MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàm ý gì đằng sau việc điều chỉnh phương án mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước?

02-01-2021 - 13:10 PM | Tài chính - ngân hàng

Hàm ý gì đằng sau việc điều chỉnh phương án mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước?

Theo TS. Phan Minh Ngọc, Ngân hàng Nhà nước đang có động thái cực kỳ "khôn ngoan" đối với thị trường ngoại tệ.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Từ ngày 31/12/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngừng niêm yết tỷ giá giao ngay tại Sở Giao dịch và ngừng mua ngoại tệ giao ngay. Bên cạnh đó, từ ngày 4/1/2021, NHNN sẽ thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng (thay vì kỳ hạn 3 tháng như trước) có hủy ngang với tỷ giá mua kỳ hạn là 23.125 VND/USD. Mỗi tổ chức tín dụng chỉ được hủy ngang một lần và toàn bộ giá trị giao dịch đối với mỗi bán ngoại tệ cho NHNN theo phương án này.

Một số ý kiến cho rằng, động thái trên của NHNN là muốn rải nguồn VND mua ngoại tệ đối ứng ra thị trường thay vì dồn cung VND tại một thời điểm nếu thực hiện mua giao ngay.

Nhưng theo TS. Phan Minh Ngọc, nếu chỉ vì mục đích tránh dồn cung VND từ các giao dịch mua giao ngay thì việc duy trì mua kỳ hạn 3 tháng như trước là quá đủ cho mục đích này, và, do đó, NHNN không cần phải thay đổi (kéo dài) kỳ hạn mua ngoại tệ theo hợp đồng kỳ hạn, hoặc phải bỏ trống hạng mục tỷ giá (mua USD) giao ngay như trong động thái mới nhất này của NHNN. Việc tránh dồn cung VND tại thời điểm giao ngay cũng không có ý nghĩa bởi vào thời điểm giao trong tương lai (6 tháng sau) thì nguồn cung VND cũng tăng vọt đột ngột, gây hậu quả không khác gì so với hiện tại.

PV: Vậy theo ông, hàm ý gì đằng sau động thái điều chỉnh phương án mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước?

TS. Phan Minh Ngọc: Liên hệ với các diễn biến mới gần đây, chúng ta có thể hình dung ra một ẩn ý chính đằng sau động thái trên của NHNN.

Cụ thể, lời cáo buộc trong năm 2020 của Bộ Tài chính Mỹ về việc Việt Nam thao túng tiền tệ (làm VND yếu hơn so với giá trị thực cần có của nó) trực tiếp nhằm vào hành động mua USD để can thiệp vào tỷ giá USD/VND của NHNN. Trong khi có nhiều ý kiến đã và đang lên tiếng phủ nhận, bào chữa cho việc này thì một trong những động thái nên làm, như tôi đã từng khuyến nghị trước đây, là đừng để cho phía Mỹ thấy NHNN trực tiếp mua USD nữa.

Như vậy, việc NHNN không công bố tỷ giá mua giao ngay USD kể từ ngày 31/12/2020 ít nhất cũng tạo ra một suy nghĩ, hay bằng chứng, rằng NHNN sẽ không còn mua giao ngay USD nữa.

PV: Khi không công bố tỷ giá mua giao ngay như vậy liệu có ảnh hưởng đến việc can thiệp vào tỷ giá giao ngay của NHNN?

TS. Phan Minh Ngọc: Việc không công bố tỷ giá mua giao ngay không có nghĩa là NHNN tự tước đi quyền/nghĩa vụ can thiệp tỷ giá giao ngay của họ, bởi nếu có được tiến hành thì việc mua giao ngay USD rất có thể chỉ diễn ra trên cơ sở với từng ngân hàng thương mại, theo tỷ giá thỏa thuận song phương không công bố ra bên ngoài (để không cho thấy NHNN đang mua vào USD với giá đủ để tiếp tục làm VND yếu so với USD).

PV: Việc mở rộng kỳ hạn mua USD lên 6 tháng kèm điều kiện không được huỷ ngang 1 lần sẽ tác động thế nào tới việc quản lý ngoại tệ của các ngân hàng thương mại thưa ông?

TS. Phan Minh Ngọc: Việc mở rộng kỳ hạn mua USD lên 6 tháng thay vì 3 tháng, và với điều kiện ngân hàng thương mại chỉ được hủy ngang một lần, cho thấy việc bán USD có kỳ hạn cho NHNN đã trở nên khó khăn hơn nhiều. Ngân hàng thương mại càng khó có thể biết chắc trạng thái ngoại tệ của mình sẽ ra sao trong thời gian 6 tháng tiếp theo, thay vì 3 tháng như trước, nên rủi ro cao là họ bán USD tại thời điểm hiện tại nhưng vì nhiều lý do không lường trước nào đó sẽ muốn phải hủy ngang hợp đồng bán kỳ hạn này. Nhưng cái khó cho họ (và là sự "cao tay" của NHNN) là họ chỉ được hủy ngang hợp đồng bán kỳ hạn này một lần (nếu không, chắc sẽ bị phạt như cấm được bán ngoại tệ cho NHNN?). Như vậy, chỉ có ngân hàng thương mại nào cực kỳ chắc chắn rằng họ cần phải bán một lượng USD 6 tháng sau tại mức tỷ giá theo quy định hiện tại thì mới muốn tiến hành mua bán kiểu này với NHNN – một điều mà xác suất xảy ra có lẽ không cao.

Do vậy, NHNN hoàn toàn có thể sử dụng sự khó khăn trong bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại cho NHNN để làm bằng chứng cho thấy NHNN đã và sẽ không còn tích cực can thiệp vào thị trường ngoại tệ, vào tỷ giá như trước đây nữa, mà để cho chúng tự vận động nhiều hơn theo tín hiệu thị trường.

PV: Nói như vậy thì tới đây NHNN sẽ khó hơn trong việc can thiệp tỷ giá trong trường hợp cần thiết?

TS. Phan Minh Ngọc: Việc tạo ra khó khăn nói trên sẽ không tước đi của NHNN quyền/nghĩa vụ can thiệp tỷ giá khi cần. Việc NHNN vẫn mua USD kỳ hạn (dù dài hơn) thực ra lại đặt trách nhiệm can thiệp tỷ giá của NHNN một cách gián tiếp lên vai ngân hàng thương mại khi các ngân hàng thương mại cần phải tính toán để đảm bảo vẫn phải bán USD cho NHNN khi nguồn cung USD quá dư thừa (sẽ làm cho VND lên giá), mà nếu không bán cho NHNN thì sẽ bị phạt vì vi phạm về quy định trạng thái ngoại tệ của NHNN.

Cộng với hình phạt nếu hủy ngang hơn một lần hợp đồng bán kỳ hạn thì có lẽ ngân hàng thương mại sẽ phải "thà bán nhầm còn hơn bị phạt". Và như vậy thì NHNN một mặt vẫn có cái để trình ra cho thế giới thấy rằng NHNN đã hạn chế can thiệp trực tiếp vào tỷ giá, mặt khác vẫn có trong tay cái van an toàn cho tỷ giá nhằm giữ không cho VND lên giá và/hoặc kịp thời bổ sung USD vào quỹ dự trữ ngoại hối v.v... khi nguồn cung USD trở nên quá dồi dào.

Xin cảm ơn ý kiến của ông!

Tùng Lâm (thực hiện)

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên