Hàn Quốc dẫn đầu thị trường tiêu thụ mực, bạch tuộc của Việt Nam
Năm 2018, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc tăng 23,7% đạt 269,8 triệu USD, chiếm tỷ trọng 40% tổng xuất khẩu của Việt Nam đi các thị trường.
- 25-01-2019Nguồn cung khan hiếm, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng
- 24-01-2019Xuất khẩu rau quả, gạo, thịt heo sang Trung Quốc dự báo gặp khó trong năm 2019
- 24-01-2019Việt Nam chi 1,72 tỷ USD nhập khẩu thủy sản trong năm 2018
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam kết thúc năm 2018 với mức tăng trưởng 8,3% so với năm 2017 đạt 672,3 triệu USD. Trừ xuất khẩu sang thị trường EU giảm do tác động của thẻ vàng, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang các thị trường khác đều tăng trưởng dương.
Tác động từ thẻ vàng của thị trường EU khiến xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang thị trường này giảm gần 22%. Nguồn cung nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu vẫn thấp, giá cao vẫn là những vấn đề của các nhà chế biến mực, bạch tuộc trong năm 2018. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang các thị trường chính trong năm 2018 so với 2017 không cao bằng của năm trước đó tuy nhiên năm 2018 vẫn được coi là một năm hoạt động suôn sẻ của các nhà xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam với giá trị xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN tăng lần lượt 24%, 4% và 15% so với năm 2017.
Trong 12 tháng của năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam chỉ giảm trong hai tháng 7 và 8, các tháng còn lại đều tăng trưởng dương. Xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam có xu hướng tăng trưởng mạnh trong quý cuối cùng của năm.
Nguồn: VASEP.
Trong tổng cơ cấu mực, bạch tuộc xuất khẩu của Việt Nam, mực vẫn chiếm ưu thế với 51,5%, còn lại bạch tuộc chiếm 48,5%. Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm mực, bạch tuộc sống/tươi/đông lạnh (chiếm tỷ trọng 67%), các sản phẩm chế biến vẫn chưa nhiều (33%).
Trong tổng cơ cấu các sản phẩm mực, bạch tuộc xuất khẩu, mực khô/nướng (HS 03) tăng trưởng mạnh nhất 38%; mực sống/tươi/đông lạnh (thuộc mã HS03) giảm mạnh nhất 18% so với năm 2017. Các sản phẩm bạch tuộc xuất khẩu trong năm 2018 đều duy trì được đà tăng trưởng dương so với năm 2017 trong đó giá trị xuất khẩu bạch tuộc chế biến (thuộc mã HS16) tăng tốt nhất 26%.
Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 40% tổng xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam đi các thị trường. Đây là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong top 7 thị trường nhập khẩu lớn nhất mực, bạch tuộc của Việt Nam. Năm 2018, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này tăng 23,7% đạt 269,8 triệu USD. Nhu cầu tiêu thụ ổn định cộng với lợi thế thuế quan từ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA) đã giúp duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ổn định của mực, bạch tuộc Việt Nam sang thị trường này.
EU là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn thứ 3 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 12,4%. Nếu như năm 2017, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang thị trường này đạt tốc độ tăng trưởng trên 50% thì năm 2018, xuất khẩu sang thị trường này giảm 21,7% đạt trên 83 triệu USD do tác động của thẻ vàng IUU. Xuất khẩu sang 3 thị trường nhập khẩu chính trong khối (Italy, Tây Ban Nha, Pháp) đều giảm lần lượt 30%, 8,3% và 1,2% so với năm 2017.
Năm 2019, VASEP dự kiến giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam tương đương với năm 2018. Ngành hải sản xuất khẩu trong đó có mực, bạch tuộc đang nỗ lực tập trung làm tốt công tác hồ sơ C/C để góp phần nhanh chóng gỡ bỏ thẻ vàng tạo tâm lý tốt để các nhà nhập khẩu đặt hàng nhiều hơn.
Nhịp sống kinh tế