MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hài hước - kỹ năng sống vốn là "con dao 2 lưỡi" nhưng nhất định phải mài giũa mỗi ngày

09-01-2021 - 15:21 PM | Sống

Hài hước - kỹ năng sống vốn là "con dao 2 lưỡi" nhưng nhất định phải mài giũa mỗi ngày

“Những ai biết mỉm cười đều có thiên hướng biết cách quản lý, bán hàng hiệu quả, tạo hạnh phúc và nuôi dạy con cái nên người”, theo Giáo sư tâm lý học James V. McConnell, Đại học Michigan.

Hài hước - con dao hai lưỡi!

Gia đình nọ có ba người, gồm hai vợ chồng và đứa con 7 tuổi.

Họ từ quê chuyển vào thành phố nên đi tìm nhà thuê khắp nơi. Sau một ngày khó khăn, vất vả, họ tìm được một căn nhà cấp 4 cho thuê. Người bố gõ cửa, thận trọng hỏi chủ nhà: “Ông có thể cho gia đình tôi thuê căn nhà này?

Chủ nhà nhìn cả gia đình này, mắt dừng lại thật lâu ở đứa trẻ rồi nói: “Ôi, thật xin lỗi, chúng tôi không muốn cho gia đình có trẻ con thuê.”

Hai vợ chồng nghe vậy vô cùng bối rối không biết làm thế nào.

Bỗng nhiên, đứa con bảy tuổi tiến lên gõ cửa và nói với chủ nhà: “Ông ơi, ông cho cháu thuê căn nhà này nhé. Cháu không có con nhỏ, chỉ có hai bố mẹ già!”.

Chủ nhà bật cười lớn, vui vẻ cho gia đình nọ thuê nhà.

Không biết câu chuyện cười này có thật hay không nhưng nó gợi ra một cách giải quyết vấn đề rất hồn nhiên và hài hước của một đứa trẻ.

Hài hước - kỹ năng sống vốn là con dao 2 lưỡi nhưng nhất định phải mài giũa mỗi ngày - Ảnh 1.

Người Trung Quốc và Người Do Thái có chung 1 câu ngạn ngữ: “Ai không biết cười đừng mở hiệu buôn”.

Dù không đóng vai người bán hàng, đứa trẻ đã thành công trong thuyết phục chủ nhà bằng việc làm cho chủ nhà cười.

Ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, nghệ sĩ hài thường có thu nhập khủng. Điều này có lẽ là minh chứng thuyết phục cho những ai có khả năng làm cho người khác nở nụ cười.

Hài hước cũng giúp chúng ta giải quyết một số vấn đề một cách khéo léo và tế nhị trong giao tiếp như câu chuyện sau đây:

Ngày nọ, một sinh viên vừa tốt nghiệp tại một trường đại học danh tiếng đến tham gia tuyển dụng tại một công ty hàng đầu ở Châu Á. Sau phần trao đổi sơ bộ về công việc, Giám đốc hỏi cậu sinh viên: “Cậu có yêu cầu gì với công ty?”

“Tiền lương của tôi tối thiểu một tháng là 1.000 USD, một năm tôi được ra nước ngoài một tháng, công ty chịu trách nhiệm thuê nhà cho tôi nhé”, cậu sinh viên tự tin đáp.

Giám đốc liền nói: “Công ty sẽ trả cậu 2.000 USD/tháng, một năm cậu sẽ được ra nước ngoài 2 tháng, sau 1 năm công ty sẽ tặng cậu một ngôi nhà”.

“Có phải ông đang đùa với tôi phải không?”, cậu sinh viên vô cùng kinh ngạc.

“Thế không phải cậu cũng đùa với tôi à”.

Tuy nhiên, hài hước cũng là “con dao hai lưỡi”.

Người biết hài hước thường là người có thái độ sống tích cực, lạc quan, khoan dung, độ lượng. Khả năng hài hước cũng thể hiện trí tuệ cảm xúc mạnh mẽ.

Tuy nhiên, nếu sử dụng hài hước không đúng lúc, đúng nơi, đúng người và đúng nội dung sẽ khiến hài hước trở thành những màn chọc cười phản cảm, có thể gây tổn thương cho người khác.

Mài dao “hài hước”, tại sao không?

Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn của việc mang lại niềm vui tiếng cười cho người khác và chính bản thân người có khả năng hài hước.

Cười giúp người cười khỏe mạnh vì tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể. Cười giúp xây dựng mối quan hệ giao tiếp vui vẻ, lành mạnh, lâu bền.

Hài hước cũng là một kỹ năng sống như bao kỹ năng khác. Vì thế “có công mài sắt” sẽ có ngày nên dao.

photo-1

Hãy mở một ngân hàng hài hước để mỗi ngày gửi vào đó:

1. Tổng thống thứ 16 của Mỹ Abraham Lincoln có thói quen mỗi tối trước khi đi ngủ thường đọc vài mẩu chuyện cười. Ông duy trì trì thói quen này cho tận khi trở thành chủ nhân của Nhà Trắng ở tuổi 52. Ông cũng thường hay chia sẻ những câu chuyện cười với mọi người. Hãy đọc và sưu tầm những câu chuyện khiến bạn có thể thật sự cười, hãy kể lại những câu chuyện đó với những người bạn trò chuyện để luyện khả năng kể chuyện cười của bạn.

