MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng hóa chứa Phthalate, Cadimi và Amiăng bị “cấm cửa” vào EU

17-11-2018 - 09:01 AM | Thị trường

Sản phẩm hàng hóa chứa chất Phthalate, Cadimi và Amiăng... đứng đầu về vi phạm quy định REACH của EU.

Thông tin này được TS. Jan Nylund, chuyên gia hóa chất từ Công ty TNHH Chemetors (Phần Lan) đưa ra tại Hội thảo về các quy định pháp lý liên quan đến hóa chất đối với hàng hóa nhập khẩu vào EU tổ chức tại Hà Nội vào ngày 16/11.

Hàng hóa chứa Phthalate, Cadimi và Amiăng bị “cấm cửa” vào EU - Ảnh 1.

Sản phẩm chứa Amiăng đứng thứ ba về vi phạm quy định REACH.


Việc kiểm tra hóa chất được tiến hành theo các nhóm hàng hóa chính, gồm thiết bị điện; đồ chơi; đồ thể thao giải trí; vật phẩm xây dựng, thiết kế nội thất; quần áo, giày dép và phụ kiện.Ông Jan Nylund cho hay, việc kiểm tra hóa chất đối với các hàng hóa vật phẩm nhập khẩu vào EU rất chặt chẽ, từ sản phẩm phức tạp như ô tô, đồ điện tử… đến miếng dán 3D đều phải qua quá trình kiểm tra rất kỹ càng.

Kết quả kiểm tra hóa chất năm 2016 đối với 5.625 sản phẩm tại EU cho thấy, mức độ không tuân thủ chung quy định đăng ký, đánh giá, cấp phép và hạn chế sử dụng hóa chất (quy định REACH) chiếm 18%. Trong đó, sản phẩm đồ chơi chứa chất Phthalate đứng đầu bảng về vi phạm REACH (chiếm 19,7%), theo sau là hợp kim vảy hàn cứng có chất Cadimi (14,1%) và sản phẩm có Amiăng (13,6%).

Nếu muốn tránh rủi ro xuất hàng sang EU, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ từng hóa chất có trong sản phẩm của mình và nhận thức đầy đủ về quy định REACH. Không thực hiện đầy đủ quy định REACH, hàng hóa xuất sang EU sẽ bị từ chối thông quan, ông Nylund khuyến cáo.

Hàng hóa chứa Phthalate, Cadimi và Amiăng bị “cấm cửa” vào EU - Ảnh 2.

Ông Jani Maatta, TGĐ Công ty TNHH Chemetors (Ảnh: Hồng Quang)


Theo đánh giá của ông Jani Maatta, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chemetors, việc EU áp dụng quy định REACH đã tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng từ sản xuất, cung ứng đến nhập khẩu.


Quy định REACH được công bố từ tháng 6/2007. Từ năm 2008, EU bắt đầu áp dụng REACH và yêu cầu các nhà sản xuất và nhập khẩu hàng hóa vật phẩm chứa hóa chất có hàm lượng trên 1.000 tấn/nhà sản xuất hay nhà nhập khẩu/năm phải khai báo và đăng ký thực hiện REACH. Đến năm 2013, mức này được EU hạ xuống còn trên 100 tấn/nhà sản xuất hay nhà nhập khẩu/năm.

Sang năm 2018, quy định REACH càng bị siết chặt khi EU yêu cầu nhà sản xuất và nhà nhập khẩu hàng hóa vào EU phải thông báo cho Cơ quan Hóa chất châu Âu (ECHA) nếu hóa chất trong hàng hóa đó nằm trong Danh mục hóa chất có mức độ quan ngại cao (SVHC), có hàm lượng từ 1 tấn/nhà sản xuất hay nhà nhập khẩu/năm và chiếm tỷ trọng 0,1% trọng lượng hàng hóa.

Nhìn lại 10 năm áp dụng quy định REACH, ông Maatta đánh giá, việc thực hiện REACH đem lại những kết quả có lợi, giúp đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, khuyến khích nhà sản xuất áp dụng các biện pháp tái chế hóa chất.

Đối với những quốc gia không phải thành viên EU như Việt Nam, ông Maatta cho rằng, các nhà sản xuất ở đây có thể thuê một đại diện duy nhất (OR) để tiến hành đăng ký thực hiện REACH, triển khai các bước đàm phán, tư vấn và thực hiện các dịch vụ liên quan đến REACH khi muốn xuất hàng vào EU.

Nhưng ông Maatta khuyến cáo, nhà sản xuất phải hết sức thận trọng khi lựa chọn OR, bởi OR thường yêu cầu họ phải cung cấp đầy đủ thông tin và thành phần sản phẩm (có thể liên quan đến bí mật thương mại). Mức phí thuê dịch vụ đăng ký REACH tùy thuộc vào mức độ tư vấn và quy mô nhà sản xuất.

Hàng hóa chứa Phthalate, Cadimi và Amiăng bị “cấm cửa” vào EU - Ảnh 3.

Ông Kari Kahiluoto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam (Ảnh: Hồng Quang)


Ông Kari Kahiluoto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam cho rằng, EU - một thị trường rộng lớn với 500 triệu dân - đề ra các tiêu chuẩn, quy định đối với hàng hóa, trong đó có quy định REACH là dựa trên cơ sở thực hành tốt nhất, giúp định hướng thương mại quốc tế.


Bằng việc tuân thủ quy định REACH, các nhà xuất khẩu phải điều chỉnh sản xuất cho phù hợp. Nếu thực hiện tốt quy định REACH thì nhà sản xuất cũng là đối tượng được hưởng lợi nhiều. “Ban đầu nếu thực hiện các quy định như REACH, các doanh nghiệp cần phải nỗ lực và có nguồn kinh phí thực hiện, nhưng về lâu dài sẽ tạo ra hàng hóa chất lượng tốt hơn, đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu,” Đại sứ Phần Lan nhận định.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quy định và thủ tục thực hiện REACH tác động trực tiếp tới các nhà sản xuất, xuất khẩu hóa chất và các sản xuất như gỗ, sơn và dệt may…

Hiện còn nhiều doanh nghiệp chưa xác định được liệu sản phẩm của họ có được xuất vào EU không. Do đó, cần công bố rộng rãi các quy định pháp lý liên quan đến hóa chất đối với hàng nhập khẩu vào EU và thủ tục thực hiện quy định REACH, ông Phòng khuyến nghị./.

Theo Hồng Quang

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên