Hai em gái ông Trịnh Văn Quyết không được hưởng lợi?
Dù anh trai Trịnh Văn Quyết được hưởng lợi hàng trăm tỷ đồng từ thao túng chứng khoán, song cá nhân hai bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga lại khẳng định không được hưởng lợi.
- 23-07-2024Bất ngờ lời khai của nữ thợ may 'biến hình' thành chủ doanh nghiệp trong vụ án Trịnh Văn Quyết
- 22-07-2024Toà cách ly ông Trịnh Văn Quyết để xét hỏi nhóm bị cáo đồng phạm giúp sức
- 22-07-2024VIDEO: Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết mặc áo sơ mi trắng, quần âu tới toà
Người nhà nhưng không hưởng lợi
Trong phiên xét xử ngày 23/7, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC - em gái ruột ông Trịnh Văn Quyết), khi trả lời xét hỏi cho hay, đã nhận thức được hành vi phạm tội.
“Bị cáo làm theo chỉ đạo, anh Quyết bảo làm gì bị cáo làm theo thôi ạ!... bị cáo không được hưởng lợi ích”, Huế nói.
Khai thêm, Trịnh Thị Minh Huế cho biết trong vụ việc nâng khống vốn điều lệ, sau khi nhận chỉ đạo của anh trai Trịnh Văn Quyết, Huế tìm người đứng tên hồ sơ, các hợp đồng ủy thác và tự đi nộp, rút tiền tại ngân hàng .
Đến khi Faros được niêm yết trên sàn, Huế tiếp tục thực hiện đặt lệnh mua, bán theo chỉ đạo. Số tiền bán cổ phiếu thu được bao nhiêu Huế không nhớ, cũng không biết chi vào việc gì.
Đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán, bị cáo Huế khai nghe theo lời của Trịnh Văn Quyết đi mượn 45 chứng minh thư nhân dân của người thân, người quen để thành lập 20 công ty và mở nhiều tài khoản.
"Đầu ngày, anh Quyết sẽ gọi điện, nhắn tin những số tài khoản chứng khoán đã chọn sẵn để giao dịch trong ngày. Sau đó, bị cáo mở máy tính và đặt lệnh những tài khoản đã chọn. Khi nào anh Quyết nhắn tin mua, bán như thế nào bị cáo sẽ đặt lệnh và gửi lệnh đi. Trong phiên giao dịch, anh Quyết sẽ nhắn tin liên tục, bị cáo thao tác theo những gì anh nhắn", Huế trình bày.
Trước đó, trả lời HĐXX, bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS - em gái Trịnh Văn Quyết) khai đã ký rất nhiều hợp đồng ủy thác theo yêu cầu của bị cáo Trịnh Thị Minh Huế.
Nga cũng thừa nhận có mượn Chứng minh thư nhân dân, thông tin cá nhân của hai nhân viên trong công ty để Huế mở tài khoản chứng khoán. Sau đó, Huế dùng thông tin cá nhân của các nhân viên để lập hợp đồng ủy thác đầu tư.
Khi HĐXX hỏi, “bị cáo có nhận khoản tiền nào của Công ty Faros chuyển đến không?” Bị cáo Nga khẳng định “không”.
Về mục đích ký vào các hợp đồng ủy thác, bị cáo Nga cho hay, làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết các hợp đồng này để "góp vốn, nâng vốn cho công ty". Nga khẳng định, mọi đề xuất ký hợp đồng ủy thác đều do Trịnh Thị Minh Huế trực tiếp yêu cầu.
Tương tự như Huế, dù anh trai Trịnh Văn Quyết bị Viện KSND Tối cao quy kết hưởng lợi tới 700 tỷ đồng từ vụ thao túng thị trường chứng khoán nhưng bị cáo Nga khẳng định không được bàn bạc, hưởng lợi ích gì.
Nữ thuộc cấp thân tín khai "Anh Quyết chỉ đạo..."
Một nhân vật chủ chốt khác trong hệ thống FLC là Hương Trần Kiều Dung (cựu Chủ tịch HĐQT công ty BOS) khai khi làm việc, bị cáo được phân công làm người đại diện pháp luật của 3 công ty. Quá trình làm, bà Dung ký khống các hợp đồng mua lại cổ phần của cổ đông, để góp vốn vào Faros tổng hơn 520 tỷ đồng.
Tuy nhiên trên thực tế, 3 công ty này không hề chuyển tiền mua bán, cũng không chuyển vốn góp cho Faros. Để hợp thức hóa vốn khống, bà Dung ký các hợp đồng ủy thác đầu tư.
Sau 5 lần nâng khống vốn, bà Dung chuyển nhượng hơn 10 triệu cổ phần Faros (tương đương 100 tỷ đồng) cho Trịnh Văn Quyết để ông này trở thành cổ đông lớn nhất Faros với 52% vốn góp.
Bị cáo Dung khai được ông Quyết chỉ đạo nên ký chuyển nhượng cổ phần cho ông Quyết nhưng không nhớ có được thanh toán không. "Đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết ông Quyết không thanh toán tiền".
Với hành vi thao túng thị trường chứng khoán, bà Dung bị cáo buộc với tư cách Chủ tịch HĐQT, là người ký hai nghị quyết của Công ty BOS để Trịnh Thị Thúy Nga tự do cấp khống hạn mức cho các giao dịch trên 10 tỷ đồng, dù biết các tài khoản không hề có tiền hoặc tài sản đảm bảo.
Theo bà Dung, nguồn gốc tất cả sai phạm do xuất phát điểm của bị cáo là Phó tổng giám đốc FLC phụ trách mảng xúc tiến đầu tư và phát triển dự án, bị ông Quyết thuyết phục sang kiêm nhiệm các công ty khác, trong đó có BOS.
"Anh Quyết chỉ đạo bị cáo làm chức này, bị cáo cũng đã từ chối vì hoàn toàn không có kinh nghiệm chuyên môn, không hề tham gia đầu tư chứng khoán. Thực sự nếu bị cáo không muốn đến BOS, chỉ có cách nghỉ việc tại FLC. Bị cáo đã báo cáo rất rõ là chỉ đứng về mặt hình ảnh còn hoàn toàn không quản lý điều hành gì, hoàn toàn không quan tâm đến hoạt động của BOS", bị cáo Hương Trần Kiều Dung nói.
Chiều nay, tới lượt Viện kiểm sát và luật sư xét hỏi bị cáo !
Tiền Phong