi cô ấy tìm tôi ở nơi tôi đang công tác đã gây ra sự hiểu lầm và làm cho tôi suýt nữa bị đình chỉ học.

Có lẽ vì lý do đó nên sau khi tốt nghiệp, tôi gặp khá nhiều lận đận. Năm đó nội trú có 7 bác sĩ ngoại học xong đều được nhận về Trường Đại học Y Hà Nội hoặc về Bệnh viện Việt Đức, một mình tôi là bác sĩ gây mê nhưng không được nhận về đâu cả trong khi bác sĩ gây mê lúc đó rất thiếu. Tôi làm ở Bệnh viện Việt Đức nhưng không có hợp đồng gì cả nên chẳng có lương. Tôi kiếm sống bằng cách trực thêm cho phòng khám nước ngoài. Nhờ vậy mà tôi cũng học được nhiều thứ có ích.

 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 5.
 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 6.
 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 7.
 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 8.

Năm 1996 tôi thi đỗ kỳ thi tuyển chọn bác sỹ nội trú Pháp (chương trình FFI), lúc đó tôi lại không thuộc cơ quan nào quản lý cả. Bệnh viện Việt Đức từ chối ký hồ sơ cho tôi đi Pháp, may mà PGS Tôn Thất Bách, lúc đó là hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, đã chiếu cố ký hồ sơ theo kiểu "nhận vơ" tôi là người của bộ môn Gây mê Hồi sức để hoàn tất thủ tục cho tôi đi.

Trong thời gian đi Pháp, tôi lại thể hiện tính nổi loạn bằng chuyến nghỉ phép "chơi ngông" sang Mỹ 3 tuần. Chuyến đi chơi của tôi gây xôn xao dư luận vì năm 1997 việc đi Mỹ còn khó khăn, tôi có lẽ là bác sĩ Việt Nam ở Pháp đầu tiên sang Mỹ chơi. Hơn nữa ngày đó mọi người sang Pháp đều học hành chăm chỉ, riêng tôi lại thích đi chơi.

Tôi đi hôm trước thì hôm sau GS hiệu trưởng Tôn Thất Bách sang Paris công tác. Khi biết tôi sang Mỹ chơi, ông rất giận. (Sau này khi phỏng vấn trong kỳ thi công chức vào Bệnh viện Việt Đức, câu đầu tiên ông hỏi tôi là "tại sao cậu lại đi Mỹ ?"). Tôi có ý định ở lại Pháp làm việc, nhưng sự việc trên khiến cho việc xin giấy tờ bên phía Việt Nam để ở lại Pháp thêm khó khăn, nên tôi quyết định trở về Việt Nam theo đúng thời hạn 1 năm.

Sau khi về Việt Nam, tôi vẫn tiếp tục làm không lương ở Bệnh viện Việt Đức. Tôi cũng đã làm thủ tục xin về Bộ Môn Gây mê Hồi sức của Đại học Y Hà Nội để làm thầy giáo nhưng sự quan liêu của cơ quan công quyền làm tôi bỏ ngang. Đến đầu năm 1999 thì tôi thi được vào biên chế Bệnh viện Việt Đức. Lúc này tôi cũng tỏ ra "ngoan ngoãn" hơn nên cũng được định hướng đào tạo cán bộ nguồn, đi học cảm tình Đảng…

 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 9.

PV: Vất vả như vậy mới có được 1 vị trí ổn định, nhưng anh lại nhanh chóng từ bỏ. Người ta xin vào bệnh viện hàng đầu như Việt Đức chả được, anh lại bỏ Việt Đức để ra làm tư nhân? Lý do gì khiến anh quyết định làm như vậy?

BS Nguyễn Anh Tuấn: Đúng là quyết định rời bỏ Bệnh viện Việt Đức năm 2003 của tôi thời đó khá đình đám. Cùng 1 lúc tôi từ bỏ 3 thứ, bỏ nhà nước, bỏ bệnh viện hàng đầu được cho là nơi phát triển chuyên môn tốt nhất, bỏ cơ hội thăng tiến. Nhưng làm việc ở đây một thời gian, tôi thấy nơi này không phù hợp với tính cách của mình. Tôi từng đến, từng làm việc ở nhiều nơi, nhất là khi đến Mỹ tôi thấy họ đều rất tôn trọng bác sĩ gây mê. Còn ở đây vào thời điểm đó, bác sĩ gây mê không được tôn trọng.

