Hạn chế phương tiện cá nhân ở Hà Nội: Chẵn - lẻ có hiệu quả?
Xe biển số chẵn, biển số lẻ sẽ được ra đường vào ngày chẵn, ngày lẻ… liệu có khả thi khi mà giao thông công cộng còn quá yếu kém.
- 17-08-2016Đỗ xe ngày chẵn và ngày lẻ: Chủ trương đúng nhưng khó thực hiện?
- 16-08-2016Ý kiến trái chiều về chủ trương đỗ xe ngày chẵn, lẻ tại Hà Nội
- 15-08-2016Hà Nội nghiên cứu đỗ xe theo ngày chẵn lẻ
Câu chuyện hạn chế phương tiện cá nhân ở Hà Nội luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Bởi, việc hạn chế này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế, đi lại của hàng triệu con người. Nhưng không phải nói cấm là cấm, hạn chế là hạn chế ngay. Tất cả đều có lộ trình.
Sau một thời gian phương tiện giao thông cá nhân như “trăm hoa đua nở”, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng, tắc đường và khói bụi đã trở thành “đặc sản” không thể thiếu, là niềm kinh hãi của mỗi người dân đang sống ở đây hay những người có dịp về Hà Nội công tác, làm ăn. Với sự gia tăng chóng mặt của phương tiện giao thông cá nhân, các cơ quan quản lý lại “chạy theo” để giải quyết hậu quả. Không có chỗ đỗ xe, thành phố lại “chữa cháy” bằng việc cho xe đỗ ở lòng đường, hè phố.
Trước tình trạng kẹt xe, tắc đường, khói bụi, ô nhiễm môi trường đô thị ngày càng trầm trọng, nhiều ý kiến ủng hộ việc hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần là dùng mệnh lệnh hành chính cấm người dân đi xe ra đường mà không có giải pháp đồng bộ thì mới chỉ là “giải quyết phần ngọn”, mà rồi người dân lại tìm cách để “lách”.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia và những người tâm huyết với thủ đô, việc hạn chế phương tiện cá nhân phải thực hiện đồng bộ với lộ trình phát triển của các phương tiện công cộng. Phương tiện công cộng bảo đảm được tới đâu thì phương tiện cá nhân giảm tới đấy. Khi phương tiện công cộng phát triển thuận tiện, chẳng cần cấm đoán, chẳng cần vận động người dân sẽ tự từ bỏ phương tiện cá nhân vì bài toán kinh tế.
Còn phương án “chẵn lẻ”, theo ý kiến của nhiều người, dân sẽ có cách để “lách”, miễn sao thuận tiện cho việc đi lại, bằng cách sắm 2 xe một lúc. Khi đó, số lượng xe máy có thể tăng lên rất nhiều, lại “béo” những người “buôn” biển số xe.
Một điều vô cùng quan trọng khác là bài toán qui hoạch đô thị cần phải được thực hiện khoa học, nghiêm túc. Như hiện nay, không hiểu vì lý do gì mà trong nội đô co cụm quá nhiều nhà chung cư cao tầng, trong khi hạ tầng giao thông phát triển với tốc độ “rùa bò”.
Vì cái chung, thành phố hãy dừng ngay việc cấp phép các dự án xây dựng nhà cao tầng trong nội đô; kiên quyết di dời dân ở những khu nhà xuống cấp, nhà ổ chuột ra ngoại thành; xử lý dứt điểm những công trình xây dựng trái phép…
Ngoài ra, thành phố cũng cần kiểm soát việc đăng ký mới ô tô, xe máy. Cùng với lộ trình giảm phương tiện giao thông cá nhân thì cũng phải có lộ trình “thắt” dần việc đăng ký, cấp mới biển số xe.
Biển chẵn đi ngày chẵn, biển lẻ đi ngày lẻ… là những ý tưởng chưa lường hết được những hệ lụy. Hà Nội sẽ bớt tắc đường nếu dự án buýt nhanh không phá sản, đường sắt trên cao không bị đắp chiếu quá lâu… Những dự án này, ngoài việc gây tốn kém, lãng phí, còn gây cản trở giao thông ghê gớm, là mối nguy với sự an toàn tính mạng của người dân.
Hạn chế phương tiện cá nhân cần bắt đầu từ chính tư duy của người quản lý, sự quyết tâm của những người thừa hành… Còn dân, họ chỉ biết làm theo sự chỉ dẫn của các cơ quan Nhà nước. Khi quản lý không theo kịp sự phát triển thì dân sẵn sàng “xé rào” để đi./.
VOV