MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai lầm tưởng lớn của Thung lũng Silicon về Trung Quốc

28-05-2018 - 08:19 AM | Tài chính quốc tế

Một trong những hiểu lầm lớn về Trung Quốc của Thung lũng Silicon là coi Trung Quốc và thị trường công nghệ Trung Quốc là một nguy cơ thay vì cơ hội.

Trong hàng thập kỷ qua, ngành công nghệ Trung Quốc ngày càng nổi tiếng trên truyền thông phương Tây nhờ những sản phẩm sao chép giá rẻ.

Trong một buổi phỏng vấn mới đây với Business Insider, Brian Wong, phó chủ tịch sáng kiến toàn cầu tại Alibaba, gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc, cho rằng quan điểm này đã hoàn toàn lạc hậu.

Theo Wong, "hiện nay rõ ràng những sáng tạo thực sự đều xuất hiện từ những thị trường này. Năng lực, sáng kiến và sự sáng tạo từ Trung Quốc nên là nguồn cảm hứng thúc đẩy các công ty tại Thung lũng [Silicon] tạo ra những sản phẩm sát với nhu cầu và có tính ứng dụng tại các thị trường mới nổi."

Wong tập trung vào những cải tiến trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán di động. Ví dụ, Alipay được hơn nửa tỉ người sử dụng và kiểm soát gần như toàn bộ thị trường thanh toán di động trị giá 16 nghìn tỉ USD tại Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc trẻ tuổi hiện đã và đang theo đuổi lối sống không ví và không tiền mặt bởi họ thanh toán hầu hết các giao dịch qua di động.

Những mô hình tiên phong khác tại Trung Quốc gồm có dịch vụ chia sẻ xe đạp do Ofo quản lí với sự hỗ trợ của Alibaba và Mobike mới đây đã được Meituan-Dianping mua lại với giá 2,7 tỉ USD.

Có lẽ hầu hết các sáng kiến đều được Trung Quốc áp dụng rộng rãi trên các nền tảng công nghệ dựa trên hệ sinh thái. Trái ngược với các công ty công nghệ Mỹ được thành lập chỉ để hoàn thành xuất sắc một chức năng, ví dụ như Uber trong lĩnh vực phương tiện hay Facebook với mạng xã hội, các công ty Trung Quốc phát triển các ứng dụng có thể thực hiện nhiều chức năng đa dạng.

Khi mới ra đời, ứng dụng Taobao của Alibaba là một nền tảng thương mại điện tử, nhưng hiện nay đã mở rộng sang các lĩnh vực như đặt phòng du lịch, đặt vé xem phim, mạng xã hội, phát trực tuyến, giao thức ăn và giải trí. WeChat của Tencent ban đầu là một ứng dụng nhắn tin, nhưng hiện tại đã có thể sử dụng để thanh toán, đặt taxi, chia sẻ xe đạp và nhiều tính năng khác. Meituan-Dianping, một nền tảng nhà hàng và giao thức ăn, hiện cũng vận hành theo chiến lược tương tự.

Mô hình hệ sinh thái mở rộng trong cả lĩnh vực ứng dụng thanh toán di động của Trung Quốc. Dữ liệu và dịch vụ của Alipay được tích hợp sâu rộng với Taobao, trong khi các tài khoản được kết nối trực tiếp với quỹ thị trường tiền tệ (quỹ lớn nhất thế giới với giá trị 230 tỉ USD) và các sản phẩm vay dành cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Những dữ liệu này góp phần tạo nên ngành chấm điểm tín dụng với tên gọi Sesame Credit tại Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Business Insider, William Li, nhà sáng lập startup ô tô điện Nio, cho biết: "Cùng với sự phát triển của internet xã hội trên di động, những nhãn hiệu tương lai sẽ không được định nghĩa bởi sản phẩm hay dịch vụ, mà sẽ là cơ sở người dùng."

Sự phát triển của Trung Quốc là nguy cơ hay là cơ hội?

Theo Wong, hiểu lầm lớn thứ hai về Trung Quốc của Thung lũng Silicon là Trung Quốc và thị trường công nghệ Trung Quốc là một nguy cơ thay vì cơ hội. Ông cho biết quan niệm về mối nguy hại của Trung Quốc đã tồn tại trong nhiều thập kỉ, bắt đầu từ những năm 90 khi nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa trên xuất khẩu chi phí thấp.

Tuy nhiên, ngày nay, nền kinh tế Trung Quốc đã dịch chuyển theo định hướng khách hàng. Chuyển dịch này do Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc thúc đẩy. Theo Wong, "điều nay là một cơ hội bán hàng khổng lồ của các công ty Mỹ."

Tuy nhiên, Wong cho biết với những người Mỹ mong muốn thu hẹp cơ hội này, họ cần phải dành thời gian để tìm hiểu thêm về Trung Quốc và văn hoá của quốc gia này thay vì chỉ dựa trên những tiêu chuẩn trong "các bộ phim võ thuật hay những món ăn mang về của Trung Quốc."

Wong cho biết nhà sáng lập của Alibaba, Jack Ma, luôn nhắc nhở nhân viên của mình rằng đất nước Trung Quốc đã xây dựng dựa trên ba triết lý: Đạo giáo dạy con người ta phải sống hoà hợp, Phật giáo dạy con người ta lòng khoan dung và Nho giáo dạy con người ta kỷ luật.

Nếu bạn hiểu được những nguyên tắc đằng sau những triết lý này, bạn sẽ hiểu rõ hơn vì sao thị trường Trung Quốc lại vận hành theo đường hướng hiện nay.

Theo Wong, Trung Quốc muốn sáng tạo và hội nhập hơn là chiếm giữ và cạnh tranh theo cách hiểu truyền thống.

Quỳnh Mai

Business Insider

Trở lên trên