Hơn nữa, còn một chuyện khá tế nhị. Thời đó tệ nạn "phong bì" khá phổ biến, nhưng chả người bệnh hay thân nhân nào tìm đến bác sĩ gây mê để biếu phong bì cả. Thi thoảng tôi cũng được chia tiền "lộc lá"mà chả biết làm cách nào chị em điều dưỡng có được. Mỗi lần cầm những đồng tiền ấy, tôi đều có cảm giác "sao xót xa như rụng bàn tay" như câu thơ của thi sĩ Hoàng Cầm.

Tôi cứ băn khoăn tại sao ai cũng tự hào nghề y cao quý mà lại không thể sống đàng hoàng bằng nghề. Vậy là tôi tìm kiếm các cơ hội để thực hiện điều đơn giản đó. Mặc dù vậy, quyết định rời khỏi Bệnh viện Việt Đức cũng là một quyết định rất khó khăn vì cả gia đình tôi chỉ có tôi làm nghề y.

 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 10.

PV: Sau khi rời Việt Đức để Nam tiến, tôi nghe đồn, ở vùng đất lành chim đậu, anh xây nhà không thèm... xây bếp, vì tiền nhiều quá chỉ toàn đi ăn tiệm?

BS Nguyễn Anh Tuấn: Năm 2002, khi tìm cơ hội làm việc, tôi tình cờ đọc 1 bài báo viết về chuyện xây dựng bệnh viện Pháp Việt (FVH) trong TPHCM. Tôi viết email cho giám đốc nhân sự của FVH, sau đó họ mời tôi vào thăm bệnh viện đang xây dựng. Tại đây, những người sáng lập bệnh viện phỏng vấn tôi và đồng ý bao giờ bệnh viện đi vào hoạt động sẽ chính thức mời tôi về làm việc.

Năm 2003 xảy ra dịch SARS ở Hà Nội. Vợ tôi khi đó làm ở Bệnh viện Việt Pháp phải tạm nghỉ việc vì bệnh viện đóng cửa. Cùng lúc đó FVH mời tôi về làm bác sĩ Gây mê Hồi sức với mức lương 1500 USD. Mức lương này so với mặt bằng kể cả trong Sài Gòn là tương đối cao, gấp 5 lần thu nhập của tôi ở Việt Đức. Ở thời điểm đó, 1 tháng lương của tôi có thể mua được 10m đất tại 1 số khu vực ở SG. Mức lương đó có thể giúp tôi sống đàng hoàng bằng nghề của mình. Tại sao tôi không chớp lấy cơ hội này?

Tôi đề nghị FV sắp xếp cả chỗ làm cho vợ chồng vào cùng. Chúng tôi cũng vừa mới cưới đầu năm 2003, chưa có con nên việc quyết định cũng khá nhanh chóng. Để tiết kiệm tiền, chúng tôi chọn đi xe lửa, mang theo tài sản duy nhất là một chiếc ti vi cũ và 8 triệu đồng dắt trong người. Mọi người đồn tôi vào đây sống không cần bếp nhưng thật ra chúng tôi cũng phải đi thuê nhà 6 năm, mua được cái nhà nhỏ năm 2009 và chi tiêu tằn tiện đến năm 2012 mới trả hết nợ (cười).

 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 11.

PV: Đến thời điểm này anh vẫn sống tốt bằng nghề của mình chứ?

BS Nguyễn Anh Tuấn:  Tôi cũng không biết thế nào gọi là sống tốt được bằng nghề. Nhưng từ khi vào TP HCM tôi chỉ sống bằng thu nhập từ nguồn bệnh viện trả cho công sức lao động của tôi mà không có bất kỳ khoản thu nhập nào khác.

Trong suốt 15 năm làm nghề Gây mê Hồi sức (2 năm là ở FVH và 13 năm làm ở Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) trong này tôi phải làm việc ít nhất là 12h/ngày và 6 ngày/tuần chưa kể trực đêm, vất vả nhiều so với khi tôi còn làm ở Việt Đức, nhưng tôi thấy thanh thản vì những đồng tiền mình kiếm được đều là "tiền sạch". Tôi cũng có thể chi tiền để thực hiện những chuyến "phượt khoa học" để nâng cao chuyên môn của mình nữa.

PV: "Phượt khoa học" có vẻ là 1 khái niệm mới?

