Hải Phòng sẽ chọn phát triển theo mô hình kinh tế nào đến năm 2030?
Trong 50 năm qua, sự phát triển của Hải Phòng có nhiều thăng trầm. Đáng chú ý, từ vị trí thứ 3 về kinh tế của cả nước, Hải Phòng hiện ở vị trí thứ 5.
- 31-10-2021Điểm lại loạt công trình trọng điểm trên địa bàn TP HCM trong 10 tháng
- 30-10-2021Có nên nới trần nợ công?
- 30-10-2021TP.HCM: Tổng thu ngân sách 10 tháng tăng trưởng 7,3%, “góp sức” từ doanh nghiệp bất động sản, tài chính ngân hàng
Ban Thường vụ thành ủy Hải Phòng vừa làm việc với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright để nghe báo cáo, cho ý kiến về đề xuất định hướng xây dựng mô hình phát triển kinh tế thành phố Hải Phòng giai đoạn đến năm 2030.
Theo đó, để xác định được các định hướng chiến lược, mô hình phát triển trong một thập niên tới, đại diện trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho biết, Hải Phòng cần hiểu rõ năng lực cạnh tranh, hay sức hút của mình so với các địa phương trong vùng kinh tế động lực phía Bắc nói riêng, đối thủ cạnh tranh nói chung.
Đồng thời, nắm bắt những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của mình, để từ đó đưa ra những lựa chọn, và hướng đi mang tính chiến lược có tính khả thi cao. Từ đó, nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính:
Thứ nhất, định vị vị trí và năng lực cạnh tranh của thành phố Hải Phòng so với 10 địa phương có năng lực cạnh tranh, và vị trí tốt nhất Việt Nam gồm: 4 thành phố trực thuộc Trung ương cùng với Hải Phòng là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ và Đà Nẵng; 3 địa phương có sức bật nhanh trong vùng động lực phía Bắc là Bắc Ninh, Quảng Ninh và Vĩnh Phúc; 3 địa phương trong vùng động lực phía Nam là Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai.
Thứ hai, phân tích những nguyên nhân làm cho kết quả phát triển chưa được như kỳ vọng của Hải Phòng và chỉ ra các nhân tố quyết định có thể dẫn đến thành công đối với Hải Phòng.
Thứ ba, gợi ý các định hướng và mô hình phát triển đến năm 2030 cho thành phố Hải Phòng. Các đề xuất được đưa ra gồm 7 nhóm vấn đề lớn bao gồm: khai thác tối đa ưu thế cảng biển cửa ngõ quốc tế; kết nối thị trường trong và ngoài nước; phát triển nhân lực chất lượng cao; xây dựng hạ tầng hiện đại; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng chính quyền năng động, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; có đô thị hiện đại và hấp dẫn…
Trong 50 năm qua, sự phát triển của Hải Phòng có nhiều thăng trầm. Có giai đoạn bứt phá mạnh mẽ, nhưng có giai đoạn trầm lắng. Đáng chú ý, từ vị trí thứ 3 về kinh tế của cả nước, Hải Phòng hiện ở vị trí thứ 5.
Trong khi đó, khát vọng phát triển của Hải Phòng được thể hiện cụ thể trong Nghị quyết số 45 ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị, về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chương trình hành động số 76 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng thực hiện Nghị quyết số 45 đề ra một số mục tiêu cụ thể như: tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2019 - 2025 tối thiểu là 16%; tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2026 - 2030 tối thiểu là 15%.
Đến năm 2025, đạt các tiêu chí đô thị loại 1 với dân số từ 2,4 triệu - 2,7 triệu người, và tỷ lệ đô thị hóa 60% - 70%. Đến năm 2030, cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt với dân số từ 3,5 triệu - 4,5 triệu người và tỷ lệ đô thị hóa 70% - 75%. Nhóm nghiên cứu cho rằng, đây là những khát vọng đầy thách thức.
Ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, để đạt được các mục tiêu trong Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, thành phố phải có những bước đi đột phá. Vì vậy, Hải Phòng đã mời các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, đánh giá về sự phát triển của thành phố để từ đó có thể chỉ ra những cơ hội, thách thức của thành phố, trong quá trình thực hiện đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết số 45 đã đề ra.