Một điều chưa từng xảy ra với chứng khoán Việt Nam 2 năm qua vừa khiến nhà đầu tư vỡ oà vui sướng
Tâm lý nhà đầu tư đã được giải toả rõ rệt. Không khí rộn ràng trở lại trên khắp các mạng xã hội, diễn đàn, đội nhóm về chứng khoán.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch bùng nổ đầy bất ngờ. Dòng tiền đột ngột đổ vào thị trường nửa cuối phiên chiều kéo hàng loạt cổ phiếu bứt phá mạnh. VN-Index tăng gần 16 điểm qua đó đóng cửa trên mốc 1.300 điểm. Dù vậy thanh khoản sàn HoSE giảm nhẹ so với phiên trước, đạt hơn 23.200 tỷ đồng.
Lần gần nhất VN-Index chạm 1.300 là phiên 8/6/2022. Tuy nhiên, chỉ số chính chỉ có thể neo trên ngưỡng điểm này hai phiên 8-9/6 rồi quay đầu giảm sâu, mất 2 năm mới trở lại. Chẳng cần nói cũng có thể hình dung giới đầu tư chứng khoán tại Việt Nam vui mừng như thế nào khi Index vượt cản sau nhiều nỗ lực không thành trước đó. Không khí rộn ràng trở lại trên khắp các mạng xã hội, diễn đàn, đội nhóm về chứng khoán. Nhà đầu tư chứng khoán vỡ oà sung sướng khi tâm lý đã được giải toả rõ rệt.
Đà tăng của thị trường chung bất chấp áp lực bán ra chưa thấy hồi kết của nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại tiếp tục xả ròng gần 600 tỷ đồng trong phiên 12/6 trên HoSE, giá trị bán ròng từ đầu năm 2024 tới nay đã chính thức vượt mốc 40.000 tỷ đồng.
Mức tăng 1,23% còn giúp VN-Index trở thành một trong những chỉ số tăng tốt thế giới cùng ngày, đi ngược với xu hướng của một số thị trường lớn trong khu vực như Nhật Bản, Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc). Vốn hóa sàn HoSE theo đó cũng tăng thêm hơn 64.000 tỷ đồng, đạt 5,3 triệu tỷ đồng.
Nhìn chung, rất khó để khẳng định chắc chắn về bất kỳ một xu hướng nào bởi thị trường chứng khoán luôn tiềm ẩn những biến số khó lường, đặc biệt với một thị trường cận biên như Việt Nam. Tuy nhiên, đang có một số tín hiệu tích cực có thể cùng cố niềm tin của nhà đầu tư chứng khoán thời gian tới.
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc CTCP Chứng khoán DSC Chi nhánh TP HCM, các yếu tố liên thị trường thế giới cơ bản vẫn ổn định và chưa có gì đáng ngại. USD Index đã tạo đỉnh ngắn hạn, lợi suất trái phiếu đã giảm nhiều còn các chỉ số chứng khoán thế giới rất nhiều chỉ số lớn đã lập đỉnh mới. Trong khi đó, những trụ cột trong nước duy trì tích cực chiếm ưu thế. Tỷ giá, lãi suất liên ngân hàng hay một số biến nhỏ khác theo ông Huy vẫn trong tầm kiểm soát. Kèm với tình hình thế giới nhìn chung ổn định, thì thị trường có thể tập trung vào câu chuyện chính lúc này là sự phục hồi của các nhóm ngành theo đà phục hồi kinh tế.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Mirae Asset cũng nhận định đà tăng điểm của VN-Index có thể sẽ tiếp tục vào tháng 6, với sự hỗ trợ bởi bức tranh tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong quý 1/2024 và mức giá tương ứng với mức P/E bình quân 10 năm phục hồi lên khoảng 1.320 điểm.
Theo Mirae Asset, bối cảnh vĩ mô vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể, mà thay vào đó thị trường đang dần ấm lên trước thông tin lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt trong tháng 4 nhằm mở đường cho đợt cắt lãi suất trong tháng 9. Trong khi đó, lực cầu đã dần ổn định và hiện đang sẵn sàng cho những phiên bứt phá.
Mặt khác, triển vọng TTCK trung dài hạn vẫn tích cực khi nhìn vào bức tranh lớn. Chứng khoán SSI trong báo cáo gần đây đánh giá việc duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa mở rộng trong năm 2024 sẽ giúp cho các hoạt động sản xuất, thương mại, đầu tư và tiêu dùng lần lượt hồi phục. Nhờ vậy, kỳ vọng về KQKD quay lại quỹ đạo tăng trưởng là một trong những động lực chính cho TTCK trong quý 2 cũng như nửa cuối năm 2024. Bên cạnh đó, các biện pháp nhằm giải quyết vướng mắc trong việc nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russel sẽ được cụ thể hóa hơn cũng là một yếu tố quan trọng. Giai đoạn nửa cuối năm cũng là lúc các NĐT bắt đầu thiết lập kỳ vọng cho 2025 và đang có những cơ sở để cho rằng sẽ có những hồi phục tốt hơn về kinh tế thế giới và Việt Nam, trong khi các yếu tố rủi ro cũng sẽ hiện diện rõ hơn và có thể có tác động nhẹ hơn đối với thị trường.
Dù vậy SSI lưu ý trong ngắn hạn, TTCK vừa trải qua qua giai đoạn biến động mạnh từ điều chỉnh đến phục hồi và cần thời gian để củng cố cung cầu trên vùng đỉnh cũ. Áp lực chốt lời bảo toàn lợi nhuận và hạ tỷ lệ vay nợ khi thị trường tiến về cuối quý 2 có thể khiến thị trường khó bứt phá trong ngắn hạn. Do đó, việc giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng và đa dạng hóa danh mục theo ngành có thể giúp nhà đầu tư chủ động và hạn chế rủi ro.