2. W. Clement Stone- Một triệu phú đô la tự thân, Cựu Tổng Giám Đốc Quỹ Napolenon Hill khi nhận ra mình có những cảm xúc tiêu cực như lo âu, sợ hãi, mất bình tĩnh trong việc làm chủ cảm xúc, ông thường dùng nụ cười để chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực.

Ông hay bắt đầu cuộc họp bằng việc chia sẻ ít nhất 5 tin vui dù với ban giám đốc hay nhân viên bán hàng. Có thể trong cuộc họp, ông phải đề cập đến những điều không hay đã xảy ra, nhưng dù mục đích buổi họp là gì, ông cũng bắt đầu bằng cách hướng tâm trí mọi người vào những điều tốt đẹp hiện hữu. Hãy lựa chọn những tin vui, những điều tốt đẹp để chia sẻ cùng mọi người để làm cho ngân hàng hài hước của bạn có những nụ cười ấm áp, yêu thương trong sự hy vọng, niềm tin.

3. Hãy gửi vào ngân hàng đó những kỷ niệm mà bạn đã làm cho khách hàng, nhân viên, đối tác cười thật hồn nhiên và trí tuệ. Những kỷ niệm đó sẽ giúp chúng ta đúc kết những “kỹ thuật”, công cụ có thể mang lại nụ cười cho người khác.

Trong các buổi đào tạo dành cho doanh nghiệp, tôi hay dùng hoạt động “Bàn tay sở thích” để bắt đầu một khóa học. Người tham gia được yêu cầu đặt bàn tay lên tờ giấy A4 và đồ lại đường viền của bàn tay. Sau đó với mỗi ngón tay, người chơi sẽ ghi ra 1 sở thích như nghề nghiệp, món ăn, hoạt động giải trí, tính cách người muốn chọn làm bạn, hợp tác lâu dài và cuối cùng là: Tên một bộ phận trên cơ thể người khác phái mà bạn thích nhìn nhất. Sau đó, học viên được yêu cầu đi tìm người có cùng với mình ít nhất 1 sở thích và ghi lại họ tên, số điện thoại và sở thích giống nhau. Tôi nhận ra, người chơi thường cười khi chia sẻ về sở thích của mình và họ cười lớn hơn, vui tươi hơn khi tìm được người có chung với mình một sở thích.

4. Một trong những hoạt động khác cũng thường mang lại nụ cười là lập danh sách những kỷ niệm hạnh phúc nhất trong cuộc sống của bạn. Hãy gửi chúng vào ngân hàng hài hước của bạn.

Tạo thói quen “giải quyết vấn đề bằng nụ cười!”

Hài hước - kỹ năng sống vốn là con dao 2 lưỡi nhưng nhất định phải mài giũa mỗi ngày - Ảnh 3.

Giáo sư tâm lý học James V. McConnell, Đại học Michigan, nói: “Những ai biết mỉm cười đều có thiên hướng biết cách quản lý, bán hàng hiệu quả, tạo hạnh phúc và nuôi dạy con cái nên người”.

Buổi sáng khi bạn mở mắt ra có nghĩa là bạn sẽ có bao nhiêu vấn đề phải giải quyết: Cơm áo gạo tiền, tạo dựng sự nghiệp, xây dựng các mối quan hệ, làm sao để khỏe mạnh hơn, giải quyết những rắc rối trong công việc và cuộc sống.

Trước khi bắt tay vào giải quyết những vấn đề này, bạn có thể gửi vào ngân hàng hài hước của bạn một nụ cười: nụ cười biết ơn vì mình có thêm 1 ngày để sống, nụ cười khi nhớ lại những gì bạn đã gửi vào ngân hàng hài hước của bạn …

Hãy ghi ra tất cả những vấn đề mà bạn cần phải giải quyết rồi chọn ra vấn đề quan trọng nhất, khó khăn nhất mà bạn cần phải giải quyết (ví dụ: làm sao để bán được nhiều hơn? Làm sao để tôi có thể vượt qua nỗi sợ bị từ chối khi trao đổi với khách hàng hoặc sếp).

Hãy mỉm cười với những khó khăn, nỗi buồn, nỗi sợ bằng những suy nghĩ như: Đó chính là những món quà tuyệt vời nhất là cuộc sống để trao tặng để giúp mình giải quyết vấn đề bằng nụ cười.

Để tìm giải pháp cho những vấn đề hiện tại của bạn, hãy thử nhìn vấn đề bằng những góc nhìn khác nhau (như kiểu đứa trẻ 7 tuổi đi thuê nhà) hoặc ứng dụng sáng tạo từ những câu chuyện trong ngân hàng hài hước của bạn.

Ths Trần Minh Trọng, Viện LEADMAN

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên