Hai quốc gia châu Âu tranh cãi nảy lửa về một món ăn nổi tiếng khắp thế giới: Nơi ‘khai sinh’ nộp đơn xin bảo hộ, nơi tiêu thụ nhiều nhất phản đối kịch liệt
Đức phản đối kịch liệt việc Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn xin bảo hộ món bánh mỳ kẹp doner kebab vì cho rằng điều này sẽ gây ảnh hưởng đến ngành công nghiệp sản xuất thịt trong nước.
- 27-09-2024Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ việc gia nhập BRICS
- 10-09-2024Đằng sau tham vọng gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ
- 29-07-2024Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo "có thể tiến vào Israel"
EU có thể buộc Thổ Nhĩ Kỳ và Đức chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài về món bánh mỳ kẹp doner kebab nổi tiếng, tờ The Economist đưa tin.
Theo hãng tin này, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ cho hai nước 6 tháng để đạt được thỏa hiệp hoặc quyết định về số phận của món ăn có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ và rất được ưa chuộng tại Đức.
Tranh cãi về doner kebab bắt đầu từ 2 năm trước khi Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn lên EU để đăng ký món bánh mỳ kẹp là đặc sản của nước này. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ không phải là thành viên EU, nhưng khối này có chương trình Traditional Specialities Guaranteed (TSG) – tạm dịch: Bảo hộ đặc sản truyền thống. Chương trình này cho phép các quốc gia thành viên hoặc các nước thứ ba nộp đơn xin bảo hộ các món ăn truyền thống. Nếu được cấp chứng nhận TSG, món doner kebab sẽ phải được chế biến dựa trên các thông số kỹ thuật do Ankara thiết lập trên toàn EU.
Tháng 4, Brussels đã công bố hồ sơ đăng ký bảo hộ cho món doner kebab của Thổ Nhĩ Kỳ trên website của khối. Tuy nhiên, Đức đã nhanh chóng nộp đơn phản đối vì một số chi tiết trong hồ sơ, bao gồm loại thịt và các thành phần khác. Đức cho rằng việc cấp chứng nhận TSG cho Ankara sẽ ảnh hưởng đến sản xuất thịt tại nước này và có thể đẩy giá doner kebab tăng lên.
EC đã bắt đầu xem xét các khiếu nại đối với đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 24/9 nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định. Nếu thấy các khiếu nại là hợp lệ, ủy ban có thể sẽ cho Berlin và Ankara 6 tháng để giải quyết bất đồng. Nếu đàm phán thất bại, EC sẽ ra quyết định về đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ trưởng Bộ Thực phẩm và Nông nghiệp Đức Cem Ozdemir – người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng động thái này sẽ là “sự can thiệp vào thị trường Đức với tác động kinh tế rõ rệt”.
“Kebab thuộc về Đức. Mọi người đều có thể chế biến và ăn kebab theo ý muốn. Không cần phải xin chỉ thị từ Ankara về vấn đề này”, ông tuyên bố trong một bài đăng trên X.
Trong khi đó, Liên đoàn Doner quốc tế tại Istanbul cho rằng món ăn nhẹ này là một phần thiết yếu trong di sản ẩm thực của Thổ Nhĩ Kỳ và nên được chế biến theo quy định của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Ủy ban châu Âu, doanh số bán doner kebab tại châu Âu đạt 3,5 tỷ euro (khoảng 4 tỷ USD) mỗi năm, trong đó Đức đóng góp 2,3 tỷ euro. Doner kebab đã trở nên cực kỳ phổ biến tại Đức khi món bánh mỳ kẹp này theo chân những người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ tới Berline vào những năm 1970.
Nhịp Sống Thị Trường