Hai hãng bay lớn nhất Việt Nam kinh doanh thế nào trong năm 2023: Bên lãi hơn 300 tỷ, bên lỗ hơn 5.000 tỷ
Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines và hãng bay chi phí thấp Vietjet Air vừa công bố báo cáo tài chính năm 2023.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 và cả năm 2023. Trong quý cuối 2023, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam ghi nhận 23.831 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022 do thị trường hàng không phục hồi và sản lượng vận chuyển gia tăng. Trong đó, doanh thu nội địa tăng 14%, doanh thu quốc tế tăng 49,1% so cùng kỳ.
Trong quý 4/2023, Vietnam Airlines báo lỗ gộp 189 tỷ đồng, con số này đã tích cực hơn khoản lỗ gộp 1.077 tỷ đồng của quý 4/2022. Doanh thu tài chính của Vietnam Airlines giảm gần một nửa so với cùng kỳ, ở mức 286 tỷ đồng. So với quý 4/2022, một số chi phí khác có giảm: Chi phí tài chính giảm 409 tỷ đồng còn 747 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm 328 tỷ đồng còn 991 tỷ đồng.
Cũng trong quý 4/2023, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 1.980 tỷ đồng, giảm hơn 40% so cùng kỳ. Hãng hàng không Quốc gia nêu khoản lỗ hợp nhất giảm nhờ giảm lỗ tại công ty mẹ và Pacific Airlines trong khi lợi nhuận tại các công ty con khác như CTCP suất ăn hàng không Nội Bài (NCS) và công ty TNHH MTV Suất ăn Hàng không Việt Nam (VACS) tăng thêm.
Tính chung cả năm 2023, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu hợp nhất hơn 92.100 tỷ đồng, tăng 30% so cùng kỳ năm trước. Theo đó, đây là doanh thu cao nhất của hãng kể từ sau Covid-19 và bằng 90% năm 2019, năm chưa xảy ra đại dịch.
Dù doanh thu cao, HVN vẫn lỗ ròng 5.516 tỷ đồng, con số giảm một nửa so với năm 2022 (-11.223 tỷ đồng). Đây là năm thứ 4 lỗ liên tiếp của hãng.
Tính đến 31/12/2023, tổng tài sản của Vietnam Airlines là 57.616 tỷ đồng, giảm 3.020 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền là 2.554 tỷ đồng.
Tổng nợ vay của Vietnam Airlines tính đến cuối năm 2023 là 74.561 tỷ đồng, chủ yếu là 60.608 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Khoản lỗ luỹ kế lớn khiến vốn chủ sở hữu của hãng bay này vẫn âm 16.945 tỷ đồng.
Về các giải pháp phục hồi kinh doanh, Vietnam Airlines cho biết đã hoàn thành đề án tái cơ cấu lại tổng công ty. Trong năm 2024, hãng sẽ thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu.
Hãng bay Vietjet Air tiếp tục báo lãi
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) công bố kết quả kinh doanh năm 2023 đạt tăng trưởng mạnh. Theo đó, báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023 của Vietjet ghi nhận doanh thu 53.600 tỷ đồng (riêng lẻ) và 62.500 tỷ đồng (hợp nhất), tăng lần lượt 62% và 56% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế riêng lẻ và hợp nhất năm 2023 của hãng đạt lần lượt 697 tỷ đồng và 344 tỷ đồng.
Riêng trong quý 4/2023, doanh thu riêng lẻ và hợp nhất lần lượt đạt 14,9 và 18,8 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 89% và 49% so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ và hợp nhất đạt lần lượt 70 tỷ đồng và 152 tỷ đồng.
Doanh thu phụ trợ và vận chuyển hàng hóa đạt 18,9 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 46% so với năm 2022, đóng góp 40% tổng doanh thu vận chuyển hàng không.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 84,6 nghìn tỷ đồng, tăng gần 25% so với thời điểm đầu năm, do Vietjet đầu tư tàu bay với 3 tàu A321 NEO thế hệ mới. Chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu của công ty ở mức hai lần, so với mức thông thường trên thế giới từ 3-5 lần và chỉ số thanh khoản 1,24 lần nằm ở mức tốt trong ngành hàng không.
Số dư tiền và tương đương tiền tại thời điểm 31/12/2023 đạt 5.021 tỷ đồng, gấp hơn hai lần so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2023, Vietjet đã đóng góp các khoản thuế, phí trực tiếp và gián tiếp cho ngân sách khoảng 5.200 tỷ đồng.
Đời Sống Pháp Luật