BS Nguyễn Anh Tuấn: Để tôi giải thích cho bạn nghe. Là người làm việc trong ngành y, nhất là một bác sĩ thì việc tham dự hội nghị, hội thảo khoa học trong nước cũng như nước ngoài là hình thức học tập chuyên môn vô cùng cần thiết.

Trong khi việc tham gia các hội nghị hội thảo khoa học ở trong nước đã trở nên phổ biến và dễ dàng hơn thì việc tham dự hội nghị hội thảo quốc tế vẫn còn là một điều xa xỉ với hầu hết các bác sĩ ở nước ta, vì chi phí cao.

Một điều nực cười nữa là có nhiều người có điều kiện đi dự hội nghị ở nước ngoài thì không chú ý đến hội thảo lắm mà chủ yếu đi… du lịch. Ở Việt Nam, những người được đi thường là những người có vị trí, được các hãng dược phẩm hay thiết bị y tế tài trợ. Tôi lại không phải là đối tượng mà các hãng dược phẩm và thiết bị y tế "chăm sóc" nên phải tham dự bằng cách "phượt khoa học".

"Phượt khoa học" nghĩa là bạn phải dùng kỹ năng của những người du lịch "Ta ba lô" đến hội nghị để tiết kiệm chi phí. Tôi thường tìm cách xin học bổng tài trợ của chính hội nghị đó để tham dự và bỏ tiền túi mình thêm vào. Được cái là làm như thế thì bạn có cơ hội huy động nhiều kỹ năng sống và quý trọng đồng tiền của mình làm ra hơn là "tiền chùa"

Trong những năm qua tôi thực hiện được khá nhiều những chuyến "phượt khoa học" đến Mỹ, Ý, Thụy Sỹ, Argentina, Nhật Bản, Thailand, Singapore, Hàn Quốc… Những chuyến đi này giúp tôi tiếp cận với những kiến thức mới, giúp tôi mang được tiếng nói nhỏ bé của mình vào kho kiến thức khổng lồ của nhân loại, cho tôi cơ hội giao lưu gặp gỡ với nền văn hoá đa dạng cũng như làm giàu kỹ năng sống.

 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 12.
 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 13.

PV: Tôi nhớ, năm 2015, sự việc anh hướng dẫn cấp cứu một ca ngộ độc thuốc tê qua mạng xã hội giúp bệnh nhân hồi tỉnh trong gang tấc đã trở thành một hiện tượng gây xôn xao giới chuyên môn. Sự kiện đó đã tạo ra một làn sóng chia sẻ khủng khiếp. Nhưng hình như không phải đến lúc đó anh mới nói về ngộ độc thuốc tê và Lipid 20%?

BS Nguyễn Anh Tuấn:  Năm 2008 tôi tham dự một khoá học 3 tháng về điều trị đau do Tổ Chức Nghiên Cứu Đau Quốc Tế (IASP) tổ chức tại Bệnh viện Đại Học Siriraj, Bangkok, Thailand. Chính trong thời gian 3 tháng học này, tôi có cơ hội biết đến vai trò của Lipid trong điều trị ngộ độc thuốc tê toàn thân.

Một lần chúng tôi đến thăm khám một bệnh nhân bị hôn mê sau mổ thay khớp gối, đang được giảm đau liên tục sau mổ bằng phương pháp gây tê. Tôi thì nghĩ đến nguyên nhân do tai biến mạch não, nhưng bác sĩ trưởng nhóm hôm đó, một cô gái trẻ mới vừa tu nghiệp về gây tê vùng ở Canada mới về, nói rằng đây là một trường hợp ngộ độc thuốc tê toàn thân và ra y lệnh Lipid 20%  để truyền tĩnh mạch. Thật kỳ diệu, chỉ trong vòng 1 phút sau bệnh nhân tỉnh lại. Mặc dù đã làm nghề hơn 15 năm, nhưng đây là lần đầu tôi gặp một tình trạng ngộ độc thuốc tê toàn thân không điển hình, và được giải cứu bằng Lipid.

 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 14.
 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 15.

PV: Rồi đến khi nào thì anh có cơ hội áp dụng cái "kỳ diệu trong vòng một phút" học được từ cô bác sĩ trẻ nói trên?

