Hai ‘ông lớn’ bán lẻ có quý 1 ‘ảm đạm’: Người lãi giảm 99%, kẻ mới đạt 0,5% kế hoạch lợi nhuận năm
Thế Giới Di Động và FPT Retail, vừa phát hành báo cáo tài chính quý 1/2023, cho thấy kết quả kinh doanh kém khả quan.
- 02-05-2023Giá sầu riêng rớt từ 200.000 đồng về 50.000 đồng/kg, bầu Đức tự tin: Trung Quốc không thể trồng sầu riêng vì lạnh, chưa kể đã đi sau HAGL 5 năm
- 02-05-2023'Soi' doanh thu Vingroup: Trong mỗi 100 đồng thu về có gần 5 đồng bán xe, 74 đồng bán nhà
- 02-05-2023Đại gia chăn nuôi quý 1/2023: “Sấp mặt” với chi phí lãi vay, BAF, Hoà Phát, Dabaco lỗ kỷ lục, HAGL không còn lãi từ heo
Cụ thể, cả Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) và Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HoSE: FRT) đều bị giảm doanh thu lẫn lãi ròng so cùng kỳ.
Thế Giới Di Động chỉ mới đạt 0,5% kế hoạch lãi năm 2023
Theo đó, Thế Giới Di Động vừa quý kinh doanh với lợi nhuận hợp nhất rơi về vùng thấp nhất 10 năm. Trong quý 1/2023, doanh thu thuần của Thế Giới Di Động đạt hơn 27.105 tỷ đồng, giảm 28% so cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp của nhà bán lẻ giảm 36%, còn 5.214 tỷ đồng, tương ứng mức giảm ròng hơn 2.900 tỷ so với cùng kỳ năm 2022.
Dù các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 19% nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty này vẫn giảm gần 99%, chỉ còn hơn 21 tỷ đồng.
Trong quý qua, tổng doanh thu hai chuỗi thegioididong.com và Điện Máy Xanh của Thế Giới Di Động đã giảm 34% so với cùng kỳ. Theo báo cáo, doanh thu của hầu hết sản phẩm điện thoại và điện máy đều giảm từ 25% đến 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó máy tính bảng, máy tính xách tay giảm mạnh khoảng 40-50%.
Với chuỗi Bách Hóa Xanh, doanh thu lũy kế của chuỗi này trong quý 1 chỉ tăng 5%.
Với kết quả lợi nhuận trên, Thế Giới Di Động ghi nhận quý thứ 2 liên tiếp tăng trưởng âm trong bối cảnh các ngành hàng ICT đều có sức cầu yếu. Ngoài ra, đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất mà nhà bán lẻ này ghi nhận được kể từ khi niêm yết.
Tính đến 31/3, tổng tài sản của Thế Giới Di Động đã giảm 3,4% so với đầu năm, xuống còn 53.919 tỷ. Trong đó, tài sản chủ yếu là hàng tồn kho với giá trị 20.957 tỷ đồng, tương đương gần 39% tổng tài sản. Số dư tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn là 19.809 tỷ đồng, chiếm 37% tổng tài sản. Giá trị tài sản cố định 9.102 tỷ, chiếm 17% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Năm 2023, Thế Giới Di Động đưa ra mục tiêu doanh thu 135.000 tỷ đồng, tăng 1% so với năm liền trước và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 4.200 tỷ, tăng 2%. Như vậy kết thúc quý đầu năm, công ty này mới hoàn thành 0,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trước đó, tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, lãnh đạo doanh nghiệp nhìn nhận nền kinh tế khó khăn đã tác động tới sức mua và khiến doanh thu của hai chuỗi thegioididong.com và Điện Máy Xanh. Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn tin rằng trong khó khăn luôn có cơ hội và Thế Giới Di Động có thể chuyển mình mạnh mẽ hơn trong bối cảnh hiện tại.
Long Châu thành “điểm sáng” của FPT Retail
Theo báo cáo tài chính quý 1/2023, FPT Retail ghi nhận doanh thu thuần 7.753 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Chuỗi FPT Shop đóng góp 58% doanh thu, Long Châu chiếm phần còn lại. Hai mảng này đang cho thấy kết quả kinh doanh trái ngược.
Lý giải về số liệu trên, báo cáo cho biết, chuỗi FPT Shop liên tục chịu ảnh hưởng xấu từ áp lực giảm cầu, sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường bán lẻ dẫn đến FPT Retail đã đưa ra nhiều chính sách giảm giá, khuyến mại nhằm kích cầu cho các sản phẩm điện tử, đặc biệt là sản phẩm Apple. Điều này khiến doanh thu của chuỗi giảm 20%.
Mảng kinh doanh thuốc trở thành điểm sáng khi quý 1 vừa qua, doanh thu tăng trưởng 52% so với cùng kỳ. Chuỗi nhà thuốc Long Châu ghi nhận doanh thu đạt 3.284 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ quý 1/2022, tương đương mức thu hơn 36 tỷ đồng/ngày.
Trong quý vừa qua, doanh thu online đạt 1.410 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ và chiếm 18% tổng doanh thu. 82% còn lại là đóng góp của kênh bán hàng trực tiếp.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất, chi phí bán hàng của FPT Retail quý đầu năm tăng khoảng 25%, lên 913 tỷ đồng. Chi phí tài chính, trong đó chủ yếu là lãi vay cũng tăng gần gấp đôi, lên khoảng 85 tỷ đồng.
Lợi nhuận của FPT Retail chỉ đạt 2 tỷ đồng, giảm 99% so với cùng kỳ, tức thực hiện được 8,3% kế hoạch năm đặt ra.
Năm nay, kế hoạch lợi nhuận trước thuế của FPT Retail giảm hơn một nửa, còn 240 tỷ đồng. Trước đó, công ty đạt lợi nhuận 554 tỷ đồng (năm 2021) và 485 tỷ đồng (năm 2022).
Nhịp sống thị trường