MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng chục nghìn người phẫn nộ, Pháp "sốc và hỗn loạn": Ukraine vạ lây, ông Putin sắp nhận "quà lớn"?

01-07-2024 - 22:01 PM | Tài chính quốc tế

Hàng chục nghìn người phẫn nộ, Pháp "sốc và hỗn loạn": Ukraine vạ lây, ông Putin sắp nhận "quà lớn"?

"Đôi cánh bảo vệ" của ông Macron dành cho Kiev có thể bị "chặt đứt". Nước Pháp đang chìm trong "cú sốc và hỗn loạn" sau khi hàng chục nghìn người kéo xuống đường bày tỏ sự phẫn nộ.

- Hàng chục nghìn người Pháp biểu tình sau kết quả vòng 1 bầu cử Quốc hội.
- Đảng RN thắng thế mang lại những tác động lớn đối với tình hình Ukraine và nội bộ châu Âu, Nga bất ngờ hưởng lợi.

Hàng chục nghìn người phẫn nộ,

nước Pháp "sốc và hỗn loạn"

Hãng tin DW (Đức) ngày 1/7 đưa tin, hàng chục nghìn người tại một loạt thành phố trên lãnh thổ Pháp đã đổ xuống đường biểu tình sau khi Đảng Tập hợp quốc gia (RN, tên gọi cũ là Đảng Mặt trận Quốc gia) theo đường lối cực hữu của bà Marine Le Pen thắng thế trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp hôm 30/6.

Theo tờ Le Figaro, tại thủ đô Paris, khoảng 8.000 người biểu tình đã tập trung tại Quảng trường République, trong số này có cả các chính trị gia cánh tả.

Người biểu tình ném pháo sáng về phía cảnh sát trên Đại lộ Parmentier, buộc cảnh sát Pháp phải đáp trả bằng lựu đạn hơi cay. Truyền thông Pháp đăng tải các hình ảnh cho thấy tình trạng hỗn loạn ở "kinh đô ánh sáng", cửa kính bị phá vỡ và thùng rác lật úp, quăng quật trên đường.

Hàng chục nghìn người phẫn nộ, Pháp

Hàng chục nghìn người phẫn nộ, Pháp

Hàng chục nghìn người phẫn nộ, Pháp

Hàng chục nghìn người phẫn nộ, Pháp

Hình ảnh cuộc biểu tình tại Pháp ngày 30/6. Nguồn: BRIEF

Hoạt động biểu tình tương tự được ghi nhận ở các thành phố Nantes, Dijon, Lille và Marseille. Tại Lyon – thành phố lớn thứ 3 của Pháp, người biểu tình dựng rào chắn phong tỏa các con đường và bắt đầu ném chai lọ, pháo sáng về phía cảnh sát. Các vụ xô xát nhanh chóng leo thang, buộc cảnh sát dùng vòi rộng và hơi cay để trấn áp biểu tình, một số người đã bị thương.

Hãng tin Reuters nhận định, nước Pháp đang chìm trong "cú sốc và sự hỗn loạn".

Đường phố Pháp hỗn loạn vì đợt biểu tình lớn hôm 30/6. Nguồn: News9

Theo kết quả sơ bộ vòng 1 bầu cử Quốc hội Pháp, Đảng cực hữu RN của bà Le Pen dẫn đầu với 34% số phiếu. Đứng thứ hai là Liên minh Mặt trận nhân dân mới (NPF) với 28,1%. Đảng Phục hưng trung lập của Tổng thống Emmanuel Macron xếp thứ 3 với 20,3% phiếu bầu.

Reuters nhận định, kết quả này đã đánh dấu "chiến thắng lịch sử" cho Đảng RN, dù kết quả cuối cùng vẫn còn phụ thuộc vào vòng bầu cử thứ 2.

"Đảng RN đang tiến gần tới quyền lực hơn bao giờ hết" – Reuters viết.

Trong khi đó, ông Macron – người đã tuyên bố giải tán Quốc hội Pháp hôm 9/6 và kêu gọi tổ chức bầu cử lại sớm – đã nhận về một bước lùi lớn.

Người biểu tình bắn pháo sáng về phía cảnh sát. Nguồn: BRIEF

"Đôi cánh" của ông Macron có thể bị

chặt đứt, ông Putin sắp nhận "quà lớn"?

Theo tờ Politico, với khả năng chiến thắng tăng vọt, Đảng RN của bà Le Pen đang đe dọa "chặt đứt" đôi cánh của ông Macron trong các vấn đề liên quan tới Ukraine và quốc phòng Pháp. Trong khi đó, theo hãng tin Bloomberg, sự trỗi dậy của Đảng RN là một "món quà lớn" đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Chính sách chống nhập cư và phân bổ ngân sách do bà Le Pen đề xuất đã khiến các đồng minh châu Âu của Pháp lo ngại về việc mất đi tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ Kiev và châu Âu tại bàn đàm phán, cũng như mở ra viễn cảnh của những cuộc đấu đá nội bộ trong tương lai.

Điều này đồng thời gây rối loạn cho châu Âu và giảm khả năng đối đầu chung của châu Âu với Nga trong bối cảnh xung đột hiện tại.

Hàng chục nghìn người phẫn nộ, Pháp

Bà Le Pen đang đe dọa "chặt đứt" đôi cánh của ông Macron, từ đó làm lung lay các cam kết của Tổng thống Pháp đối với Ukraine. Ảnh: NBC News.

Trước đó, ông Macron luôn nhận được sự an ủi rằng, dù kết quả cuộc bầu cử Quốc hội có tồi tệ đến mức nào thì ông vẫn sẽ là Tổng thống hợp pháp của Pháp cho tới năm 2027, được giữ nguyên "quyền lực quân sự bất khả xâm phạm" đi kèm.

Tuy nhiên, bà Le Pen đang ra hiệu rằng, nếu Đảng RN giành được ghế Thủ tướng, ông Macron khó có thể dùng đặc quyền Tổng thống để vạch ra lộ trình chiến lược quốc gia của Pháp đối với vấn đề Ukraine, quốc phòng, ngoại giao và lựa chọn ủy viên EU.

"Liên quan tới cuộc chiến Ukraine, Tổng thống sẽ không thể gửi quân (hỗ trợ Kiev)" – Bà Le Pen nói trong cuộc phỏng vấn với Nhật báo Le Télégramme.

Hồi đầu tháng này, Macron thông báo đang "hoàn tất" kế hoạch gửi huấn luyện viên quân sự đến Ukraine, đồng thời hứa hẹn cung cấp máy bay chiến đấu cho Kiev. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, theo Bloomberg, không chắc ông Macron đã giữ được lời hứa của mình với Ukraine.

Tại Pháp, Tổng thống là người đứng đầu quân đội nhưng ngân sách nhà nước do chính phủ đề xuất, Thủ tướng quản lý và phải được Quốc hội phê chuẩn.

Trong phát biểu hôm 19/6, ông Jordan Bardella – thành viên Đảng RN đang có khả năng cao trở thành Thủ tướng Pháp tuyên bố: Nếu được bầu làm Thủ tướng, ông sẽ "không cung cấp cho Kiev tên lửa cho phép nước này tấn công lãnh thổ Nga".

"Tôi mong Ukraine có đủ đạn dược và thiết bị cần thiết để trấn giữ mặt trận, nhưng lằn ranh đỏ của tôi sẽ không thay đổi: Việc gửi trang thiết bị có thể gây ra hậu quả leo thang ở Đông Âu" – ông Bardella nói với các phóng viên.


Theo Minh Minh

Đời sống pháp luật

Trở lên trên