BS Nguyễn Anh Tuấn: Năm 2014, tôi gây tê cho một người bệnh trẻ khoẻ để mổ tái tạo dây chằng khớp gối. Ngay sau khi tiêm thuốc tê để giảm đau sau mổ, bệnh nhân có biểu hiện điển hình của ngộ độc thuốc tê: co giật toàn thân, rối loạn tuần hoàn, suy hô hấp. Khi đó tôi đã ra yêu cầu khoa dược cấp Lipid 20% để điều trị, họ rất ngạc nhiên vì Lipid bản chất là dung dịch dinh dưỡng dùng cho bệnh nhân hồi sức, thiếu ăn, suy dinh dưỡng, họ không hiểu tại sao lại dùng Lipid truyền cho bệnh nhân đang mổ.

Trong thời gian 30 phút chờ Lipid được cấp xuống tôi đã tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân như:  kiểm soát đường thở, ổn định tuần hoàn, nhưng bệnh nhân vẫn hôn mê "tít thò lò". Sau khi truyền lipid chỉ khoảng 30 giây, bệnh nhân choàng mắt tỉnh dậy. Lúc đó tôi thấy lại tác dụng thần kỳ của dung dịch Lipid 20% như khi ở Thái Lan.

Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm này ở Hội nghị Gây mê Hồi sức Sản khoa ở TPHCM. Nhưng buổi tối ngay trước hôm hội nghị diễn ra thì tôi nhận được tin bài báo cáo của tôi bị hoãn mà không rõ lý do. Cuối năm 2014 tôi mới có dịp trình bày bài báo cáo này ở Hội nghị Gây mê Hồi sức toàn quốc ở Đà Lạt. Hồi đó có một trường hợp tử vong liên quan đến gây tê ở một thẩm mỹ viện, nên bài báo cáo của tôi cũng được các đồng nghiệp quan tâm và chia sẻ.

PV: "Để quên con tim, đừng quên Lipid" và các chiến dịch truyền thông cho ngộ độc thuốc tê và lipid 20% rõ ràng thu hút được sự chú ý rất lớn của giới chuyên môn. Tuy nhiên, đồng thời với nó anh cũng đang đối đầu với phác đồ hướng dẫn sốc phản vệ thuốc tê của Bộ Y tế ban hành. Anh có gặp rắc rối gì khi làm việc đó không?

BS Nguyễn Anh Tuấn: Đúng là tôi gặp phải rất nhiều sự phản đối, đặc biệt là của những người không cùng nghề Gây mê Hồi sức. Những bác sĩ làm gây tê nhiều như răng hàm mặt, hay làm về miễn dịch cũng không tin, cho rằng tôi làm quá lên về vấn đề ngộ độc thuốc tê toàn thân. Người ta vẫn gọi tôi là Tuấn… loạn ngôn mà (cười).

Tôi thực sự cũng chả muốn dùng facebook để tranh luận chuyên môn, nhưng lúc đó vì tình hình cấp bách nên tôi đã tranh luận rất thẳng thắn với nhiều đồng nghiệp, nhất là những bạn làm ở Hồi sức Cấp cứu. Tôi và một số đồng nghiệp Gây mê Hồi sức có lập ra một nhóm trên facebook có cái tên vui là "Học Viện Gây Mê Vườn Việt Nam" để lan tỏa vấn đề ngộ độc thuốc tê toàn thân dưới nhiều hình thức. Về sau thì các truyền thông chính thống cũng giúp chúng tôi có tiếng nói mạnh mẽ hơn về vấn đề này.

Về vấn đề phác đồ điều trị sốc phản vệ thuốc tê mới nhất mà Bộ Y tế đưa ra thì tôi cho rằng đó phác đồ lấp lửng cực nguy hiểm, còn nguy hiểm hơn cả việc không có phác đồ. Sai lầm của phác đồ đó là hướng người ta đến ngã 3 đường, không biết điều trị sốc phản vệ hay điều trị ngộ độc thuốc tê trong khi thế giới đã chứng minh sốc phản vệ thuốc tê cực kỳ hiếm gặp. Thế giới đã có phác đồ dành riêng cho điều trị ngộ độc thuốc tê toàn thân từ 10 năm nay và cập nhật mới nhất là năm 2018, tại sao mình lại không áp dụng giống như thế giới nhỉ?

 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 16.
 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 17.

PV: Những cố gắng của anh cuối cùng đã đạt được hiệu quả như thế nào?

BS Nguyễn Anh Tuấn: Vấn đề nhận thức về ngộ độc thuốc tê không đơn giản, ngay cả trên thế giới hiểu biết về ngộ độc thuốc tê vẫn còn hạn chế. Ngay năm 2015, 1 bệnh viện lớn về tim mạch ở thủ đô London đã làm thăm dò để tìm hiểu sự hiểu biết của nhân viên y tế, kết quả cho thấy 50% bác sĩ và nhân viên y tế không biết về ngộ độc thuốc tê, ngay cả khi xảy ra cũng không biết sử dụng Lipid để cấp cứu.

