Hai ngân hàng "đau đầu" với các khoản nợ "khủng" được thế chấp bằng cổ phiếu Sacombank
Kienlongbank và Eximbank đều muốn nhanh chóng xử lý xong các khoản nợ được thế chấp bằng hàng trăm triệu cổ phiếu Sacombank. Các khoản nợ này đã gây ảnh hưởng mạnh tới kết quả kinh doanh trong thời gian gần đây của 2 ngân hàng.
Cổ phiếu STB của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) bất ngờ trở thành tâm điểm chú ý trên thị trường chứng khoán trong tuần này. Giá cổ phiếu STB đã có 2 phiên tăng trần vào ngày 22/09 và 25/09, thanh khoản cả hai phiên đều ở mức cao, khối lượng giao dịch lần lượt đạt 45,7 triệu đơn vị và 39,3 triệu đơn vị.
Cụ thể, ngày 22/9, giá cổ phiếu STB tăng trần lên mức 12.550 đồng/cp sau tin đồn Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) của ông Trần Bá Dương mua gần 176 triệu cổ phiếu STB (chiếm gần 10% khối lượng lưu hành) với giá 18.000 đồng/cp từ ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank). Tuy nhiên, ngày sau đó, cả Thaco, Kienlongbank và Sacombank đều phủ nhận tin đồn này.
Dù các bên liên quan đều đã đính chính những đồn đoán, giá cổ phiếu STB đến phiên 25/09 tiếp tục tăng trần lên 13.300 đồng/cp với khối lượng đạt 39,3 triệu cp. Theo đó, giá cổ phiếu STB đã tăng tổng cộng hơn 14% trong tuần này.
Giới đầu tư kỳ vọng sẽ còn xuất hiện các giao dịch lớn cổ phiếu STB trong thời gian tới, nhất là khi đang có 2 ngân hàng muốn nhanh chóng bán hàng trăm triệu cổ phiếu này trong năm nay.
Theo các công bố chính thức, Sacombank không có cổ đông lớn, gần 68.000 cổ đông nhỏ, trong đó 304 tổ chức tính đến cuối năm 2019. Ngoài cổ đông, 2 ngân hàng là Eximbank và Kienlongbank đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu STB dưới dạng tài sản đảm bảo cho khoản vay đã thành nợ xấu của các khách hàng.
Cả Eximbank và Kienlongbank đều đang muốn nhanh chóng xử lý được số cổ phiếu STB bởi các khoản vay liên quan đến tài sản thế chấp này đã gây ảnh hưởng xấu tới kết quả kinh doanh.
Tại Kienlongbank, nợ xấu cuối tháng 6/2020 của ngân hàng là 2.249 tỷ đồng, tăng 6,5 lần so với đầu năm. Nguyên nhân do phải ghi nhận gần 1.900 tỷ đồng dư nợ các khoản vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Sacombank được phân loại nợ nhóm 5 theo quyết định của NHNN. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,02% lên tới 6,59%. Kienlongbank từ ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thuộc hàng thấp nhất hệ thống vọt lên cao nhất.
Lợi nhuận của Kienlongbank cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi khoản vay trên. Lợi nhuận năm 2019 của ngân hàng giảm tới 70% so với năm 2018 và thua lỗ nặng ở quý 4, xuất phát từ việc phải hạch toán giảm các khoản lãi phải thu đã ghi nhận trong các năm trước đối với các khoản cho vay của nhóm khách hàng có tài sản bảo đảm là 176 triệu cổ phiếu STB. Ngân hàng kỳ vọng việc xử lý số cổ phiếu này trong năm 2020 sẽ giúp ngân hàng hồi phục trở lại với lợi nhuận cả năm dự kiến là 750 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần năm 2019.
Chia sẻ với báo chí, lãnh đạo Kienlongbank từng cho biết khả năng sẽ hoàn tất bán 176 triệu cổ phiếu STB trong năm nay. Vị này cũng khẳng định ngân hàng sẽ không chốt giá bán thấp hơn 20.000 đồng/cp, dù đang cần thu hồi nợ xấu. Giá khởi điểm trong lần chào bán đầu tiên (hồi tháng 1/2020) lên tới 24.000 đồng/cp, gấp 2 lần thị giá cổ phiếu STB. Số lượng cổ phiếu Kienlongbank yêu cầu nhà đầu tư phải mua tối thiểu là 100.000 cổ phiếu.
Tuy nhiên, trong lần chào bán thứ 4 vào hồi đầu tháng 3/2020, Kienlongbank đã hạ giá khởi điểm xuống còn hơn 17.400 đồng/cp cho thấy ngân hàng đang gấp rút xử lý "cục máu đông" này như thế nào.
Còn tại Eximbank, ngân hàng cho biết, trong nhiều năm trước có 7 khách hàng vay Eximbank 746 tỷ đồng để mua cổ phiếu Sacombank và không trả được nợ. Năm 2016, Eximbank đã khởi kiện nhóm khách hàng này lên tòa án để thu hồi nợ. Tòa án đã phán quyết 5 khách hàng phải trả cho ngân hàng 500 tỷ đồng. Riêng 2 khách hàng còn lại nợ 246 tỷ đồng, Eximbank đang chờ tòa án hoàn tất các thủ tục để đưa ra xét xử.
Do Ngân hàng Nhà nước đã cho phép Eximbank xử lý 75 triệu cổ phiếu Sacombank (STB) mà 7 khách hàng đã thế chấp nên dự kiến trong năm 2020, nếu các khách hàng không trả nợ, ngân hàng này sẽ phát mãi toàn bộ số cổ phiếu STB để thu hồi 746 tỷ đồng nợ vay.
6 tháng đầu năm 2020, Eximbank trích lập hơn 220 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập hơn 43 tỷ đồng. Nguyên nhân được lãnh đạo Eximank cho biết là phải tăng trích lập cho khoản nợ xấu được khách hàng thế chấp bằng cổ phiếu STB của Sacombank. Cũng vì chi phí dự phòng tăng mạnh, lợi nhuận trước và sau thuế 6 tháng đầu năm 2020 của Eximbank lần lượt giảm 28% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 552 tỷ đồng và 441 tỷ đồng.