Hàng bánh chưng rán nức tiếng ngõ chợ Thanh Hà: Qua 2 thế hệ và gần một thế kỷ vẫn vẹn nguyên hương vị thời thơ ấu, bí quyết gói gọn trong miếng mỡ gà và chiếc mâm nhôm
Hà Nội có vô số món ngon ấm bụng mùa đông, nhưng kiếm mỏi mắt cũng khó thấy chỗ nào bán món bánh chưng rán.
- 30-12-20202 lần đối diện với tử thần và mơ ước trở thành life coach của chàng trai liệt tứ chi: "Tàn tật hay bình thường, ai cũng đều có trái tim để yêu thương và cho đi"
- 02-01-2021Cô gái "vô danh" bỗng nổi tiếng nhờ lối sống ẩn dật trên núi cao, tự tay tạo nên một "vườn địa đàng" đẹp sững sờ
- 02-01-2021Gặp cô nữ sinh nhặt ve chai, rửa bát thuê nuôi 3 người bệnh tật rồi nhận học bổng 1 tỷ đồng: “Sinh ra em có 9 lạng, bố bảo bỏ đi nhưng mẹ quyết nuôi em”
5h chiều, tiếng người xe huyên náo cả một góc trời quanh khu chợ Đồng Xuân. Chật vật mãi mới thoát khỏi con phố nhỏ xíu, tôi vội rẽ ngay vào ngõ Thanh Hà trước khi mắc kẹt giữa dòng người chật cứng.
Tuy chỉ là con ngõ bé tí teo, chiều ngang chỉ đủ cho 2 xe tránh nhau đi ngược chiều, song ngõ chợ Thanh Hà nổi tiếng từ lâu vì nằm cạnh Ô Quan Chưởng, vẫn giữ được nét "chợ quê" hiếm có của Hà Nội xưa ngay trong lòng phố cổ.
Thanh Hà có rất nhiều món ẩm thực phong phú như canh bún, xôi, cháo, bánh mì, bún chả… rải rác dọc 2 bên phố, nhưng thời tiết lạnh như dịp cuối năm này thì ai cũng tìm đến hàng bánh chưng rán nhỏ xíu không tên nằm ở mái hiên ngôi nhà số 6. Chẳng phải bỗng dưng nhiều người lặn lội đường xa đến tận con ngõ chật hẹp này để ăn một miếng bánh, nếu được gặp gỡ trò chuyện với bà chủ hàng bánh chưng có thâm niên 31 năm tuổi và nếm thử món ăn trứ danh trên bếp than của bà thì mọi công sức đều xứng đáng.
"Mùa hè tôi bán sứa, mùa đông rán bánh chưng!"
Không phải ai cũng tìm thấy hàng bánh ngay lần đầu ghé thăm. Nó cũng chẳng có biển tên nên lại càng khó kiếm, cách đơn giản nhất để nhận ra chính là mùi thơm của bánh chưng! Bà chủ quán bánh luôn ngồi dựa lưng vào tường, bên cạnh là chiếc mâm nóng hổi với hàng chục cái bánh chưng vuông nho nhỏ, lớp mỡ sôi lách tách nghe thật êm tai.
Để được yên vị ngồi ăn bánh chưng không phải dễ. Ngõ rất bé, chỗ ngồi còn chẳng đủ nói gì chỗ để xe. Nhưng tôi may mắn nhờ được chỗ dựng xe nép sát vào mái hiên tiệm giặt là đối diện quán bánh, nên bữa quà chiều khởi đầu khá suôn sẻ. Mạnh dạn gọi 1 chiếc bánh chưng rán ăn kèm 2 lạp xưởng và dưa góp chua ngọt, tôi nép sát vào gần chỗ bếp cho đỡ lạnh. Gió chiều đông thổi qua con ngõ vun vút, ai đi đường cũng co ro xuýt xoa.
Hàng bánh này được khách quen gọi bằng chính tên bà chủ, nôm na là "bánh chưng rán cô Hiền". Gọi là cô nhưng người phụ nữ ngày ngày ngồi bên bếp rán bánh ấy đã 70 tuổi, có nụ cười vô cùng hiền hậu và lúc nào cũng nhẹ nhàng với khách. Dù tuổi đã cao song cô Hiền phục vụ khách siêu nhanh nhẹn, lại có trí nhớ tuyệt vời khi nhớ hết mọi order của khách. Chỉ cần gọi món đúng theo ý thích, 2 phút sau đã có đĩa bánh chưng rán kèm topping nóng hổi trên tay.