Ở Mỹ vấn đề ngộ độc thuốc tê toàn thân cũng vẫn là tảng băng ngầm, có rất nhiều biến chứng ngộ độc thuốc tê toàn thân bị giấu kín, nhất là ở các phòng mổ thẩm mỹ không có bác sĩ gây mê.

Ở Việt Nam, chưa có báo cáo nào tổng kết về ngộ độc thuốc tê toàn thân nhưng tôi nghĩ thực trạng chắc còn tệ hơn nhiều.

Tôi nghĩ rằng những cố gắng của mình và nhóm "Học Viện Gây Mê Vườn Việt Nam" đã đạt được những thành tựu nhất định. Những người bạn trên FB mà tôi kết nối đã ủng hộ khẩu hiệu "No Lipid, No Chích thuốc tê". Hàng ngày tôi vẫn thường xuyên nhận được tin vui báo về các trường hợp điều trị thành công ngộ độc thuốc tê toàn thân bằng Lipid. Số người còn quan điểm "sốc phản vệ thuốc tê" ngày càng ít đi.

Năm 2017, tại Bệnh viện Phú Thọ xảy ra một ca sau khi nhổ răng thì rơi vào tình trạng truỵ mạch. Sau khi cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ không thành, tiêm rất nhiều Adrenaline nhưng bệnh nhân vẫn nguy kịch, người ta phải chạy oxy hoá máu bằng màng ngoài cơ thể (ECMO) mới cứu được bệnh nhân.

Năm 2018, tại chính bệnh viện này lại xảy ra một ca tương tự và được cấp cứu theo phác đồ ngộ độc thuốc tê toàn thân bằng cách cho Lipid 20% sớm. Bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, nhanh chóng mà không cần đến ECMO. Đây cũng có lẽ là lần đầu tiên trên báo xuất hiện cụm từ "cấp cứu thành công ngộ độc thuốc tê".

Lúc đó tôi đang dự Hội nghị Gây tê vùng giảm đau ở Mỹ, tôi đã phải nhảy lên vui sướng vì thấy người ta đã thay đổi quan điểm rồi. Tất nhiên, vẫn còn những người vẫn không chấp nhận chuyện đó.

 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 18.

PV: Ngoài ca đó ra, còn có bệnh nhân nào được cứu từ phác đồ cấp cứu ngộ độc thuốc tê mà anh phổ biến không?

BS Nguyễn Anh Tuấn: Nhiều chứ, hàng ngày hàng giờ tôi vẫn nhận được phản hồi từ mọi nơi, kể cả ở nước ngoài. Người ta gửi cho tôi những ca lâm sàng để nhờ tư vấn. Họ cảm ơn tôi vì tôi đã giúp họ biết đến ngộ độc thuốc tê và biết dùng Lipid 20% để cấp cứu ngộ độc thuốc tê.

Tôi nhớ, ngay thời điểm xảy ra ca ở Phú Thọ phải chạy ECMO, tại Bệnh viện Nghĩa Lộ cách đó gần 100km, 1 bác sĩ đã gọi cho tôi qua messenger để kể về trường hợp giống y như vậy. Bệnh nhân gây tê xong cũng rơi vào tình trạng truỵ mạch, cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ 30 phút, tiêm đến 70 ống Adrenaline không phục hồi. Lúc đó, bệnh viện đã chuẩn bị tinh thần giải thích cho người nhà để đưa bệnh nhân về thì bác sĩ đó nhớ lại bài học về ngộ độc thuốc tê mà tôi đã giảng năm 2014 bèn cho truyền Lipid 20%. Và chỉ vài phút sau, bệnh nhân phục hồi hoàn toàn, cứu cả ê kíp mổ ngày hôm đó một bàn thua trông thấy.

PV: Trong suốt cuộc trò chuyện, tôi thấy anh nhắc nhiều đến hiệu quả của Lipid 20% tạo nên sự phục hồi cho bệnh nhân trong khoảng thời gian rất ngắn, hầu như ngay tức khắc. Loại thuốc này có vẻ có tác dụng rất… kỳ diệu?

