MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạn chế lách trần lãi suất USD bằng cách bỏ trần?

05-10-2016 - 14:51 PM | Tài chính - ngân hàng

Có thông tin cho rằng, một số ngân hàng đang lách trần lãi suất huy động USD bằng cách mời chào người gửi tiền rồi tạo điều kiện để người gửi thế chấp bằng tài khoản USD, vay một số lượng tiền Việt tương đương để mua trái phiếu DN của ngân hàng, lãi suất được trả tuy thấp nhưng vẫn cao hơn mức huy động USD 0%/năm theo quy định. Mọi thủ tục, giấy tờ đều được nhân viên ngân hàng tư vấn và hợp lý hóa giúp người gửi tiền.

Chiêu lách trần lãi suất huy động trên được thực hiện có thực sự đúng luật và có ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động ngân hàng. Về vấn đề này, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức (ảnh), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO.

Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng lách trần lãi suất huy động USD của các ngân hàng hiện nay?

Xét một cách tổng thể, tôi có thể khẳng định, không có ngân hàng nào là không lách luật, nhất là lách trần lãi suất huy động, từ ngân hàng quốc doanh cho đến ngân hàng thương mại.

Đặc biệt, bối cảnh hiện nay là các ngân hàng phải tiến tới không cho vay bằng USD mà chỉ bán USD, nên việc huy động bằng USD với lãi suất 0%/năm chưa tạo thuận lợi để các ngân hàng bổ sung thêm nguồn vốn bằng USD, do đó, các ngân hàng phải lách luật để thu hút người gửi tiền. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải xem lại chính sách, phải làm sao để tạo được sự hợp lý trong điều phối tiền tệ giúp các ngân hàng tuân thủ và chấp hành, không còn hành vi lách luật.

NHNN đã nêu ra chỉ thị nghiêm cấm hành vi lách trần lãi suất, nhưng phải có cơ chế nhằm kiểm soát hiệu quả chứ không chỉ hô hào, cấm đoán, nếu không thì các ngân hàng vẫn cứ lách luật bởi họ biết cách lách “hợp pháp”.

Ví dụ như ở thông tin nêu trên, làm như vậy tức là ngân hàng không hề lách, mà tài khoản tiền gửi USD được xem như một tài sản có giá trị được phép cầm cố, như tài sản bằng bất động sản. Nên ngân hàng dựa vào đó để cho vay tiền đồng, mua trái phiếu DN và trả lãi cho người gửi bằng tiền đồng thì không hề vi phạm, chỉ là lãi suất sẽ chỉ bằng một nửa, ít hơn nhiều so với huy động thông thường. Ngân hàng chỉ vi phạm nếu lách luật mà trả lãi bằng tiền USD, còn nếu không thì hoàn toàn bình thường.

Theo ông, hiện tượng này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của ngân hàng?

Hiện tượng trên nếu có ảnh hưởng chỉ là việc nhân viên ngân hàng phải luồn lách, tốn thêm thời gian, sổ sách, giấy tờ để thực hiện.

Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là khi gửi tiết kiệm nhưng lại dùng tài khoản này để vay tiền mua trái phiếu hưởng lãi, khiến việc vay tiền và tiết kiệm tiền rơi vào vòng “luẩn quẩn”. Điều này dẫn đến việc đánh giá, nhìn nhận tổng thể dòng chảy lưu chuyển tiền tệ của ngân hàng đó gặp khó khăn, thậm chí, không chính xác. Hơn nữa, hiện tượng này cũng sẽ có tác động nhất định đến an toàn thanh khoản của ngân hàng và chính sách tiền tệ của NHNN.

Giả sử khách hàng có 1 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm, nhưng tiền đấy lại cầm cố để vay vốn thì thực chất ngân hàng toàn tiền đi vay. Khi khách hàng muốn thanh khoản, nếu nợ chưa thu hồi được thì ngân hàng sẽ không có tiền trả. Như vậy, ngân hàng sẽ không còn tiền gửi tiết kiệm nữa mà cứ loanh quanh lẫn lộn giữa tiền vay và tiền gửi.

Nhìn chung, cái gì cũng có tác động, không nhiều thì ít, nhưng mức độ khi vẫn còn có thể chấp nhận được thì ngân hàng vẫn thực hiện, vẫn lách luật.

Vậy ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng nói chung là như thế nào, thưa ông?

Như tôi đã nói ở trên, những hành động này sẽ có tác động nhất định đến chính sách tiền tệ của NHNN, trong đó có mục tiêu chống “đô-la hóa”.

Tuy nhiên, với “chiêu thức” này, các ngân hàng thương mại cũng có thể “hợp lý hóa” mục tiêu chống "đô-la hóa" khi toàn bộ số tiền bằng USD được chuyển vào ngân hàng, chỉ vài trường hợp được vay bằng ngoại tệ còn lại trở thành tài sản đảm bảo có giá chứ không phải trôi nổi trên thị trường, nhằm vào mục đích đầu cơ, tích lũy.

Vậy theo ông, để hạn chế hiện tượng lách trần lãi suất, bỏ trần lãi suất huy động USD 0% sẽ là một biện pháp hiệu quả?

Tất nhiên, trần lãi suất huy động USD nên để mức hợp lý hơn mức 0%/năm như hiện nay. Vì mức trần này đang tạo ra độ chênh lớn, người gửi tiền và ngân hàng chấp nhận thêm rủi ro chi phí để lách luật, còn hơn giữ USD không lãi.

Xin cảm ơn ông!

Vào tháng 5-2016, Thống đốc NHNN đã ban hành các văn bản về việc chấn chỉnh việc thực hiện quy định lãi suất huy động.

Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nghiêm túc chấp hành các quy định hiện hành cũng như chỉ đạo của Thống đốc NHNN về lãi suất huy động, đặc biệt là huy động USD; nghiêm cấm việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động USD; nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ, chủ động phát hiện những vi phạm về mức lãi suất huy động; chỉ đạo chấn chỉnh và xử lý nghiêm người đứng đầu các chi nhánh, đơn vị của tổ chức tín dụng để xảy ra vi phạm, không chấp hành các quy định và chỉ đạo của NHNN.

NHNN sẽ hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng (nếu xét thấy cần thiết) đối với các tổ chức tín dụng để xảy ra tình trạng vi phạm các quy định về lãi suất huy động cho đến khi chấm dứt vi phạm.

Theo Bình Nam thực hiện

Hải quan

Trở lên trên