Bánh ở đây là loại vuông nhỏ cỡ 1 bàn tay người lớn. Mùi bánh thơm phức kèm theo lớp vỏ giòn vàng ruộm, tôi không nhịn nổi cơn thèm phải ăn ngay một miếng thật to đủ cả vỏ lẫn nhân thịt mỡ. Chao ơi, ta nói tiếng lành đồn xa, món bánh chưng rán cô Hiền đúng là ngon tuyệt phẩm, nuốt đến đâu ấm bụng đến đó, mang hương vị ký ức tuổi thơ y như những gì người ta mô tả. Bánh chưng rán mini từng là món quà sáng quen thuộc với vô số người, đặc biệt là thế hệ 8X 9X. Ngày ấy, một cái bánh có giá chỉ vài trăm đồng nhưng đủ no cả buổi, mùi vị thơm ngon của nó đọng mãi trong ký ức của bao người, muốn tìm lại thật khó vì bây giờ hàng bánh chưng rán mini thật hiếm hoi.
May mắn là hơn 30 năm qua, hàng bánh chưng vỉa hè của cô Hiền vẫn nằm đó. Cô cũng từng lên báo lên tivi, nhưng ít lắm, ấy thế mà khách kéo đến ăn quanh năm vẫn cứ đông, bởi món ngon thì chẳng cần quảng cáo nhiều, người Hà Nội sành ăn lắm, họ cứ tới theo thói quen và lời truyền miệng của nhau mà thôi. Hầu như ai ăn ở đây đều lân la trò chuyện dăm ba câu với bà chủ quán, song ít ai biết một bí mật đặc biệt là tuổi đời của hàng bánh chưng rán ngõ Thanh Hà thực tế đã gần một thế kỷ!
Vừa cẩn thận lật bánh cho đỡ cháy, cô Hiền vừa tâm sự với lối xưng hô nguyên nếp người Hà Nội xưa: "Ngày xưa mẹ tôi mở hàng bánh chưng rán ở đầu phố Hàng Chiếu kia cơ, đến đời tôi thì mới vào ngõ Thanh Hà thuê cửa nhà người ta để ngồi. Mẹ tôi bán chắc cũng hết nửa cuộc đời, năm nay bà 90 tuổi rồi nên đâu còn đủ sức mà bán nữa. Nhưng mối lấy bánh chưng thì vẫn thế, năm xưa có một ông đạp xích lô đến giao bánh cho mẹ tôi hàng ngày, bây giờ đến con gái ông ấy lại giao cho tôi, 2 thế hệ cùng duy trì kế nghiệp. Chỗ này tôi thuê từ năm 90, đến giờ là 30 năm tròn rồi, vẫn vậy. Mùa hè tôi bán sứa đỏ, mùa đông thì rán bánh chưng, khách cứ tự đến đây ăn thôi chứ tôi đâu có biết quảng cáo!".
Từ xa xưa, trong ngõ chợ có nhiều gia đình buôn bán lâm sản của các bè chở đến bến sông Hồng nên ngõ Thanh Hà còn gọi là ngõ Củ Nâu. Bây giờ chẳng còn ai nhớ đến cái tên cũ ấy nữa, những tiểu thương có công mở ra ngõ chợ sầm uất này cũng chẳng biết đã lưu lạc nơi đâu, hậu duệ có khi chẳng còn theo nghiệp kinh doanh nữa. Cô Hiền là một trong số những chứng nhân lịch sử hiếm hoi còn trụ lại trong con ngõ nhỏ, với một hàng bánh chưng đã trở thành "huyền thoại" khu phố cổ.
Bí mật đựng trong túi mỡ gà khiến hàng vạn người mê mẩn
Nhà cô Hiền ở bên ngõ Phất Lộc ngay gần Thanh Hà, nên ngày ngày cô đẩy chiếc xe nhỏ đựng đồ đạc lỉnh kỉnh ra chiếc vỉa hè thuê quen thuộc từ buổi trưa. Cô vẫn dùng chiếc bếp than cũ, sau khi chuẩn bị xong xuôi mới bóc từng chiếc bánh chưng nhỏ cho lên cái mâm nhôm. Bí quyết khiến bánh chưng của cô ngon nổi tiếng như vậy nằm ở chiếc túi nilon bé xíu cô cất ở đáy làn – một túi mỡ gà to, vàng ươm bóng bẩy do cô chọn lấy của hàng thịt gà ngay trong ngõ. Cô Hiền nói nhỏ: "Muốn rán bánh vàng giòn thơm phức thì phải dùng mỡ gà theo đúng cách nấu của các cụ hồi xưa, vì mỡ lợn có thể gặp con bị hôi và dễ bị cháy".
