Hạn hán khốc liệt, vì sao?
Năm nay, hạn hán lịch sử diễn ra ở hầu khắp các nước Đông Nam Á do El Nino, ở nước ta nặng nhất là ở miền Nam và miền Trung. Nguyên nhân có cả thiên tai lẫn nhân tai.
- 31-07-2019Bão số 3 diễn biến rất phức tạp, dự báo 3 hướng đổ bộ
- 31-07-2019Bão số 3 sẽ gây mưa to nhiều ngày ở miền Bắc
Năm nay, hạn hán lịch sử diễn ra ở hầu khắp các nước Đông Nam Á do El Nino, ở nước ta nặng nhất là ở miền Nam và miền Trung. Nguyên nhân có cả thiên tai lẫn nhân tai
Philippines và Thái Lan dự báo sớm hơn Việt Nam về hiện tượng El Nino xuất hiện từ cuối năm ngoái, toàn khu vực ít mưa, cộng với việc trữ nước ở các hồ thủy điện thượng lưu đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước các nước trong lưu vực sông Mekong.
Nắng nóng quá lâu
Tuy nhiên, cả Philippines và Indonesia cũng như nhiều nước phát triển đều không làm dự báo ENSO (El Nino, La Nina, None ENSO hay Neutral) mà họ chỉ dựa vào những thông tin dự báo toàn cầu của một số trung tâm lớn trên thế giới như NOAA/NCEP (Mỹ) hay ECMWF (châu Âu) hoặc JMA (Nhật)… Trên cơ sở đó, họ sẽ đưa ra những nhận định khác nhau về ảnh hưởng của ENSO đến các vùng của họ hoặc có thể một vài diễn giải (interpretation) từ những kinh nghiệm của họ.
Việt Nam cũng chưa có điều kiện để làm bài toán dự báo ENSO mà chủ yếu dựa vào NCEP/NOAA của Mỹ. Về ảnh hưởng của El Nino đến Việt Nam thì chủ yếu Nam Bộ và Tây Nguyên và sau đó đến Nam Trung Bộ rồi Bắc Trung Bộ là được thể hiện rõ hơn cả.
Hạn ở miền Trung trong thời gian qua và hiện tại chủ yếu liên quan đến nguyên nhân trực tiếp là nắng nóng quá lâu (nền nhiệt cao) và độ ẩm thấp (do gió mùa Tây Nam vượt dãy Trường Sơn ở Trung Bộ) kèm theo không mưa đã dẫn đến hệ quả bốc hơi nhiều làm hao hụt trầm trọng độ ẩm đất, không có nước bổ cập cho nước ngầm trong khi người dân vẫn phải khai thác nước để sử dụng.
Lòng sông Mekong đoạn qua Vientiane (Lào), đối diện chếch trái về phía hạ lưu trụ sở Ban Thư ký MRCS, đã là các bãi cạn, nhiều lau sậy... (Ảnh do tác giả cung cấp)
ĐBSCL lãnh đủ
Mùa khô năm 2019, tổng lượng mưa trong mùa khô trên các trạm khác nhau trên lưu vực thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng 55%. Trong khi đó, mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 nhưng năm nay đến muộn, làm lượng mưa tháng 7 thiếu hụt lên tới 65%, đặc biệt khu vực thượng nguồn Mekong (bao gồm cả phía Trung Quốc), mưa giảm nhiều và chỉ đạt trung bình 20% so với nhiều năm.
Kết hợp với việc tích nước trong mùa lũ của hệ thống đập Trung Quốc và trên dòng nhánh sông Mekong gây ra dòng chảy đầu mùa lũ tới ĐBSCL thấp.
Từ đầu mùa lũ năm 2019 đến nay, ĐBSCL đã và đang đối mặt với một mùa lũ rất thấp: Mực nước trên sông Mekong tại Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) thấp hơn trung bình nhiều năm 108-165 cm. Lưu lượng tháng 6 và 7 tại Tân Châu và Châu Đốc chỉ đạt ~30% so với trung bình tháng 6 và 7 nhiều năm. Hầu hết mực nước các kênh mương trong vùng đều sụt giảm nghiêm trọng do không được tiếp nước từ các sông chính. Trên toàn vùng không có mưa, nắng nhiều, lượng bốc hơi cao.
Do các đập Trung Quốc xả rất hạn chế từ cuối tháng 6 đến tháng 7 nên dòng chảy ở Chieng Sen trong đầu mùa lũ 2019 về lưu lượng ở mức thấp hơn dòng chảy trung bình nhiều năm ~ 1.800 m3/s và thấp hơn giá trị kiệt lịch sử trong tháng 7 khoảng 400 m3/s. Đặc biệt, trong tháng 7, dòng chảy tại Chieng Sen chỉ đạt 2.230 m3/s tương ứng với 44% dòng chảy trung bình nhiều năm (thấp hơn dòng chảy trung bình nhiều năm ~ 3.200 m3/s).
Tất cả các yếu tố nói trên đã cộng hưởng tạo nên đợt hạn hán khốc liệt đang diễn ra diện rộng trên toàn bộ lưu vực sông Mekong, trong đó có ĐBSCL.
Phải làm gì?
Việc chủ động ứng phó không thể thiếu thông tin dự báo mùa (Seasonal Forecasting) và nội mùa (Sub-seasonal Forecasting). Đáng tiếc là vấn đề này ở Việt Nam đang quá yếu cần được quan tâm nâng cao chất lượng về mặt khoa học công nghệ dự báo.
Về góc độ hợp tác khai thác lưu vực, trận hạn hán năm 2019 cần phải xem xét tình trạng hiện tại với những thay đổi trong các thập kỷ vừa qua, nhất là các công trình đã được xây dựng và các công trình mới phải hoạt động không dựa vào lợi thế của các công trình đã được xây dựng.
Ví dụ việc trữ nước cho Xayaburi không được quyền lấy nước các hồ thượng lưu mà làm nguy hại cho việc sản xuất hạ lưu (dựa vào kinh nghiệm của những năm gần đây). Nói cách khác, Ủy hội sông Mekong (MRCS) có bổn phận theo dõi việc vận hành các công trình này. Theo phân tích sơ khởi (xem Flow Record 2019 trích từ website của MRCS: http://ffw.mrcmekong.org/report_dry.php), MRCS đã không phát hiện được việc trữ nước của Xayaburi, cũng như những giai đoạn các hồ thượng lưu giảm nước, nhất là trong giai đoạn cuối tháng 1 và đầu tháng 2 làm cho mực nước ở Chiang Khan và Vientiane sụt mất 3 m nước. Đây là điểm yếu của MRCS cần sửa chữa, khắc phục.
Việc phối hợp giữa các quốc gia ven sông cùng chung tay xử lý và đối phó với bài toán an ninh nguồn nước là vấn đề rất cần thiết, bảo đảm rằng chế độ thủy văn dòng chảy không bị tác động quá lớn làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái bền vững và các tập quán, văn hóa của người dân trên lưu vực.
Khi có nguồn nước, ở ĐBSCL phải tranh thủ tích trữ nước trên các kênh rạch, ao… Cơ cấu sản xuất phải bố trí lại để thích ứng với điều kiện thời tiết. Nhà nước cần có cơ chế chính sách chủ động để ứng phó với thiên tai năm 2020 đặc biệt khan hiếm nguồn nước.
Người lao động