Hai kịch bản cho thị trường chứng khoán trong tháng 6
Về mặt định giá, với đà tăng của thị trường trong tháng 5, P/E của VN-Index đã tăng từ mức 13,7x cuối tháng 4 lên 14,3x cuối tháng 5, vẫn thấp hơn ngưỡng +1 Std của chỉ số này trong 1 năm qua.
- 12-06-2024Góc nhìn CTCK: Tiếp tục quán tính tăng, VN-Index hướng tới 1.320 điểm
- 12-06-2024Tiền vào ồ ạt đẩy thanh khoản lên cao nhất 3 năm, cổ phiếu VPBank nổi sóng
- 12-06-2024Một điều chưa từng xảy ra với chứng khoán Việt Nam 2 năm qua vừa khiến nhà đầu tư vỡ oà vui sướng
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán ABS đánh giá thị trường bước sang tháng 6/2024 đón nhận nhiều thông tin tích cực.
Cụ thể, lạm phát Mỹ đã chậm lại đáng kể trong tháng 4 qua khi dừng lại ở mức tăng 3,4% so với cùng kỳ, thấp hơn dự báo, mặc dù vẫn chưa đạt mục tiêu 2% do Fed đề ra. Tuy nhiên, với tốc độ này rất có thể Fed sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp vào tháng 9 tới bất chấp việc các số liệu việc làm cải thiện vượt kỳ vọng lên mức 272.000.
Trong nước, các chỉ số kinh tế của Việt Nam cho tín hiệu rất tích cực trong tháng 5 vừa qua và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong tháng 6 tới. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng giúp cho PMI duy trì ở mức tốt. Vốn FDI đăng ký và thực hiện đều tăng mạnh biến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nguồn vốn này trong khoảng đầu năm 2024 trong khu vực Đông Nam Á.
Tỷ giá VND/USD đã không còn tăng mạnh như trong tháng 4 sau khi 4 tỷ USD được NHNN bán ra. Giá vàng miếng SJC đã giảm mạnh sau khi NHNN đã bán vàng cho 4 NHTMQD để bán lại trực tiếp cho người dân.
Tuy nhiên có một số vấn đề đáng lưu ý là lạm phát trở lại mạnh mẽ khi chỉ số CPI tháng 5 tăng 4,44% so với cùng kỳ chủ yếu do giá thịt lợn và giá điện, nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động, tháng 5 là tháng đầu tiên ghi nhận nhập siêu kể từ năm 2022 và lượng hàng nhập khẩu có thể còn tăng hơn nữa khi tỷ giá hạ nhiệt, gây áp lực cho cán cân thanh toán.
Hai kịch bản cho thị trường tháng 6
Về mặt định giá, với đà tăng của thị trường trong tháng 5, P/E của VN-Index đã tăng từ mức 13,7x cuối tháng 4 lên 14,3x cuối tháng 5, vẫn thấp hơn ngưỡng +1 Std của chỉ số này trong 1 năm qua. ABS đưa ra hai kịch bản cho thị trường trong tháng 6.
Trong kịch bản tích cực, xác suất cao thị trường tiếp tục cải thiện yếu tố thanh khoản và khối lượng giao dịch khi điểm số tăng đồng thuận với khối lượng giao dịch tăng. Chỉ số VN-Index nếu đóng cửa tuần giao dịch trên ngưỡng 1.305 điểm (phá qua kháng cự 2 của tháng 5) trong nửa đầu tháng 6, thị trường chung xác nhận diễn biến tích cực và tiếp tục tăng trưởng nhịp tiếp theo lên chinh phục mức kháng cự phía trên.
Với kịch bản này, các cổ phiếu vốn hóa lớn cần giữ vững sự ổn định, VN-Index duy trì phía trên các đường trung bình trượt MA10/20 ngày, dòng tiền có sự lan tỏa vào các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Tại đây thị trường tích lũy trong biên độ dao động hẹp 1.260- 1.286 điểm, hấp thụ áp lực cung và đi lên. Mốc hỗ trợ của xu hướng ngắn hạn là 1.250-1.260, là mốc quản trị rủi do đối với giao dịch ngắn hạn.
Với kịch bản xác suất thấp hơn, thị trường chưa thể vượt qua vùng kháng cự 1.305 điểm và giảm qua mốc hỗ trợ 1.250-1.260, thị trường vẫn tiềm ẩn pha điều chỉnh ngắn hạn, hoàn thành kết cấu điều chỉnh tuần. Tuy nhiên đây lại là cơ hội rất tốt cho thị trường tăng trưởng pha lên trung hạn bền vững trong thời gian tương đối dài, rất phù hợp để nhà đầu tư trung - dài hạn có thể gia tăng khối lượng cổ phiếu nắm giữ.
Dự báo kịch bản tích cực là chủ đạo, ABS khuyến nghị nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ cổ phiếu và gia tăng khối lượng theo thời điểm phù hợp tại các mốc hỗ trợ mạnh. Đối với nhà đầu tư ưa thích giao dịch ngắn hạn có thể giao dịch dựa vào các mốc kháng cự và hỗ trợ đề xuất đối với VN-Index và cổ phiếu cụ thể.
Thị trường trong tháng 6 sẽ chịu ảnh hưởng bởi các thông tin sơ bộ về KQKD Q2/2024. Sẽ có nhiều ngành nghề có KQKD dự báo tích cực hơn quý trước và cùng kỳ năm trước, tiêu biểu như: Ngành bảo hiểm hưởng lợi từ xu hướng lãi suất tăng và TTCK sôi động. Ngành hàng xuất khẩu, vận tải biển với đơn hàng xuất khẩu tăng, giá cước vận tải neo cao. Ngành phân bón kỳ vọng hưởng lợi từ nhu cầu tăng trong khi nguồn cung nhập khẩu bị hạn chế, KQKD khởi sắc nếu được khấu trừ thuế VAT từ 2025. Ngành hàng tiêu dùng hưởng lợi từ giá thịt lợn tăng mạnh từ đầu năm, sức mua người tiêu dùng cải thiện. Ngành cao su hưởng lợi từ giá cao sư tự nhiên tăng mạnh từ đầu năm.
Bên cạnh đó, ngành năng lượng cũng có triển vọng khi các đại dự án ngành dầu khí và ngành điện đang có nhiều bước tiến quan trọng về cơ chế, chính sách và triển khai trên thực tế. Ngành BĐS với hạ tầng dần cải thiện , nhiều dự án mới khởi động trong Q1/2024 và Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 01/07/2024 tăng nguồn cung cho thị trường. Ngành thép và VLXD dự báo có KQKD khởi sắc từ nền thấp 2023 và thị trường Bất động sản phục hồi trong năm 2024.