MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai dự án lớn nhận được sự đồng tình của các Đại biểu Quốc hội

30-05-2023 - 15:49 PM | Bất động sản

Dự án Hồ chứa nước Ka Pét và đường giao thông liên vùng cơ bản nhận được sự đồng thuận của các Đại biểu Quốc hội vì mục tiêu phát triển KTXH cũng như ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao đời sống dân cư vùng dự án.

Trong phiên sáng 30/5, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Các đại biểu tập trung thảo luận về sự cần thiết đầu tư dự án, phạm vi, quy mô đầu tư, phương án thu hồi đất, đền bù hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, phương án thiết kế sơ bộ…

Bày tỏ ủng hộ thống nhất sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét, Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho rằng, dự án không chỉ có ý nghĩa đối với khu vực huyện Hàm Thuận Nam mà cả tỉnh Bình Thuận, đặc biệt trong điều kiện địa phương ở khu vực Nam Trung Bộ trời luôn khô hạn. Việc xây dựng dự án sẽ cung cấp được nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão lũ, cải tạo môi trường.

Hai dự án lớn nhận được sự đồng tình của các Đại biểu Quốc hội - Ảnh 1.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam).

Đồng tình với việc tăng nguồn vốn cũng như kéo dài thời gian thực hiện dự án đến năm 2025 do các nguyên nhân khách quan và dịch bệnh, song đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn việc kéo dài thêm 2 năm chưa chắc đủ thời gian thực hiện dự án. Do đó cần phải có những giải pháp, xác định tiến độ cụ thể, phù hợp để đáp ứng được yêu cầu tiến độ.

“Theo quy định của Luật Đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư các công trình, dự án các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định. Trường hợp UBND tỉnh Bình Thuận được Chính phủ ủy quyền sẽ vừa đóng vai trò chủ đầu tư vừa quyết định đầu tư, nên cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Cho rằng Dự án hồ chứa nước Ka Pét là mong mỏi lớn nhất của người dân nơi Bình Thuận, để hóa giải nỗi lo về nước sinh hoạt và sản xuất, Đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) đề xuất sớm triển khai Dự án, để người dân nơi đây không còn cảnh phải đào giếng giữa lòng sông Dinh tìm nước sinh hoạt sau những tháng trời không mưa.

Hai dự án lớn nhận được sự đồng tình của các Đại biểu Quốc hội - Ảnh 2.

Đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An).

Theo đại biểu, việc triển khai Dự án hồ chứa nước Ka Pét đúng vào thời điểm dịch bệnh Covid-19, dẫn đến dự án bị chậm tiến độ, nên cần nhanh chóng điều chỉnh chủ trương đầu tư để dự án sớm được triển khai, thực hiện. Đồng thời, Quốc hội nên cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016 của dự án để tỉnh Bình Thuận có thêm nguồn lực thực hiện dự án.

Cũng trong sáng 30/5, các đại biểu cũng thảo luận về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận. Đồng tình với chủ trương đầu tư dự án giao thông này, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP.HCM) khẳng định đây là dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy kết nối và thực hiện quy hoạch vùng. Đặc biệt hơn, dự án sẽ giúp hai huyện nghèo miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa sớm thoát nghèo; thúc đẩy các phát triển KTXH của cả vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, tạo ra hạ tầng cho phát triển du lịch, giao lưu văn hóa cũng như góp phần tăng cường an ninh quốc phòng.

Hai dự án lớn nhận được sự đồng tình của các Đại biểu Quốc hội - Ảnh 3.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP.HCM).

“Dự án nên áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nếu có điều chỉnh các nội dung trong chủ trương quyết định đầu tư. Khu vực thực hiện dự án có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ gia đình có công với cách mạng nên cần chú trọng chính sách đền bù để người dân có nơi ở mới phù hợp hơn. Cần lưu ý phương án thiết kế mở rộng lòng đường để đáp ứng các mục tiêu đề ra, đồng thời cần thiết trình Quốc hội xem xét quyết định để bảo đảm thận trọng kĩ lưỡng, nhất là những dự án liên quan đến tài nguyên rừng”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý.

Giải trình, làm rõ ý kiến ĐBQH nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đa số ý kiến của các đại biểu đồng thuận với quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Cơ quan soạn thảo, thẩm tra sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu, rà soát lại kỹ càng, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tiết giảm quy trình thủ tục và khắc phục các tồn tại, hạn chế để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Hai dự án lớn nhận được sự đồng tình của các Đại biểu Quốc hội - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ ý kiến ĐBQH nêu tại phiên thảo luận.

“Dự án hồ chứa nước Ka Pét và đường giao thông kết nối Khánh Hòa - Lâm Đồng và Ninh Thuận cơ bản nhận được sự đồng thuận của các Đại biểu Quốc hội, vì mang nhiều ý nghĩa về phát triển KTXH cũng như ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao đời sống dân cư vùng dự án. Cơ quan soạn thảo đã có nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo các dự án có ít ảnh hưởng, ít tác động nhất đến môi trường sinh thái. Đồng thời, rà soát kỹ lưỡng đảm bảo công khai, minh bạch, ổn định được đời sống người dân, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong công tác giải phóng mặt bằng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói./.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

Trở lên trên