Hai ngân hàng lọt Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2021
Ngày 30/11/2021, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2021.
- 25-11-2021BIDV muốn phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ gần 26%, vốn điều lệ dự kiến vượt 50.500 tỷ
- 07-11-2021Nhóm quốc doanh: Vietcombank cách biệt lợi nhuận, VietinBank, BIDV tích cực dự phòng
- 06-11-2021Vì sao doanh thu ít hơn, lợi nhuận Techcombank lại vượt trội so với BIDV và VietinBank?
Trong Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2021 có sự góp mặt của hai đại diện trong ngành ngân hàng là Agribank (xếp thứ 6) và BIDV (xếp thứ 8). Đây là năm thứ 5 liên tiếp hai nhà băng này lọt Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Trước đó, năm 2020, Agribank xếp thứ 8 trong khi BIDV đứng thứ 9 trong danh sách này.
Cả BIDV và Agribank đều nằm trong nhóm ngân hàng quốc doanh với tỷ lệ sở hữu của nhà nước lần lượt là 80,99% và 100%.
Top 4 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam vẫn được giữ nguyên như năm 2020 với những cái tên quen thuộc lần lượt là Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel). Trong khi Tập đoàn Vingroup đã thay thế Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam trở thành doanh nghiệp lớn thứ 5 Việt Nam.
Nguồn: Vietnam Report
Về Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2021, ngành ngân hàng cũng có hai đại diện là VPBank (xếp thứ 7) và SCB (xếp thứ 9). Trong năm 2020, VPBank và SCB cũng lọt vào danh sách này với ví trí lần lượt là thứ 6 và thứ 9.
Nguồn: Vietnam Report
Được biết, xếp hạng Vietnam Report thường chủ yếu dựa trên chỉ tiêu tổng doanh thu và có xét đến các chỉ tiêu đánh giá về hiệu quả kinh doanh khác (tổng tài sản, tổng số lao động, tốc độ tăng trưởng, lợi nhuận, uy tín doanh nghiệp trên truyền thông) để đánh giá hiện trạng sức mạnh tổng thể của doanh nghiệp.
Theo Vietnam Report, trải qua gần 2 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức to lớn. Nhìn chung, các chỉ số kinh tế vĩ mô đều cho thấy nền kinh tế đã bị "tổn thương" trên nhiều phương diện và cần nhiều nỗ lực để hướng đến một giai đoạn hồi phục và tiếp tục tăng trưởng. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2021 thì tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế chỉ đạt 1,42% và đây là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới (năm 1986) cho đến nay.
Từ thống kê của Bảng xếp hạng VNR500 năm 2021 cho thấy hầu hết các ngành đều có sự sụt giảm về tổng doanh thu so với Bảng xếp hạng năm ngoái trừ các ngành Bán lẻ, Thép, Tài chính và Điện.
Mặc dù nền kinh tế đã gánh chịu những tổn thất nghiêm trọng cả về mặt sản lượng quốc gia cũng như hiệu quả hoạt động thấp của cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên những tín hiệu lạc quan đã xuất hiện khi mà tình hình dịch bệnh đã dần được khống chế và tỷ lệ người dân chích ngừa vắc xin tăng lên nhanh chóng. Từ đầu tháng 10/2021, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam đã tái khởi động lại và dần chuyển sang giai đoạn "bình thường mới".
Sơ bộ kết quả điều tra cộng đồng doanh nghiệp do Vietnam Report thực hiện trong năm 2021 cho thấy tổng quan có 56% doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2021 với gần 40% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh sẽ dần đi vào ổn định và diễn biến thị trường sẽ tốt hơn.
Một số khảo sát điển hình đối với từng nhóm ngành chính trong nền kinh tế của Vietnam Report cũng cho thấy có một tỷ lệ nhất định doanh nghiệp lạc quan về cơ hội trong thời kỳ bình thường tiếp theo. Trong đó, 58% doanh nghiệp ngành Ngân hàng tài chính vẫn đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và tin tưởng vào khả năng phục hồi kinh tế cuối năm.