MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạn chế “trái đắng” từ nguồn vốn vay nước ngoài thế nào?

Nhiều dự án ODA điều chỉnh quy mô, tăng vốn đầu tư lên nhiều lần, tổng chi phí cao, trong khi chất lượng công trình chưa cao, giải ngân chậm...

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước vừa chỉ ra hàng loạt những hạn chế, bất cập trong các dự án trọng điểm sử dụng vốn vay nước ngoài. Theo đó, những hạn chế, thiếu sót được chỉ ra có ở tất cả các khâu, bắt đầu từ khâu đầu cho tới khâu cuối cùng của dự án. Điều này, khiến Việt Nam luôn phải nhận thiệt.

Cụ thể báo cáo được Kiểm toán Nhà nước gửi tới Quốc hội cho thấy, trong số 27/42 dự án sử dụng vốn vay ODA của Bộ Giao thông Vận tải tăng vốn hơn 122.350 tỷ đồng và gần 97,3 triệu USD. Nhiều dự án đàm phán, ký hiệp định vay vốn với các điều khoản ràng buộc bất lợi, dẫn tới phải chỉ định thầu cho nhà đầu tư nước ngoài, trong khi một số dự án sử dụng tư vấn quốc tế chi phí cao...

Hạn chế “trái đắng” từ nguồn vốn vay nước ngoài thế nào? - Ảnh 1.

Thực tế cho thấy nhiều dự án ODA kém hiệu quả vì đội vốn, kéo dài. (Ảnh minh hoạ: KT)

Vốn ODD tưởng rẻ hoá đắt?

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu cho rằng nguyên nhân "đội vốn" của các dự án ODA là do quá trình khảo sát ban đầu không kỹ dẫn đến quá trình thi công phát sinh những yếu tố phải điều chỉnh, khiến nguồn vốn nâng lên và thời gian hoàn thành dự án kéo dài, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của các dự án.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá: ODA là nguồn lực quan trọng nhưng việc huy động và sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian qua còn nhiều yếu kém, đầu tiên phải nói tới tình trạng đội vốn, không hiệu quả tại nhiều dự án ODA.

Điểm qua một loạt dự án điển hình như dự án Cát Linh - Hà Đông, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.770 tỷ đồng lên 18.001,6 tỷ đồng, tăng 9.231,6 tỷ đồng - tương đương 205,27%; Bến Thành - Suối Tiên đội vốn hơn 30.000 tỷ, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nguyên nhân là do năng lực, khả năng thỏa thuận hợp tác và đương nhiên không thể thiếu vắng yếu tố lợi ích khiến nhiều dự án sử dụng vốn vay ODA của Việt Nam rơi vào thế lệ thuộc và chịu thiệt.

Theo ông Cường, cần tăng trách nhiệm vai trò của đơn vị nhận được vốn vay. "Trong quy định hiện nay cần tăng phần tự vay tự trả chứ không phải đơn vị nhận vốn sử dụng sau đó trách nhiệm trả về nhà nước. Như vậy các đơn vị nhận vốn phải có trách nhiệm hơn trong việc thiết kế dự án, thỏa thuận các điều khoản để ít bất lợi nhất cho người sử dụng vốn", đại biểu Cường nói.

Đối với các dự án sử dụng vốn ODA thuộc diện 100% Nhà nước phải tự vay tự trả, ông Cường cho rằng, cần tăng cường vai trò của cơ quan Nhà nước trong việc thiết kế các dự án, dành quyền chủ động hơn để đưa ra thiết kế chính xác, không sai lệch trong quá trình triển khai.

Hạn chế “trái đắng” từ nguồn vốn vay nước ngoài thế nào? - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường


Vốn ODA được kỳ vọng là nguồn vốn giá rẻ song thực tế nhiều dự án có hiệu quả sử dụng chưa tương xứng, đội vốn và có đơn giá vật tư đặc thù quá cao. Trong quá trình xây dựng các dự án thường phụ thuộc quá nhiều vào đối tác cung cấp vốn, hợp đồng, khi thỏa thuận thường để bất lợi cho phía vay vốn, như: giới hạn đơn vị thầu, sử dụng thiết bị kỹ thuật và đội ngũ chuyên gia của nước cho vay với chi phí cao... Vì vậy, mặc dù lãi suất vốn ODA thấp nhưng tổng chi phí trở thành cao, ông Cường nhận định.

Không huy động vốn ODA bằng mọi giá

Góp ý về việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, đại biểu Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước) đề nghị xem xét lại hoạt động huy động và sử dụng vốn ODA, đặc biệt là với các công trình có quy mô vốn lớn.

Ông Lượng lưu ý: Phải đặt hiệu quả, tiến độ, kỷ luật kỷ cương lên trên khi thực hiện các dự án vay vốn ODA hơn là huy động vốn bằng mọi giá. Đặc biệt, quá trình thỏa thuận những điều khoản vay vốn chúng ta phải tránh những điều khoản bất lợi. Đồng thời phải xem xét lại việc huy động và sử dụng vốn ODA, đặc biệt tại những công trình có vốn lớn thì càng phải thận trọng hơn.

"Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các dự án phải đảm bảo có chủ đầu tư đủ năng lực và trách nhiệm. Thực hiện quy trình phải đảm bảo quy định của pháp luật, có thẩm định, đánh giá, dự toán thiết kế. Cần phải đặt tiến độ thời gian và gắn trách nhiệm cụ thể trường hợp các hành vi, cá nhân tổ chức nào vi phạm phải tổ chức nghiêm chứ chúng ta không thể huy động ODA bằng mọi giá làm công trình đó", đại biểu Phan Viết Lượng nêu ý kiến.

Hạn chế “trái đắng” từ nguồn vốn vay nước ngoài thế nào? - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng

Còn theo đánh giá của đại biểu Hoàng Văn Cường, Luật Đầu tư công (sửa đổi) dự kiến được thông qua tới đây sẽ có những thiết kế mới trong cơ chế chính sách quản lý, định hướng thu hút, sử dụng ODA nhằm bảo đảm yêu cầu kép là hiệu quả và khả năng trả nợ. Theo đó, nguồn vốn ODA chỉ tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt, trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, hạn chế sử dụng vốn vay nước ngoài để tài trợ cho nhu cầu mua sắm nội địa vì làm tăng nợ công nhưng không cải thiện năng lực trả nợ quốc gia.

Đối với địa phương, doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác muốn thực hiện dự án phải theo cơ chế vay lại. Việc gắn cơ chế trách nhiệm với việc vay vốn ODA, buộc các địa phương và các tổ chức kinh tế phải cân nhắc, lựa chọn, tính toán rất kỹ, có thể phải trực tiếp tham gia vào quá trình thẩm định, đánh giá dự án để chắc chắn dự án đạt được hiệu quả sử dụng vốn tối ưu. Tâm lý chạy theo dự án, tùy tiện, dễ dãi vay vốn chắc chắn sẽ bị hạn chế phần nào, không thể như trước đây nữa, ông Cường tin tưởng./.

Theo Trần Ngọc

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên