MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hải Phát lên tiếng về ‘lùm xùm’ chậm trả cổ tức 2 năm

Hải Phát lên tiếng về ‘lùm xùm’ chậm trả cổ tức 2 năm

Với hơn 304 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Công ty CP Đầu tư Hải Phát phải chi khoảng 152 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2021. Tuy nhiên, công ty chưa cân đối, bố trí được dòng tiền để thực hiện chi trả cổ tức, không đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn sau khi trả cổ tức cho cổ đông.

Công ty CP Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán: HPX) vừa có văn bản giải trình về việc chưa thực hiện trả cổ tức năm 2021.

Trước đó, vào ngày 23/3, HPX đã nhận được văn bản của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) nhắc nhở thực hiện các quy định về quản trị công ty năm 2022. Theo đó, HoSE yêu cầu Hải Phát giải trình lý do và phương án khắc phục liên quan đến việc chưa thực hiện trả cổ tức năm 2021 trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp đại hội cổ đông thường niên.

Vào ngày 9/4/2022, tại đại hội cổ đông thường niên 2022 đã ban hành Nghị quyết thông qua nội dung chia cổ tức năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 5% - có nghĩa cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 500 đồng. Thời hạn cuối cùng mà Hải Phát phải chia cổ tức 2021 cho cổ đông là trong tháng 10/2022.

Hải Phát lên tiếng về ‘lùm xùm’ chậm trả cổ tức 2 năm - Ảnh 1.

Công ty CP Đầu tư Hải Phát đang nợ cổ đông 152 tỷ đồng cổ tức năm 2021.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Công ty CP Đầu tư Hải Phát chưa thực hiện trả cổ tức theo Nghị quyết đại hội cổ đông thường niên 2022. Hải Phát lý giải, do nửa cuối năm 2022 là thời điểm khó khăn đối với doanh nghiệp bất động sản do thị trường bất động sản suy thoái, mất thanh khoản, việc tiếp cận các nguồn vốn từ tổ chức tín dụng, phát hành trái phiếu không thực hiện được. Làn sóng bán giải chấp cổ phiếu bất động sản cầm cố cho các khoản vay margin của các công ty chứng khoán liên tục diễn ra để thu hồi nợ trước hạn.

Bên cạnh đó, do tác động của ngoại cảnh, từ tháng 10/2022 đến hiện tại, áp lực trả nợ các khoản vay, trái phiếu đến hạn của Công ty CP Đầu tư Hải Phát lớn. Dòng tiền đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của công ty âm.

Tại báo cáo tài chính bán niên 2022 soát xét cho giai đoạn tài chính 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2022 ghi nhận dòng tiền âm hơn 357 tỷ đồng. Báo cáo tài chính riêng kết thúc ngày 31/12/2022 ghi nhận dòng tiền âm hơn 478 tỷ đồng.

Với hơn 304 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính HPX sẽ phải chi khoảng 152 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2021. Hải Phát cho biết, hiện tại công ty chưa cân đối, bố trí được dòng tiền để thực hiện chi trả cổ tức, không đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn sau khi trả cổ tức cho cổ đông. Do vậy, công ty không thể thực hiện việc trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông theo quy định của pháp luật.

Để khắc phục vấn đề này, công ty đang tiến hành tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại các khoản nợ, gia hạn nợ và kêu gọi sự hỗ trợ chung sức từ cổ đông nhằm giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn. Hải Phát sẽ xin ý kiến cổ đông tại phiên họp đại hội cổ đông thường niên 2023 về việc không thực hiện trả cổ tức năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 5% đã được đại hội cổ đông thường niên 2022 phê duyệt.

Tại Công ty Hải Phát, cá nhân ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Hải Phát tiếp tục bị bán giải chấp cổ phiếu trong phiên giao dịch gần đây. Cụ thể, ông Hải vừa bị bán giải chấp 1.060.100 cổ phiếu HPX để giảm sở hữu từ 14,73% về còn 14,39% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 23/3.

Hải Phát lên tiếng về ‘lùm xùm’ chậm trả cổ tức 2 năm - Ảnh 2.

Ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Hải Phát tiếp tục bị bán giải chấp cổ phiếu trong phiên giao dịch gần đây.

Ông Hải bị bán giải chấp cổ phiếu trong bối cảnh cổ phiếu HPX liên tục bị bán tháo và giảm sàn. Cổ phiếu HPX từ mức trên 26.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 10/2022 xuống còn 4.080 đồng/cổ phiếu như hiện tại. Đây cũng là thị giá thấp lịch sử của cổ phiếu HPX.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, ông Đỗ Quý Hải đã bị bán ra 25,65% vốn điều lệ để giảm sở hữu từ 40,04% về còn 14,39% vốn điều lệ. Trong đó, chủ yếu là bị các công ty chứng khoán bán giải chấp cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Chưa kể, trong năm 2022, vợ và em trai ông Đỗ Quý Hải cũng giảm mạnh tỷ lệ sở hữu ở Công ty CP Đầu tư Hải Phát. Cụ thể, bà Chu Thị Lương (vợ ông Đỗ Quý Hải) cũng giảm sở hữu từ 3,75% về còn 2,05% vốn điều lệ; ông Đỗ Quý Đường (em trai ông Đỗ Quý Hải) giảm sở hữu từ 1% về còn 0,17% vốn điều lệ; ông Đỗ Quý Thành - Phó Tổng giám đốc HPX bán ra toàn bộ 2,93% vốn điều lệ để giảm sở hữu về 0 vốn điều lệ.

Hồi cuối tháng 11/2022, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital bán ra toàn bộ 36.213.187 cổ phiếu HPX để giảm sở hữu từ 11,91% vốn điều lệ về 0% vốn điều lệ. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/3, cổ phiếu HPX tăng 90 đồng lên 4.080 đồng/cổ phiếu.

Theo Duy Quang

Tiền Phong

Trở lên trên