Hai phương án gỡ vướng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TPHCM
Về nguồn vốn để tiếp tục thực hiện hoàn thành dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu UBND TPHCM báo cáo Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM có chủ trương giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời tháo gỡ để tiếp tục thực hiện.
Bà Mai Thị Thu Vân, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vừa ký thông báo kết luận của Tổ công tác chỉ đạo rà soát, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng).
Theo đó, vào ngày 26/10 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo rà soát, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, đã chủ trì buổi làm việc của Tổ Công tác với UBND TPHCM. Tham dự cuộc họp còn có các thành viên Tổ công tác là đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan.
Sau khi nghe UBND TPHCM báo cáo và ý kiến của các thành viên Tổ công tác, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang kết luận, đây là dự án quan trọng, cấp thiết của TPHCM. Mặc dù Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã có Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 1/4/2021 về việc tiếp tục thực hiện dự án nhưng thời gian qua việc triển khai thực hiện dự án rất chậm. Do đó, cần có giải pháp kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để tiếp tục thúc đẩy thực hiện dự án, sớm thi công hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư.
Liên quan đến pháp lý, UBND TPHCM nghiên cứu 2 phương án. Thứ nhất, UBND TPHCM tiếp tục áp dụng Điều 2 của Nghị quyết số 40/NQ-CP của Chính phủ để chủ động giải quyết những vướng mắc của dự án theo thẩm quyền. Nếu vẫn còn vướng mắc thì báo cáo rõ, cụ thể vướng ở điểm nào và đề xuất giải pháp.
Phương án 2, UBND TPHCM báo cáo Thường trực Chính phủ giao Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan nghiên cứu điều khoản chuyển tiếp phù hợp để tháo gỡ vướng mắc của dự án trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 35/202/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính nghiên cứu quy định pháp luật liên quan đến thẩm quyền quyết định chủ trương sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư dự án, hướng dẫn UBND TPHCM thực hiện theo đúng quy định.
Về vướng mắc về nguồn vốn để tiếp tục thực hiện hoàn thành dự án , UBND TPHCM báo cáo Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM có chủ trương giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời tháo gỡ để tiếp tục thực hiện dự án, vì việc này thuộc thẩm quyền của TPHCM.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng yêu cầu UBND TPHCM nghiên cứu ý kiến của Tổ công tác và khẩn trương thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 40/NQ-CP, kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 365/TB-VPCP ngày 6/9/2023, báo cáo Tổ công tác trong tháng 11.
Trước đó, UBND TPHCM có văn bản gửi Tổ công tác Chính phủ về dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Theo đó, TPHCM sẽ uỷ thác ngân sách khoảng 1.800 tỷ đồng cho Quỹ đầu tư phát triển TPHCM (HFIC) để đơn vị này cho nhà đầu tư vay. Sau khi công trình được nghiệm thu, TPHCM sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT và các phụ lục. Nhà đầu tư sau đó thanh toán nợ với HFIC và đơn vị này hoàn lại ngân sách TPHCM khoản vốn đã nhận ủy thác.
Phương án trên được đánh giá thuận lợi vì ngân sách TPHCM không tạm ứng trực tiếp cho nhà đầu tư mà ủy thác để HFIC cho vay theo quy định đối với quỹ đầu tư phát triển địa phương. Điều này có cơ sở pháp lý thực hiện nên được xem là khả thi nhất.
Ngoài giải pháp nói trên, TPHCM cũng đề xuất phương án thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng đã hoàn thành bằng cả đất và tiền. Với phần giá trị trả bằng tiền, TPHCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn Ngân hàng BIDV chưa thu nợ và tiếp tục cấp vốn để nhà đầu tư hoàn thành công trình. Sau đó, TPHCM và nhà đầu tư sẽ nghiệm thu, thanh toán phần còn lại theo các thỏa thuận, hợp đồng BT và các phụ lục.
Tuy nhiên, cách này khó thực hiện vì Nghị định 69 của Chính phủ không quy định thanh toán các hợp đồng BT bằng tiền theo tiến độ khối lượng hoàn thành, chỉ cho trả bằng tiền tại thời điểm công trình được quyết toán. Chưa kể việc này được Ngân hàng Nhà nước đánh giá chưa phù hợp.
Phương án thứ 3, HFIC sẽ cho nhà đầu tư vay để hoàn thành công trình. Tuy nhiên, đối chiếu các quy định, HFIC cho biết dự án này chưa đáp ứng các điều kiện để thẩm định, quyết định cho vay từ nguồn vốn hoạt động của đơn vị.
Khởi công giữa năm 2016, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đặt mục tiêu kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân ven sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM. Hiện tại, công trình đã hoàn thành hơn 90% nhưng bị vướng thủ tục thanh toán cho nhà đầu tư nên đã chậm trễ 5 năm so với kế hoạch.
Tiền phong