Hai đầu cầu Cần Giờ hơn 9.000 tỷ đồng được đề xuất xây dựng ở vị trí nào?
Theo Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi, thành phố đã chỉ đạo ngành giao thông nghiên cứu và tại kỳ họp đầu tháng 12 tới, HĐND thành phố sẽ họp thông qua chủ trương nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu này theo hình thức đối tác công tư với quy mô khoảng 9.000 tỷ đồng, cố gắng khởi công trước hoặc sau dịp 30/4/2025.
Theo báo cáo tiền khả thi dự án xây dựng cầu Cần Giờ nối huyện Cần Giờ và Nhà Bè có hai nhóm phương án hướng tuyến được nghiên cứu. Đầu tiên là nhóm đi theo trục Huỳnh Tấn Phát băng qua sông Soài Rạp (phương án 1, 2 và 3).
Phương án 1: Đường dẫn xuất phát từ đường Huỳnh Tấn Phát đi sát bên chung cư Phú Mỹ Thuận. Khi đến Trường THCS Phú Xuân thì chuyển hướng về bên phải đi sát vào nhà máy X51 của Công ty TNHH MTV đóng và sửa tàu Hải Minh. Sau đó, nhịp cầu sẽ bắc qua sông Soài Rạp (đoạn giao với sông Lòng Tàu). Đường dẫn tiếp tục đi qua khu dân cư bên phải phà Bình Khánh rồi kết nối vào khu vực đường Rừng Sác, cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Phương án 2: Đường dẫn bắt đầu từ đường Huỳnh Tấn Phát sau đó rẽ về dần phía đường Nguyễn Bình đến khu vực miếu Bà Chúa Xứ. Đường dẫn sẽ tiếp tục đi dọc theo bờ sông phía Nhà Bè và nhịp cầu sẽ bắc qua sông Soài Rạp, đáp xuống cù lao xã Bình Khánh (gần sông Chà). Tiếp theo đường dẫn đi song song với cao tốc Bến Lức - Long Thành đến đường Rừng Sác.
Phương án 3: Đường dẫn xuất phát từ đường Huỳnh Tấn Phát đi sát bên chung cư Phú Mỹ Thuận. Khi đến Trường THCS Phú Xuân thì chuyển dần về bên phải sát miếu Bà Châu Đốc 2. Đoạn tiếp hướng tuyến đi tương tự phương án 2.
Nhóm phương án đi theo trục đường 15B (đường 17 trong khu dân cư Phú Xuân) với tên gọi 2A, 4A, 4B.
Phương án 2A: Đường dẫn đi dọc theo đường 15B khi qua rạch Mương Ngang thì rẽ trái về phía Trường THPT Dương Văn Dương và đi tiếp đến miếu Bà Chúa Xứ. Từ đây, hướng tuyến trùng với phương án 2 (bên trên).
Phương án 4A, 4B đường dẫn đi dọc theo đường 15B khi qua rạch Mương Ngang thì băng qua đường Nguyễn Bình đến bờ sông Soài Rạp phía Nhà Bè. Nhịp cầu được bắc qua sông tại vị trí luồng cong của sông Soài Rạp đoạn gần cầu Bình Khánh - cao tốc Bến Lức - Long Thành. Khi qua bờ phía Cần Giờ, đường dẫn sẽ đi giữa cù lao xã Bình Khánh, tiếp đó tương tự phương án 2A và 3. Điểm khác nhau giữa phương án 4A và 4B là vị trí đường dẫn tại bờ sông phía Nhà Bè.
Được biết, hai phương án được đề xuất xem xét là 4A và 4B (hướng tuyến tương tự nhau), với điểm đầu nối vào đường 15B. Đây cũng là hướng trước đó UBND thành phố đã lựa chọn và được Thủ tướng chấp thuận bổ sung trong quy hoạch giao thông trên địa bàn.
Phát biểu ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023 được tổ chức mới đây tại huyện Cần Giờ, Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đã chỉ đạo ngành giao thông nghiên cứu và tại kỳ họp đầu tháng 12 tới, HĐND thành phố sẽ họp thông qua chủ trương nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu này theo hình thức đối tác công tư với quy mô khoảng 9.000 tỷ đồng, cố gắng khởi công trước hoặc sau dịp 30/4/2025.
Theo đó, dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Trong đó, ngân sách thành phố chi gần 4.000 tỷ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí xây lắp cầu thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư.
Theo Quyết định số 751/QĐ-UBND ngày 1/3/2019 của Uỷ ban nhân dân TP Hồ Chí Minh về phê duyệt Phương án kiến trúc công trình cầu Cần Giờ, hình dáng cầu Cần Giờ được chọn có hình cây đước, biểu tượng đặc trưng của vùng đất Cần Giờ.
Khi hoàn thành, cầu Cần Giờ sẽ thay thế cho phà Bình Khánh, có nhiệm vụ kết nối khu Nam TP Hồ Chí Minh với huyện Cần Giờ, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển dự án khu lấn biển, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.