MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạn hán kỷ lục kéo dài đang gây thiếu điện tệ hại trên khắp thế giới

11-09-2022 - 12:53 PM | Tài chính quốc tế

Ảnh: GettyImages

Ảnh: GettyImages

Cuộc khủng hoảng thiếu điện tại California hiện đang căng thẳng nhất tính từ năm 2020 bởi nhu cầu tăng cao kỷ lục trong khi nguồn cung đi xuống.



Hạn hán kỷ lục trên khắp toàn cầu năm nay đã khiến cho các con sông và khu vực chứa nước cạn khô, đồng thời nó làm mất đi nguồn cung cấp điện tái sinh lớn nhất của thế giới: thủy điện.

Theo WSJ, nguồn điện được sản xuất từ dòng chảy các con sông chảy qua các đập ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ đã giảm đáng kể. Tại nhiều khu vực, nó cũng khiến cho các nhà máy và các lò luyện kim buộc phải đóng cửa trong nhiều tuần.

Cuộc khủng hoảng thiếu điện tại California hiện đang căng thẳng nhất tính từ năm 2020 bởi nhu cầu tăng cao kỷ lục trong khi nguồn cung đi xuống, trong đó phải kể đến tình trạng nhiều trạm sản xuất thủy điện hiện đang thiếu nước trầm trọng.

Khi mà chính phủ nhiều nước đang cố gắng giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tình trạng biến đổi khí hậu gây tổn hại đến tính bền vững của các nguồn năng lượng có nguồn gốc từ thiên nhiên, hạn hán cũng khiến cho nhiều người hoài nghi về việc thủy điện sẽ có vai trò thế nào trong việc đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng.

“Chúng ta đang trở nên phụ thuộc vào điện để phục vụ cho các nhu cầu của chúng ta ví như thủy điện hay nhiệt điện, tuy nhiên cùng lúc đó rủi ro với hệ thống năng lượng đang tăng lên. Đó là tình huống tiêu cực kép”, chuyên gia tại công ty tư vấn Baringa – ông Duncan Sinclair phân tích.

Việc sản lượng thủy điện, một công cụ sản xuất năng lượng vốn rất được tin tưởng, giảm hiện đang khiến cho nhiều người suy nghĩ lại về việc nó nên có vai trò ra sao trong hệ thống năng lượng vững vàng, theo các chuyên gia, nhà phân tích năng lượng và các nhà chính trị gia.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thuộc Liên hợp quốc (UN) công bố tần suất và độ dài của các đợt hạn hán đã tăng gần 30% tính từ năm 2000.

Giám đốc điều hành tại công ty quản lý điện độc lập California, ông Elliot Mainzer, nhận xét: “Toàn bộ ngành hiện nay đang cố gắng tính toán xem những sự kiện cực đoan như vừa qua sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến hạ tầng điện nếu xét đến vấn đề kế hoạch và áp lực lên hệ thống điện. Quá khứ giờ không còn có thể là chỉ báo cho tương lai nữa”.

Thủy điện cung cấp khoảng 16% tổng sản lượng điện trong năm 2021, tỷ lệ cao hơn tất cả nguồn năng lượng tái sinh khác cộng lại, số liệu của Hiệp hội Thủy điện Quốc tế (IHA) cho hay.

Tuy nhiên, tất cả các công nghệ thủy điện đều chịu ảnh hưởng bởi hạn hán. Các nhà máy sử dụng các dòng chảy sông để chạy tua bin đều hoạt động kém hơn do mực nước nông. Những nhà máy vận hàng bằng nước bơm vào bể chứa được sử dụng thay thế thì khó vận hành khi lượng nước mưa thấp và tỷ lệ nước bốc hơi cao hơn.

Nhiều khu vực của Trung Quốc đã trải qua mùa hè nóng và khô nhất trong 60 năm. Mực nước sông Dương Tử hiện thấp chưa từng có. Mực nước chảy sang các trạm thủy điện hiện tại chỉ còn bằng nửa so với trước đây. Chính vì vậy, chính quyền tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc đã buộc phải đóng cửa nhà máy tại 19 thành phố trong tháng trước nhằm tiết kiệm điện.

Nhà cung cấp cho Apple, Volkswagen AG và Toyota Motor Corp đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các quy định cắt điện.

Tại Mỹ, 2 khu vục hồ chứa nước lớn nhất nước này bao gồm hồ Mead và hồ Powell hiện đang có mức nước thấp nhất trong lịch sử. Các đợt sóng nhiệt ngập tràn miền Tây nước Mỹ trong thời gian qua đã khiến cho cơ quan khí tượng California buộc phải đưa ra cảnh báo với các đối tượng sử dụng điện nhằm ngăn áp lực lên hệ thống đồng thời phải tiến hành mọi biện pháp để có điện.

Còn đối với châu Âu, sự kết hợp của mực nước mưa thấp và đợt sóng nhiệt kỷ lục đã khiến cho một hệ thống vốn đã chịu khủng hoảng khi Nga giảm nguồn cung khí đốt thì lại phải chịu áp lực tệ hại hơn. Giá điện tại nhiều khu vực của châu Âu đã tăng rất cao trong nhiều tuần gần đây.

Theo Trung Mến

Nhịp sống doanh nghiệp

Trở lên trên