Hàng giả, hàng kém chất lượng: Cuối năm lại “bùng phát”
Vấn nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vốn âm ỉ từ trước đến nay, dịp cuối năm lại bùng lên mạnh mẽ. Tại một tọa đàm về chống hàng giả, hàng nhái vi phạm sở hữu trí tuệ mới đây, đại diện các bên gồm: Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (BCĐ389), Bộ Công an, Cục Sở hữu trí tuệ… đều chung ý kiến: Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng sống của người tiêu dùng.
- 04-11-2017Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Chống buôn lậu, hàng giả đâu chỉ riêng trách nhiệm Bộ Công thương
- 03-11-2017Vụ VN Pharma: Phải xử tội buôn bán hàng giả...
- 30-10-2017Từ vụ Khaisilk: Người tiêu dùng hằng ngày phải đối mặt với ma trận hàng giả
Hàng giả, hàng nhái “bán công khai, sản xuất trong bóng tối”
Ông Trương Quang Ba - Phó Văn phòng BCĐ389 - cho biết: Từ năm 2014 đến tháng 10.2017 đã phát hiện 44.546 vụ về hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ. Riêng trong 10 tháng năm 2017 đã phát hiện 3.863 vụ, trong đó có những vụ lớn như Khaisilk là vụ điển hình. Mới đây nhất là vụ 13.000 lọ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc được “vô chai” tại Hà Đông, nhưng khi rao bán trên mạng lại được “khoác áo” mỹ phẩm từ Hàn Quốc, Nhật Bản…
Nhiều mặt hàng giả được sản xuất từ Trung Quốc hầu hết được tập kết từ các tỉnh phía Bắc, giáp biên giới rồi vận chuyển dần vào TPHCM tiêu thụ. Tùy từng loại hàng mà bọn chúng vận chuyển trên từng loại phương tiện cho phù hợp, điểm lại các vụ vi phạm, thì nạn buôn bán các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược… “nhái” chiếm số lượng không nhỏ. Gần đây nhất là vụ phát hiện lô hàng trị giá 11 tỉ của Cty TS. Các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được dán mác Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng thực ra được đóng gói tại Hà Đông (Hà Nội).
Sáng 24.10, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM vừa tổ chức tiêu hủy số lượng hàng mỹ phẩm lớn. Trước đó, Đội QLTT bắt quả tang một xe tải đang chuyển mỹ phẩm từ kho chứa hàng lên xe, gồm 1.800 chai dầu gội loại 665ml hiệu Suave, 900 chai dầu gội hiệu Pantene Pro-V do Mỹ sản xuất. Khi kiểm tra tại kho ở đường Lê Văn Chí (Thủ Đức, TPHCM), Đội QLTT 2A phát hiện hơn 135.000 đơn vị các sản phẩm sữa tắm, chai xịt khử mùi, kem đánh răng, thuốc nhuộm tóc các loại và hơn 12.000 đơn vị sản phẩm các loại nước tăng lực, bột càphê, nước trái cây... Tất cả đều không có hóa đơn, chứng từ.
Mới đây, tổ Kiểm soát Hải quan thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) cũng phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển 700 sản phẩm mỹ phẩm các loại không rõ nguồn gốc, nhập lậu, gồm: 168 tuýp sữa rửa mặt nhãn hiệu Ininisfree, 48 lọ nước hoa nhãn hiệu Gucci, 96 lọ nước hoa nhãn hiệu Bvlgari Women, 384 lọ nước hoa Tom ford black, trị giá khoảng 80 triệu đồng. Theo Cục Hải quan Quảng Ninh thì mỹ phẩm nhập lậu qua biên giới được trà trộn với hàng hóa khác để tránh bị phát hiện.
Không thể chỉ mãi “cắt phần ngọn”
“Các giải pháp, chính sách của Nhà nước vẫn chỉ mới cắt ngọn vấn nạn, chưa đủ cách thức và sức nặng răn đe để loại trừ vấn nạn từ gốc rễ. Cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ một đánh giá nào thống kê đầy đủ về những thiệt hại do vấn nạn hàng giả, hàng nhái gây ra, nhưng chắc chắn, thiệt hại của chúng gây ra cho nền kinh tế là cực lớn.” - Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú trong nhiều lần trao đổi với PV Báo Lao Động luôn nhấn mạnh.
PGS.TS Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng BCĐ389 quốc gia - cho rằng: Hàng năm, nạn buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng nhái làm thất thu ngân sách nhà nước hàng ngàn tỉ đồng. Hàng giả hiện diện khắp mọi nơi từ phân bón, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm... đến cả thức ăn hằng ngày cũng bị giả. Tuy nhiên, những vụ việc phát hiện chưa tương xứng với tình hình thực tế đời sống xã hội và vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Có nhiều nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái còn tồn tại như bất cập trong cấp phép, quản lý các quy chuẩn hợp quy; có nhiều cơ quan quản lý nhưng không ai chịu trách nhiệm chính; nhiều bộ, ngành, địa phương tham gia nhưng công tác phối hợp thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ. Trong khi đó, lợi nhuận từ hàng gian, hàng giả rất lớn.
Vì vậy, người làm hàng giả bất chấp đạo đức nghề nghiệp, sản xuất hàng giả để thu lợi bất chính. Tội phạm thường tổ chức sản xuất hàng giả ở nhiều nơi, mỗi nơi một khâu, sau đó chuyển đến nơi tập kết để lắp ráp hoàn chỉnh rồi đưa đến nơi tiêu thụ. Nên khi bị phát hiện ở một khâu, một công đoạn nào đó thì các đối tượng có thể nhanh chóng tẩu tán tang vật ở những khâu khác nhằm tiêu hủy chứng cứ. Luật gia Phan Thị Việt Thu - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM - cũng cho rằng, vấn nạn hàng gian, hàng giả đang gia tăng. Nguyên nhân do luật pháp còn nhiều sơ hở và bất cập trong quản lý; trong khi đó, biện pháp chế tài chưa đủ mạnh, chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan chức năng; người tiêu dùng khi mua phải sản phẩm giả cũng ngại kiện cáo do nắm chưa vững luật pháp.
Để đấu tranh với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, cần sớm hoàn thiện các quy định về thực thi quyền Sở hữu Trí tuệ vì các điều quy định trong Luật phải được hướng dẫn cụ thể để các cơ quan thực thi pháp luật có thể áp dụng một cách thống nhất. Đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, cơ quan có liên quan với bộ phận quản lý thị trường, đồng thời tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ đủ năng lực, trình độ cho bộ phận này cũng như tăng cường các phương tiện cần thiết cho việc giám định, kiểm tra để xử lý kịp thời, chính xác các hành vi vi phạm.
Lao động