Hai thói quen của bố mẹ vô tình khiến con lười học
Theo chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ không hứng thú với việc học. Trong đó có việc do cha mẹ quá nuông chiều.
- 09-07-2024Nghỉ hè, cậu bé 9 tuổi lười học bị bố bắt đi làm phụ hồ: 7 ngày sau bố mẹ đi tìm thì tái mặt với cảnh này!
- 07-05-2024Con lười học, dán mắt vào điện thoại cả ngày, chồng tôi chỉ nói một câu mà đứa con gái bướng bỉnh liền tỉnh ngộ
- 08-01-2024Điền phiếu thông tin giới thiệu bản thân, cậu nhóc lớp 1 khiến mẹ cười chảy nước mắt: Lười học nhưng rất thật thà!
Người xưa có câu: “Có công mài sắt có ngày nên kim” để nói về sự kiên trì, chăm chỉ. Ngày nay, nhiều cha mẹ than phiền con lười học, không có hứng thú và mau chán.
Có thể do người lớn
Theo chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ không hứng thú với việc học. Trong đó có việc do cha mẹ quá nuông chiều.
Nhiều người thường ngạc nhiên rằng, trẻ em ngày nay khá rụt rè, thiếu tính tự giác. Trẻ phụ thuộc vào cha mẹ, khó hình thành thói quen sống độc lập. Việc được cha mẹ nuông chiều khiến trẻ lười biếng và ỷ lại. Trẻ được bao bọc trong lớp bảo vệ quá tỉ mỉ từ cha mẹ khiến trẻ hài lòng với cuộc sống hiện tại, không có nhu cầu cố gắng.
Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ ngày nay thường đặt nhiều kỳ vọng vào con cái. Tâm lý hơn thua, so sánh con nhà mình với con nhà người ta lại càng khiến trẻ áp lực. Trẻ bị ép buộc vào guồng quay học tập không ngừng nghỉ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tình trạng stress và những bệnh tự kỷ ở trẻ ngày càng xuất hiện nhiều.
Chưa kể đến việc trẻ em ngày nay học rất nhiều từ văn hóa đến kỹ năng mềm. Các bé không chỉ học kiến thức ở trường, mà còn phải tự học ở nhà, đi học thêm ở các trung tâm, các lớp gia sư, các lớp bổ trợ… Trẻ gần như không có thời gian để vui chơi, giải trí. Lịch học quá dày đặc khiến trẻ bị quá tải, stress, ảnh hưởng đến nhịp sinh học cơ thể của trẻ.
Trong khi nhiều trẻ có sức khỏe kém, khó theo kịp bài giảng trên lớp. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh thường không quan tâm đến vấn đề này mà chỉ chú ý đến thành tích của con.
Một số ít dù không đặt nặng thành tích của con cái nhưng lại luôn biểu lộ cảm xúc thất vọng mỗi khi đi họp phụ huynh cho con khiến trẻ cảm thấy rất tự ti và xấu hổ, ngày càng lười và chán học.
Cô giáo Nguyễn Kim Ngân (Trường Tiểu học Ngọc Khánh, Hà Nội) cho rằng, cha mẹ nên hiểu một điều, những kiến thức ngày nay mà con được học so với thời của cha mẹ có thể đã khác xa nhau. Vì thế, đôi khi phụ huynh sẽ gặp những tình huống là giảng mãi con vẫn không hiểu mình đang nói gì.
Do vậy, đừng ngần ngại nhờ đến sự trợ giúp của thầy, cô giáo ở trường để củng cố kiến thức cho con. Bởi lẽ, họ là những người trực tiếp giảng dạy hằng ngày nên sẽ có cách giải đáp những thắc mắc của trẻ hợp lý.
Trong trường hợp phát hiện thấy con học kém đột ngột, cha mẹ cũng liên hệ với giáo viên phụ trách ngay. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra chiến lược sẽ giúp con cải thiện điểm số và yêu thích môn học đó hơn.