Toàn bộ quá trình rán bánh chưng đơn giản vô cùng, chỉ thả miếng mỡ gà cho nó tự chảy ra đến khi sun hết lại thành tóp mỡ, cầm chiếc muôi dẹt ép nhẹ bánh rồi di quanh mâm cho mỡ bám đều là được. Chiếc mâm to đùng, có khi xếp được tận 20 chiếc bánh chưng vuông mini cùng lúc. À, đúng vậy, một điểm đặc biệt nữa giúp bánh chưng rán của cô Hiền thơm ngon chính là nhờ công đoạn ép bánh, mỡ sẽ ngấm vào tận bên trong và những hạt gạo nếp sẽ nổ giòn, thơm ngậy quyến rũ, nóng hổi cả trong nhân chứ không để nguyên cả cái dày cộp giống bánh chưng to ngày Tết.
1 chiếc bánh chưng rán ở đây có giá 15.000 đồng. Trứng ốp la ăn kèm 5000 đồng/ quả, khách rất thích gọi lòng đào vì chẳng hiểu sao cô Hiền rán cũng ngon một cách khó tả. Lạp xưởng 10.000 đồng/ chiếc, dưa góp thì khuyến mãi gọi bao nhiêu cũng được. Đây có lẽ cũng là nơi duy nhất bán nửa cái bánh, bởi món này nhanh ngấy nhanh no, không phải ai cũng ăn hết được 1 chiếc nên cô Hiền bán rất xuề xòa, đủ cho cả những người lao động nghèo ghé qua có miếng ăn lót dạ.
"Hồi trước 1 cái bánh tôi bán 3000 đồng. Mỗi buổi túc tắc cũng hết cỡ 5 chục bánh. Tầm này năm ngoái tôi bán nhiều hơn nữa cơ, vì có cả khách nước ngoài, khách du lịch đi qua ngồi lại ăn. Năm nay do dịch nên ế ẩm hẳn, có những hôm dọn hàng xong vẫn còn cả chục cái, tôi xếp gọn lại rồi đẩy xe về, dọc đường người ta cũng hỏi mua nên về tới cửa nhà thì hết sạch". Mỗi năm cô chỉ nghỉ bán khi đau ốm hoặc lễ Tết, có khi nghỉ hết cả tháng Giêng đi lễ khiến khách quen hụt hẫng vô cùng.
Cái duyên đưa đẩy cô Hiền đi rán bánh chưng cũng khá dài. Thời còn son trẻ, cô làm công nhân nhà máy dệt thảm tận phố Ô Chợ Dừa, ngày ngày đạp xe hơn chục cây số đi đi về về cũng vất vả. Rồi nhà máy giải thể, cô về sắm đủ thứ để "khởi nghiệp" bán hàng rong như mẹ của cô. Thời đó, cô bán cả chè, cháo lẫn bánh chưng. Bà chủ tóc bạc phơ nhớ mãi ảnh mình quạt cháo buổi sớm được ai đó vô tình chụp lại đăng trên báo, với tên mục hình như là "Quà sớm Hà Nội". Chỉ một khoảnh khắc đẹp bình dị như thế mà cô được nhiều người biết đến hơn, có những gia đình ăn bánh chưng rán của cô tận 3 thế hệ không chán, đủ biết "tay nghề" của cô khéo léo như thế nào. 10 năm trước cũng có 1 vị khách nữ người Hàn đã chụp ảnh cô Hiền lúc đang mải rán bánh, một thời gian sau người ấy quay lại tặng cô bức hình khiến cô xúc động vô cùng.
Có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ vẫn vẹn nguyên trong ký ức của cô Hiền. Nhiều hôm đông khách bận rộn, cô bị mỡ bắn liên tục vào mặt đến mờ cả mắt, nhưng cô vẫn cần mẫn phục vụ khách. Rồi mỗi ngày ngồi 5-6 tiếng liên tiếp, cô bị đau lưng, nhức mỏi, xương khớp cũng không còn nhanh nhẹn như trước. Không ít lần con dâu thương cô nên bảo rằng thôi mẹ 70 tuổi rồi hãy nghỉ ngơi đi, lãi chẳng được mấy đồng, nhưng cô chỉ lắc đầu.
Bao năm ngõ chợ Thanh Hà ồn ào như thế, nắng mưa đổ xuống cô Hiền vẫn cần mẫn ngồi bên bếp lửa trước hiên nhà cũ, trời nhập nhoạng tối cô mới đứng dậy đi về. Dù già cả nhưng cô vẫn cố đi làm vì sợ buồn thôi, và cũng lo khách quen đến tìm chẳng thấy bóng dáng cô trong ngõ chợ. Nếu chẳng may một ngày nào đó cô không còn ngồi trước căn nhà số 6 nữa, phố Thanh Hà sẽ trống vắng biết bao. Và món bánh chưng rán tuổi thơ của cô sẽ không còn ai kế thừa nữa, để lại tiếc nuối vô bờ cho những ai từng được ăn và gắn bó với cái quán bé tí teo...
Pháp luật và Bạn đọc