BS Nguyễn Anh Tuấn: Lipid 20% rất hiệu quả để điều trị ngộ độc thuốc tê toàn thân. Tuy thế vẫn có những trường hợp cấp cứu không thành công vì rất nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như phát hiện muộn quá, bệnh nhân có bệnh nền nặng nề. ECMO cần thiết để cứu các trường hợp ngộ độc thuốc tê toàn thân dùng Lipid thất bại. Nhưng nếu cho Lipid sớm, đúng thời điểm thì sẽ cứu được rất nhiều tính mạng mà không phải dùng các biện pháp đặc biệt khác. Và nhất là trong điều kiện y tế Việt Nam, không phải bệnh viện nào, lúc nào cũng có thể có ECMO, nên việc cấp cứu đúng phác đồ ngộ độc thuốc tê là rất cần thiết, đi nhầm đường là chết.

 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 19.
 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 20.
 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 21.
 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 22.

PV: Có vẻ, con đường phổ biến về ngộ độc thuốc tê và Lipid 20% của anh còn rất chông gai?

BS Nguyễn Anh Tuấn: Đúng là còn rất nhiều chông gai, đặc biệt là sau vụ án Hoàng Công Lương thì người ta có vẻ chùn lại. Các bác sĩ vẫn chờ đợi hướng dẫn chính thống của Bộ Y tế, không có hướng dẫn của Bộ người ta đâu có dám làm. Nhưng trong trường hợp cấp cứu thì phải xử lý thế nào, cấp cứu bệnh nhân hay tiếp tục chờ? Tôi nghĩ Bộ Y tế phải xem xét vấn đề này càng sớm càng tốt để gỡ rối cho bác sĩ và cũng để cho giống thế giới nữa.

 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 23.
 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 24.

PV: Đang làm gây mê, và đã tạo được dấu ấn trong nghề, anh lại chuyển sang lĩnh vực giảm đau - một chuyên ngành ở Việt Nam còn rất mới mẻ. Tôi có thể hỏi lý do được không?

BS Nguyễn Anh Tuấn: Có 3 giá trị cốt lõi của chuyên ngành Gây mê Hồi sức là bảo tồn chức năng sống, vô cảm và giảm đau, vì thế điều trị giảm đau với bác sĩ gây mê không có gì xa lạ. Nếu không giảm đau tốt thì làm sao có thể tiến hành mổ xẻ can thiệp gì được.

Trên thế giới hiện nay bác sĩ gây mê là người đi đầu trong lĩnh vực giảm đau. Bác sĩ gây mê có lợi thế rất lớn hơn các chuyên ngành khác là dùng các kỹ thuật gây tê vùng để đưa thuốc giảm đau vào nơi cần một cách chính xác. Xu hướng bác sĩ gây mê ra khỏi phòng mổ truyền thống để tiến vào làm trong lĩnh vực đau đã có từ lâu rồi, chỉ có Việt Nam chúng ta đã đi chậm so với các nước khác thôi.

10 năm trước tôi đi học ở Thailand thấy họ đã lấy các bác sĩ Gây mê Hồi sức để đào tạo bác sĩ chuyên về đau. Tôi cũng muốn làm được như họ mà lúc đó điều kiện chưa cho phép. Chuyển sang lĩnh vực đau cần phải học lại rất nhiều kiến thức cũng như phải chuẩn bị tâm lý vững vàng cho mình. Tôi thích làm giảm đau vì có cơ hội tiếp xúc với người bệnh nhiều hơn, mình phải đọc sách nhiều hơn. Hơn nữa cũng bởi một phần do tôi đã làm trong phòng mổ quá nhiều rồi, có khi cả ngày chả thấy ánh sáng mặt trời. Nay cũng có tuổi nên cần "sưởi nắng cho môi em hồng một chút".

 Hai cuộc nổi loạn của vị bác sĩ loạn ngôn và những pha giải cứu bệnh nhân chỉ trong vòng một phút - Ảnh 25.

Tôi về làm việc tại Phòng Khám Đau của Hệ Thống Bệnh Viện Sài Gòn ITO từ cuối năm 2018. Khi mới chuyển sang tôi cũng phải đi học thêm một khóa học về giảm đau can thiệp ở Seoul. Chuyển sang lĩnh vực này tuy có nhiều thách thức nhưng đây cũng là niềm đam mê của tôi, và tôi cũng muốn lan rộng niềm đam mê cho các bạn đồng nghiệp khác.

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Theo Bích Hiền

Trí thức trẻ

Trở lên trên