Hai ngành học rất mới mẻ ở ĐH Quốc gia Hà Nội: Cực hữu ích, ra trường có việc ngay
Khoa Các khoa học liên ngành - ĐH Quốc gia Hà Nội đang tuyển sinh chương trình đào tạo thạc sĩ 2 ngành rất mới mẻ: Biến đổi khí hậu và Khoa học bền vững. Có gì hay?
- 25-05-2022Tỷ phú kim cương ép quý tử đi du học về phải tự kiếm sống, hành trang chỉ có bộ quần áo cũ và vài đồng bạc lẻ: Cách giáo dục khắc nghiệt nhưng cực thấm
- 24-05-20224 hành vi "khó ưa" ở trẻ, thường bị cha mẹ mắng hư hỗn nhưng thực chất là biểu hiện của IQ cực cao
- 24-05-20226 biểu hiện của 1 đứa trẻ hư, dù yêu thương con thế nào cha mẹ vẫn phải nghiêm khắc dạy dỗ
Ngành Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững là gì?
Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững là hai ngành học rất mới mẻ và cực kỳ hữu ích. Hiện nay, trong hệ thống giáo dục đại học, chỉ có một số ít trường đào tạo về hai ngành Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững. Tuy nhiên, tại Khoa Các khoa học liên ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội, đã có chương trình đào tạo Thạc sĩ Biến đổi Khí hậu và Phát triển bền vững tổ chức lần đầu tiên từ năm 2011 và năm 2014.
Thạc sĩ Biến đổi Khí hậu là chương trình đào tạo thạc sĩ trong lĩnh vực biến đổi khí hậu lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam từ năm 2011.
Biến đổi khí hậu là lĩnh vực rất được quan tâm hiện nay, thậm chí còn được chú ý trên phạm vi toàn cầu. Vậy, ngành học về lĩnh vực này sẽ đào tạo những gì đối với người học thạc sĩ?
Ngành Biến đổi Khí hậu tại Khoa Các khoa học liên ngành sẽ cung cấp cho người học có kiến thức chuyên sâu về biến đổi khí hậu với tư duy và cách tiếp cận liên ngành để nhận diện và giải quyết các vấn đề thực tiễn liên quan đến biến đổi khí hậu. Đồng thời giúp người học có những đánh giá về tác động của biến đổi khí hậu và thích ứng với lĩnh vực này.
Chương trình đào tạo cũng trang bị cho người học kỹ năng và công cụ để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn liên quan đến biến đổi khí hậu trong bối cảnh đặc thù của Việt Nam.
Chương trình đào tạo Thạc sĩ Biến đổi khí hậu được xây dựng với 3 định hướng chuyên môn chủ yếu, bao gồm: Khoa học về biến đổi khí hậu; tác động của biến đổi khí hậu và tính dễ bị tổn thương; giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Có một số học phần rất thú vị và thực tế cho người học có thể ứng dụng vào công việc như đánh giá biến đổi khí hậu; đánh giá tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu; truyền thông biến đổi khí hậu; quy thực địa liên ngành; khoa học công nghệ và đổi mới vì tính bền vững…
Chương trình đào tạo Thạc sĩ Biến đổi khí hậu được Khoa Các khoa học liên ngành (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức lần đầu vào năm 2011. Ảnh: SISVNU
Trong khi đó, chương trình đào tạo Thạc sĩ Khoa học bền vững của ĐH Quốc gia Hà Nội cung cấp cho người học hệ thống tri thức về các khía cạnh của tính bền vững và sự phát triển bền vững với tư duy và cách tiếp cận liên ngành nhằm nhận diện và giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống. Đồng thời ngành học này còn cung cấp cho người học công cụ và kỹ năng để đảm bảo tính bền vững của các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp.
Khoa học bền vững là ngành học rất có triển vọng và cần thiết trong xu thế hiện nay. Những người tốt nghiệp ngành học này có năng lực để có thể tham gia giải quyết những bài toán với tư cách là các nhà tư vấn, đặc biệt có vai trò chủ chốt trong xây dựng các chương trình nghiên cứu liên quan đến sự bền vững của một địa phương, lĩnh vực hoặc không gian nào đó.
Triển vọng và xu thế toàn cầu
Theo ThS Vũ Thanh Ngọc, phụ trách Phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Khoa Các khoa học liên ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội, với định hướng liên ngành cho cả ứng dụng và nghiên cứu, các học viên sau khi hoàn thành chương trình học Thạc sĩ Biến đổi khí hậu và Thạc sĩ Phát triển bền vững đều có thể đảm nhiệm các vị trí công việc ở nhiều khối đơn vị khác nhau: từ khối cơ quan nhà nước tới các khối doanh nghiệp, hoặc các tổ chức phi chính phủ, các đơn vị liên doanh, liên kết, quốc tế…
Các cựu học viên của Khoa từ khóa 1 (năm 2011 đến nay) đã và đang giữ những vị trí chủ chốt tại các Vụ, Cục, Sở, ban ngành hay các tập đoàn lớn.