Hơn nữa, cách giúp trẻ ham học hơn là đừng bao giờ bắt ép con phải làm hoặc nghe theo những mong muốn của riêng mình. Nên nhớ rằng, mỗi người chúng ta có cách học và tiếp thu hoàn toàn khác nhau. Vì thế, tuyệt đối không nên áp đặt phương pháp học tập của mình với trẻ.
Cách dạy con học tốt nhất là hãy quan sát và tìm hiểu xem con tiếp thu bài vở như thế nào. Chỉ khi biết được cách học của con, cha mẹ mới có thể tìm ra biện pháp tốt nhất để phát huy khả năng và cải thiện kết quả học tập của trẻ.
Không “mua chuộc” việc học
Chị Lê Phương Ngọc (cán bộ ngân hàng VietinBank) chia sẻ, thường được nghe những câu chuyện của đồng nghiệp rằng phải “mua chuộc” con mới chịu học. Theo chị Ngọc, học hành là cả một quá trình, không thể một lúc nhồi nhét vào đầu con mọi kiến thức có trong sách giáo khoa ngay được. Đặc biệt là cận kề những ngày thi cử quan trọng, trẻ rất dễ bị áp lực và đâm ra chán nản dễ buông xuôi hơn.
Chị Ngọc cho rằng, bố mẹ chính là nguồn động viên để con có hứng thú quay lại việc học. Cách giúp trẻ ham học hơn là có thể đề ra những mục tiêu ngắn, trung và dài hạn để dễ theo dõi tiến độ.
Ở mỗi giai đoạn như vậy, cha mẹ sẽ đặt ra kế hoạch ôn bài vở phù hợp, phân chia lịch trình trong ngày thành nhiều giờ và xác định những kiến thức cần tập trung học trong khoảng thời gian đó. Điều quan trọng là phải đảm bảo trẻ có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Những lời khen và động viên không bao giờ thừa để khuyến khích con cố gắng hơn nữa. Tuy nhiên, người lớn tuyệt đối không được dùng quà cáp, tiền hay bất cứ thứ gì khác để “mua chuộc” nỗ lực của con.
Bởi lẽ, cách này chỉ có thể giải quyết vấn đề tạm thời và sau đó trẻ sẽ vẫn ham chơi và lười học như trước. Thậm chí, trẻ sẽ coi việc học giống như đang “làm thuê” cho bố mẹ.
Ngay cả người lớn khi làm một điều gì đó cũng cần có mục tiêu rõ ràng mới hào hứng, hứng thú làm. Vậy thì việc học của con cũng vậy. Cha mẹ cần cùng con xác định những mục tiêu rõ ràng trong việc học của con. Đừng tự lên mục tiêu cho con, hãy cùng trẻ thảo luận.
Cô Hoàng Kim Hoa (giáo viên Trường Mầm non Sao Mai, Hà Nội) đưa ra lời khuyên, cha mẹ đừng bao giờ biến con mình thành một đứa trẻ chỉ biết ăn và học. Hãy rèn luyện cho con thói quen làm việc nhà và chăm sóc bản thân.
Một đứa trẻ cần biết tự làm những việc mang tính thiết yếu như tự giặt quần áo và chăm sóc mình khi bố mẹ vắng mặt. Chúng cần biết chúng có trách nhiệm làm sạch, làm đẹp không gian sống bằng chính sức mình.
Trẻ từ lớp 6 đã đủ tuổi để nên biết việc này. Nếu như cha mẹ để cho trẻ chỉ biết ăn, học thì trẻ sẽ không có tinh thần tự lập và dễ nảy sinh tính phụ thuộc, lười biếng cả trong việc học.
Đừng bao giờ cấm đoán những sở thích của trẻ nếu nó không phải là tiêu cực. Người lớn càng cấm thì trẻ càng nảy sinh tâm lý chống đối. Và nó sẽ rất dễ gây ra tâm lý chán nản lười học nếu như trẻ bị cấm đoán.
Thay vào đó, hãy hướng con đến cách giải trí lành mạnh và tích cực hơn. Ví dụ như chơi những trò game bổ ích, không mang hơi hướng bạo lực. Được phép thần tượng một cách lành mạnh bằng cách học hỏi những điều hay, tốt ở thần tượng.
Giáo dục thời đại