Hai lần bầu nhân sự cấp cao và “áp lực” của đại biểu
Nhiệm kỳ 5 năm mà cả kỳ họp đầu và kỳ họp cuối đều quyết định nhân sự cấp cao đúng là chúng tôi cũng bị áp lực, Trung tướng - đại biểu Phùng Khắc Đăng, Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam, trao đổi trước thềm phiên bế mạc kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá 13.
- 11-04-2016Bầu lại Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng... vào tháng 7
- 01-04-2016Bốn chức danh được bầu lại tiếp tục tuyên thệ vào tháng 7
Lúc này, Quốc hội cũng đã hoàn thành việc bầu nhân sự cấp cao và phê chuẩn 21 thành viên mới của Chính phủ.
Nhiều đại biểu nói khoá 13 là nhiệm kỳ rất đặc biệt của Quốc hội với hai lần làm nhân sự cấp cao, lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm và cũng thực hiện hai lần, ông có cảm thấy đây là công việc nặng nề không?
Việc một nhiệm kỳ hai lần bầu lãnh đạo cấp cao tất nhiên cũng còn có ý kiến khác nhau, nhưng tôi cho là dưới thể chế chính trị của mình, dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng thì đó cũng là việc cần làm.
Việc này thì cũng đã có tiền lệ, một vài khóa trước thì cũng đã có kiện toàn nhân sự nhưng không làm ồ ạt như thế này.
Vì thế, đúng là chúng tôi cũng bị áp lực, có thể có đại biểu cảm thấy bình thường nhưng bản thân tôi cảm thấy có áp lực vì tôi cũng đại diện cho một lực lượng rất lớn các cựu chiến binh trong cả nước.
Họ cũng đặt vấn đề tại sao có những việc mới mẻ như thế, chúng tôi phải có trách nhiệm tiếp thu và giải thích cho anh em hiểu được. Cựu chiến binh cũng là một trong những tổ chức chính trị xã hội nên mình phải tuân thủ theo hoạt động của tổ chức, đồng thời cũng phải phát huy tinh thần trách nhiệm của mình để đóng góp cho có hiệu quả các hoạt động của Quốc hội.
Nhân sự được kiện toàn kỳ này, theo nhấn mạnh của nhiều vị đại biểu thì đã được Đảng lựa chọn rất kỹ càng. Vậy ông suy nghĩ như thế nào khi có người chỉ đạt 60,73% phiếu thuận?
Tôi cho rằng chuyện đó bình thường. Tất nhiên kết quả đó cũng phát đi một thông điệp như thế để những vị được Quốc hội phê chuẩn cũng phải suy nghĩ và nâng cao trách nhiệm của mình với dân với nước.
Hoặc là mình cũng chưa làm cho người ta chưa hiểu mình và cái thứ hai là bản thân mình còn có mặt hạn chế thì Quốc hội bỏ phiếu như thế cũng là chính xác.
Đai diện cho nhân dân ở cơ quan quyền lực cao nhất, chuẩn bị khép lại kỳ họp cuối cùng ông còn băn khoăn gì không?
Với tôi và Quốc hội khoá 13, dấu ấn đọng lại sâu sắc nhất là đã thông qua được bản Hiến pháp sửa đổi của năm 2013 đấy là điều vui nhất.
Còn trong giám sát thì nổi bật, để lại dấu ấn với dân đó là giám sát các vụ án oan sai, mặc dù người ta nói án oan là của các nhiệm kỳ khác để lại nhưng mà rõ ràng việc giám sát các vụ án oan sai đã gây ra một tiếng vang rất lớn và tạo ra lòng tin trong dân với hệ thống tư pháp của mình.
Điều tôi băn khoăn là giám sát hoạt động kinh tế và để nợ công tăng cao.
Khi bấm nút quyết định những vấn đề liên quan đến túi tiền quốc gia tôi rất áp lực.
Nợ công tăng thì các đại biểu có biết không? biết chứ nhưng do yêu cầu thực tế để phát triển đất nước thì không còn cách nào khác chúng tôi cũng phải đồng tình.
Đó là cả nhiệm kỳ, còn với kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ ông có ấn tượng gì sâu sắc?
Cái mà đọng lại sâu sắc nhất là tôi thấy các vị lãnh đạo vừa được miễn nhiệm đánh giá đúng mực về khối lượng công việc, nói lên được mặt ưu nhưng họ cũng thực sự nhận thức được hạn chế của chính bản thân và cơ quan họ phụ trách.
Tâm đắc nhất báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chỉ ra rất nhiều hạn chế trong quá trình phát triển đất nước và cái đấy cũng là cơ sở để cho tân Thủ tướng khắc phục tốt hơn.
Vậy cá nhân ông đánh giá thế nào về ưu điểm và hạn chế của nguyên Thủ tướng?
Tôi nghĩ con người bao giờ cũng tồn tại hai mặt. Phong thái điều hành chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng tôi thấy đường hoàng đĩnh đạc kể cả đối nội đối ngoại, có thời điểm tạo nên dấu ấn sâu sắc với dân, ví như phát ngôn của ông ấy ở những hội nghị lớn quốc tế khi ông đưa ra lòng tin về chiến lược hay những vấn đề biển Đông ông ấy cũng có thái độ rất rõ ràng phân biệt phải trái đúng sai.
Còn con người không thể hoàn hảo, ông ấy cũng có hạn chế.
Trong suốt nhiệm kỳ ông có kỷ niệm gì đáng nhớ với nguyên Thủ tướng không?
Chúng tôi biết nhau từ lâu, nên mỗi lần gặp nhau ở ngoài hội trường ông ấy luôn ứng xử thân tình, và đặc biệt khi gặp tôi lúc nào ông cũng nhắc đến hoạt động của cựu chiến binh.
Ông ấy nói phải phát huy tinh thần bộ đội cụ Hồ hơn nữa và đừng có công thần kiêu ngạo. Tôi nghĩ ông ấy cũng là một cựu chiến binh là, có sự quan tâm vậy tôi cũng thấy cảm động.
VnEconomy