MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai thị xã sát vách TPHCM chính thức lên thành phố

Vào chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông nghị quyết về việc thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Hai thị xã sát vách TPHCM chính thức lên thành phố- Ảnh 1.

Theo đó, Ủy ban Pháp luật đã tiến hành biểu quyết với 100% thành viên tham dự phiên họp (33/46/46) tán thành việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương và Nghị quyết về việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Về các dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định ngày có hiệu lực thi hành của 02 Nghị quyết là ngày 1/5/2024.

Trình bày tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày các Tờ trình về việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang. 

Cụ thể, về phương án thành lập 2 phường thuộc thị xã Bến Cát và thành phố Bến Cát, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tỉnh Bình Dương đề nghị thành lập 2 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 2 xã An Điền và An Tây. Đồng thời, đề nghị thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Bến Cát.

Thị xã Bến Cát là một trong 5 đô thị quan trọng của tỉnh Bình Dương, là đô thị động lực phía Bắc của vùng Thành phố Hồ Chí Minh; vùng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ. Định hướng phát triển đô thị Bến Cát đến năm 2040 là trung tâm đô thị công nghiệp - dịch vụ - đầu mối giao thông. Theo đó, tỉnh Bình Dương và thị xã Bến Cát đã tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị.

Theo đó, Thành phố Bến Cát sẽ được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 234,35 km2 và quy mô dân số là 364.578 người của thị xã Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương.

Sau khi thành lập phường An Điền, phường An Tây và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương, Thành phố Bến Cát có 8 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 7 phường: An Điền, An Tây, Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, Mỹ Phước, Tân Định, Thới Hòa và xã Phú An.

Tỉnh Bình Dương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện và 5 thành phố; 91 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 39 xã, 47 phường và 5 thị trấn.

Với nghị quyết này, Tòa án nhân dân thành phố Bến Cát và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bến Cát cũng được thành lập, trên cơ sở kế thừa các cơ quan này của của thị xã Bến Cát.

Đối với thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, Gò Công sẽ thành lập 4 phường thuộc thị xã là Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 4 xã Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa.

Sắp xếp 4 phường thuộc thị xã gồm nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của phường 1 và phường 4 thành phường 1 (mới). Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của phường 2 và phường 3 thành phường 2 (mới).

Đồng thời, thành lập thành phố Gò Công trên cơ sở nguyên trạng 101,69km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 151.937 người của thị xã Gò Công.

Sau khi thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên (2.556,36km2), quy mô dân số (2.248.422 người) và số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc.

Nhưng tăng 1 thành phố và giảm 1 thị xã; đồng thời giảm 2 đơn vị hành chính cấp xã (tăng 2 phường, giảm 4 xã).

Cụ thể gồm tỉnh sẽ có 2 thành phố Mỹ Tho, Gò Công, 1 thị xã Cai Lậy và 8 huyện Cai Lậy, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Châu Thành, Tân Phước, Cái Bè và Tân Phú Đông và 170 đơn vị cấp xã, gồm 8 thị trấn, 24 phường và 138 xã. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh là 18,40%.

Thành phố Gò Công có 7 phường và 3 xã (giảm 2 xã so với thị xã Gò Công hiện nay). Tỷ lệ đô thị hóa là 60,76%.


Hoàng Nguyễn

An ninh Tiền tệ

Trở lên trên