Giảng viên và sinh viên Khoa Các khoa học liên ngành trong ngày hội tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp vào tháng 5/2022. Ảnh: SISVNU
Định hướng của Khoa Các khoa học liên ngành trong đào tạo là ứng dụng, đón đầu xu thế và đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội. Do đó, 2 chuyên ngành về Biến đổi khí hậu và Khoa học bền vững mang lại nhiều lợi ích cho học viên bởi đến thời điểm này, xu thế của thế giới đang tập trung vào ứng phó với biến đổi khí hậu và các lĩnh vực đều được kêu gọi phát triển bền vững. Trong khi đó, lực lượng lao động có kiến thức chuyên môn sâu về biến đổi khí hậu và khoa học bền vững lại chưa nhiều.
Mặt khác, theo chị Ngọc, 2 chuyên ngành này ở Khoa lại được đào tạo với định hướng liên ngành, nghĩa là cung cấp cho người học nguồn kiến thức khoa học từ các ngành khác nhau, tạo thành mạng lưới kiến thức đa ngành để xử lý vấn đề của một lĩnh vực mà đảm bảo phát triển bền vững.
Biến đổi khí hậu và khoa học bền vững là 2 chuyên ngành có sự ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực như kinh tế, xã hội, văn hoá… Lĩnh vực nào cũng chịu sự tác động của biến đổi khí hậu và đều cần phát triển bền vững.
Ngoài ra, thực tế các doanh nghiệp cũng đang hướng theo bộ chỉ số phát triển bền vững của doanh nghiệp và các tiêu chí về ISO, từ đó đảm bảo nâng uy tín cho doanh nghiệp. Đây chính là động lực và cơ hội lớn cho các học viên của 2 chuyên ngành.
Theo chị Ngọc, các thí sinh đã có 1 - 2 bằng Thạc sĩ, nhưng lại không chọn học tiếp lên Tiến sĩ về Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững mà vẫn lựa chọn học từ Thạc sĩ vì lý do cần kiến thức chuyên sâu và chính thống để hiểu rõ hơn về công việc mà mình đã làm bao năm qua theo cách tự học chắp vá.
Tập thể lớp KHBV QH2021 là một minh chứng. Từ lúc còn là những thí sinh quan tâm tới ngành, các bạn đã chia sẻ đam mê bảo vệ thiên nhiên, định hướng phát triển các hoạt động cộng đồng theo hướng bền vững. Các câu hỏi các bạn đặt ra đều về việc: Học Khoa học bền vững có làm được hoạt động bảo tồn thiên nhiên không? Ứng dụng của Khoa học bền vững vào hoạt động giáo dục, trải nghiệm kỹ năng sống...
Đến khi trúng tuyển, trở thành một tập thể lớp, lớp này thành lập nhóm về Khoa học bền vững để chia sẻ các đam mê về truyền thông thay đổi hành vi; các thông tin về hoạt động bảo vệ môi trường…
Học xong... Công việc tự tìm đến
"Trong các lần thực hiện tư vấn tuyển sinh, tôi ấn tượng với những loại câu hỏi như: Học biến đổi khí hậu có làm được về chính sách không?; Học biến đổi khí hậu thì có thể khởi nghiệp riêng được không?; Học khoa học bền vững thì ra làm được gì?; Bác sĩ học khoa học bền vững có hợp không?...", chị Ngọc nhớ lại.
Theo chị Ngọc, khả năng khởi nghiệp và tìm kiếm việc làm sau khi học ngành Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững là có, thậm chí là có nhiều thuận lợi. Bởi lẽ, Biến đổi khí hậu và Khoa học bền vững là 2 ngành học có chương trình đào tạo Thạc sĩ ở ĐH Quốc gia Hà Nội, với mong muốn cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và mở ra nhiều cơ hội cả về việc làm cho người học.
Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Biến đổi khí hậu và Thạc sĩ Phát triển bền vững, người học có nhiều cơ hội việc làm đa dạng như khởi nghiệp trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, phát triển bền vững; trở thành cán bộ khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển; nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách; chuyên gia tư vấn về ứng phó biến đổi khí hậu...
Nhiều học sinh, sinh viên quan tâm tới ngành Biến đổi Khí hậu và Khoa học bền vững. Ảnh: SISVNU
Đối với học viên sau đại học, Khoa nỗ lực cung cấp cho các bạn môi trường nghiên cứu và học tập một cách chủ động để trở thành chuyên gia của từng lĩnh vực.
Đồng thời Khoa Các khoa học liên ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng cung cấp mạng lưới học viên và cựu học viên, doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu… để học viên có thể xây dựng mạng lưới cá nhân của mình sau khi hoàn thành chương trình học. Từ đó, công việc sẽ tìm đến với học viên của Khoa một cách tự nhiên, với nhiều sự lựa chọn khác nhau, chứ không phải tiếp tục đi xin việc.
Đặc biệt, người học còn có nhiều cơ hội để làm việc trong môi trường năng động của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ sau khi tốt nghiệp hai ngành Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững.
Trí thức trẻ