MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng điện tử cấm nhập vẫn ồ ạt về Việt Nam

31-07-2017 - 13:55 PM | Thị trường

Trong thời gian qua, lợi dụng chính sách ưu tiên hàng quá cảnh, hàng trung chuyển, chuyển khẩu, nhiều đường dây buôn lậu đã tuồn rất nhiều hàng lậu, hàng cấm nhập về các cảng lớn, trong đó có cảng Cát Lái (TPHCM).

Trước tình hình này, lực lượng Hải quan và các bên liên quan đã liên tục phát hiện, bắt giữ các vụ nhập khẩu hàng cấm, hàng buôn lậu, trong đó có cả thuốc lá lậu từ các nước phát triển quá cảnh vào Việt Nam để xóa nguồn gốc xuất xứ trước khi được tuồn vào thị trường nước thứ ba.

Dán mác "ván gỗ", "vải vụn" để nhập lậu hàng điện tử second hand

Theo Hải quan TPHCM, thời gian gần đây lực lượng chức năng liên tục phát hiện các vụ buôn lậu lớn, phổ biến nhất là nhập lậu các mặt hàng điện tử đã qua sử dụng từ Nhật Bản. Tiêu biểu như vào ngày 15.6, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sài Gòn khu vực 1 đã khám xét 3 container khai báo là tấm gỗ MDF của một Cty nhập khẩu về Việt Nam. Do nghi vấn nên các lực lượng chức năng tiến hành mời doanh nghiệp này lên làm việc nhưng sau nhiều lần gửi giấy mời, doanh nghiệp này vẫn không đến nên buộc Hải quan phải tiến hành kiểm tra thực tế.

Đúng như nghi vấn, bên trong 3 container này là hơn 1.100 máy điều hòa không khí đã qua sử dụng với đủ loại thương hiệu nổi tiếng. Theo lực lượng chức năng, với số hàng này, nếu như doanh nghiệp trên nhập trót lọt thì số tiền thu được sau khi bán có thể lên đến hơn 3 tỉ đồng. Đây được xem là lô hàng cấm nhập khẩu lớn nhất từ đầu năm đến nay bị Hải quan phát hiện.

Tiếp sau vụ này, đến ngày 5.7, Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn KV1 lại tiếp tục phát hiện một container khả nghi. Theo hồ sơ, container này được một doanh nghiệp có trụ sở tại Bình Dương nhập khẩu từ Nhật Bản về cảng Cát Lái với mặt hàng khai báo là vải vụn. Phát hiện nghi vấn, Hải quan đưa container vào diện theo dõi đặc biệt, đồng thời mời doanh nghiệp nhập khẩu lên làm việc nhưng không được phối hợp. Sau khi mở niêm phong, lực lượng chức năng phát hiện có hơn 200 máy điều hòa, 225 nồi cơm điện, 133 máy xử lý không khí, loa thùng, tủ lạnh, máy quạt… Tất cả các mặt hàng trên đều đã qua sử dụng và thuộc danh mục cấm nhập khẩu vào Việt Nam.

Không chỉ nhập lậu các mặt hàng điện tử, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đã sử dụng chiêu quá cảnh hàng tại cảng Việt Nam để xóa nguồn gốc hàng cấm trước khi nhập vào thị trường nội địa của nước họ. Tiêu biểu cho kiểu lợi dụng kẻ hở này là trường hợp phát hiện 2 container chứa đầy thuốc lá nhập lậu tại cảng Cát Lái vào ngày 7.7 vừa qua.

Theo Hải quan Cảng Sài Gòn KV1, đây là lô hàng của một công ty có trụ sở tại Malaysia, khai báo là nhập từ Đài Loan - Trung Quốc, sau đó trung chuyển tại Việt Nam rồi xuất sang Malaysia từ tháng 4 năm 2017 tại cảng Cát Lái. Chủ lô hàng khai báo là hệ thống đánh lửa như bugi, tuy nhiên do có nhiều biểu hiện nghi vấn, cơ quan chức năng đã nhiều lần mời hãng tàu vận chuyển lô hàng trên làm việc nhưng đều không có mặt.

Sau đó, Đội Kiểm soát chống buôn lậu miền Nam, thuộc Tổng Cục Hải quan phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn KV1 đã tiến hành kiểm tra 2 container trên. Tiến hành khám xét, cơ quan chức năng phát hiện bên trong có chứa đến 2020 thùng, tương đương hơn 1 triệu gói thuốc lá có xuất xứ từ Anh, Italia. Theo cơ quan chức năng, việc chủ lô hàng trung chuyển vào Việt Nam nhằm mục đích xóa dấu vết đường đi, để thẩm lậu vào thị trường Malaysia. Hiện toàn bộ lô hàng đã được niêm phong để tiếp tục điều tra làm rõ.

Dùng đủ "chiêu trò" qua mắt Hải quan

Theo Hải quan TPHCM, ngoài những thủ đoạn như nhập nhiều khai ít, cố ý khai sai nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, mã số quản lý mặt hàng, hiện các đối tượng buôn lậu còn sử dụng thủ đoạn lợi dụng hàng quá cảnh, trung chuyển, chuyển khẩu để buôn lậu, nhập hàng cấm vào Việt Nam. Quá trình làm việc, điều tra các vụ buôn lậu, hầu hết các doanh nghiệp khai trên hồ sơ đều là doanh nghiệp ma, nếu không thì cũng thuê mướn giám đốc, trong đó có nhiều giám đốc là sinh viên đang đi kiếm việc làm.

Trong thời gian đã qua của năm 2017, Hải quan TPHCM đã phát hiện hơn 700 vụ, khởi tố 14 vụ liên quan đến buôn lậu, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 5 vụ, phạt tiền tịch thu hơn 18 tỉ đồng. Cũng theo Hải quan TPHCM, loại hàng vi phạm trong thời gian qua chủ yếu là hàng điện lạnh, điện tử đã qua sử dụng, sản phẩm động vật hoang dã như ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê. Với tình trạng trên, trước mắt các cơ quan chức năng đã để mắt đến các hành vi như thường xuyên sửa chữa tờ khai hải quan, khai báo mập mờ trong hồ sơ doanh nghiệp.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay trên địa bàn TPHCM có rất nhiều điểm kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng. Dù chất lượng tuy không được như hàng mới nhưng với giá rẻ nên những mặt hàng này vẫn có được nhiều người có thu nhập thấp ưa chuộng. Theo một thợ chuyên sửa máy lạnh tại quận 10 thì đa phần các mặt hàng máy lạnh cũ nhập về đều được các tiệm "phù phép" bằng cách thay vỏ mới, dán thương hiệu bình dân rồi bán cho người tiêu dùng. Một số loại còn tốt nhưng không có vỏ thay thì họ lấy linh kiện thay thế khi khách hàng cần.

Còn theo một nhân viên bán đồ điện gia dụng tại quận Tân Phú thì các loại nồi cơm điện, máy đun nước siêu tốc có nguồn gốc từ Nhật Bản bán rất chạy bởi không chỉ giá rẻ mà còn rất bền so với hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan. Tất nhiên, do là hàng cấm nên việc bán các mặt hàng này không được công khai, chỉ bán cho khách quen hoặc bỏ sỉ cho các đại lý ở miền Tây, bởi nếu lực lượng chức năng phát hiện được sẽ phạt rất nặng, thậm chí là bị tước giấy phép kinh doanh, số hàng nhiều có thể bị khởi tố.

Theo Trường Sơn

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên