Hàng hóa ngày 12/4: Giá dầu lên đỉnh 3 năm, vàng đắt nhất 4 tháng, palađi, nhôm, đậu tương, cao su cùng bật mạnh
Trong khi các hàng hóa tăng đồng loạt thì giá đường vẫn giảm và chạm đáy 2 năm rưỡi.
- 11-04-2018Hàng hóa ngày 11/4: Giá đồng loạt tăng cao, mạnh nhất là dầu, nhôm và đậu tương
- 10-04-2018Thị trường hàng hóa ngày 10/4: Dầu khí, vàng, cao su, gạo và lúa mì đồng loạt tăng giá
- 07-04-2018Hàng hóa ngày 7/4: Dầu thô sụt mạnh, đường mất giá 6 tuần liên tiếp còn cao su và gạo bật tăng cao
Dầu cao nhất hơn 3 năm
Giá dầu thô đã tăng mạnh trong phiên vừa qua, lên mức cao nhất hơn 3 năm sau khi Saudi Arabia cho biết đã chặn được tên lửa nã vào Riyadh, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Nga về việc sắp hành động quân sự ở Syria. Dầu Brent tăng 1,02 USD lên 72,06 USD/thùng vào lúc đóng cửa, trong phiên có lúc đạt 73,09 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 1,31 USD lên 66,82 USD/thùng (tăng 2%), sau khi có lúc đạt 67,45 USD.
Syria không phải là nước sản xuất dầu quan trọng, nhưng bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy xung đột gia tăng trong khu vực đều gây lo ngại về nguồn cung dầu thô từ khu vực Trung Đông ra toàn cầu. Thông tin về vụ tên lửa ở Riyadh khiến lo ngại dâng cao, bởi Mỹ có thể kéo dài lệnh trừng phạt đối với Iran.
Tuy nhiên, một yếu tố đang gây áp lực giảm giá dầu. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, dự trữ dầu của nước này trong tuần đến 6/4 tăng 3,3 triệu thùng, trái ngược với dự báo của giới phân tích là sẽ giảm 189.000 thùng.
Vàng cao nhất hơn 4 tháng
Giá vàng cũng tăng mạnh vào đầu phiên và giảm nhẹ vào cuối phiên, tuy nhiên lúc đóng cửa giao dịch, vàng giao ngay vẫn tăng 0,8% so với phiên trước đó, lên 1.349,91 USD/ounce, trong khi vàng giao tháng 6 tăng 14,1 USD (1,1%) lên 1.360 USD/ounce. Đầu phiên, có lúc giá đạt 1.365,23 USD/ounce, cao nhất kể từ 25/1 do căng thẳng leo thang ở Syria, Mỹ trừng phạt Nga và căng thẳng Mỹ - Trung khiến chứng khoán toàn cầu và chỉ số đồng USD giảm, trong đó dollar index xuống mức thấp nhất gần 2 tuần.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khẳng định nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ. Biên bản cuộc họp mới nhất của Fed (ngày 20-21/3) chỉ ra các nhà hoạch định chính sách của Fed đều nhận định kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn, và lạm phát sẽ mạnh lên trong những tháng tới. Dự báo Fed sẽ giữ nguyên lãi suất hiện tại trong cuộc họp vào đầu tháng 5 tới, nhưng sẽ tăng tiếp vào giữa tháng 6.
Palađi cao nhất 2 tuần
Giá palađi kết thúc phiên tăng 1% lên 961,50 USD/ounce, sau khi có lúc đạt 971,30 USD – cao nhất 2 tuần. Kim loại này đã tăng giá ngoạn mục 56% trong năm 2017 và có mức cộng cao kỷ lục gần 155 USD/ounce so với bạch kim. Sau khi lập mức đỉnh cao 1.138 USD/ounce vào tháng 1, kim loại quý này đã giảm 20% kể từ đó. Tuy nhiên, yếu tố cơ bản cho thấy nguồn cung vẫn khan hiếm nên hiện giá vẫn cao hơn 40% so với mức trung bình của 10 năm qua. Căng thẳng Mỹ - Nga khiến cho giới đầu tư đang quay trở lại với kim loại, trong đó có palađi, vì Nga chiếm hơn 40% sản lượng toàn cầu. Các nhà phân tích của GFMS dự báo giá sẽ ổn định trong khoảng 850 – 900 USD/ounce hoặc cao hơn thế trong 12 tháng tới.
Nhôm cao nhất 11 tuần
Giá nhôm tiếp tục tăng phiên thứ 6 liên tiếp, lên mức cao nhất 11 tuần, do lo ngại sẽ thiếu cung sau khi Mỹ trừng phạt tập đoàn Rusal của Nga – một trong những hãng sản xuất nhôm lớn nhất thế giới. Hợp đồng chuẩn tại London có lúc lập đỉnh 2.277,50 USD/tấn, mức cao nhất kể từ 24/1, và kết thúc phiên tăng 2,2% lên 2.250 USD/tấn. mức cộng nhôm giao ngay trên sàn Thượng Hải cũng tăng 5 USD lên 135 USD/tấn, trong khi mức cộng nhôm tại sàn Comex (Mỹ) tăng lên 20 US cent/lb (456 USD/tấn), từ mức 18,4 US cent của phiên 6/4 (mức cao nhất 3 năm). Robin Bhar, trưởng bộ phận nghiên cứu kim loại của Societe Generale (ở London) cho biết: "Tôi chưa thể nghĩ ra làm thế nào thị trường có thể tìm được nguồn thay thế cho sản phẩm của Nga".
Đậu tương tăng tiếp
Giá đậu tương tiếp tục tăng trong gần suốt phiên giao dịch vừa qua, với hợp đồng giao sau 1 tháng có lúc đạt 10,64 USD/bushel, và chỉ quay đầu giảm vào nửa giờ cuối cùng của phiên giao dịch, khi các nhà đầu tư bán chốt lời. Triển vọng nguồn cung mặt hàng này sẽ trở nên khan hiếm do nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới là Argentina bị hạn hán nghiêm trọng làm giảm sản lượng.
Từ nước xuất khẩu đậu tương, Argentina vừa trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất trong vòng 20 năm của Mỹ. Chỉ trong ngày 10/4 vừa qua, Argentina đã mua 120.000 tấn đậu tương Mỹ kỳ hạn giao trong năm marketing 2018-19, mức cao chưa từng có kể từ năm 1997. Và ngày 11/4 họ mua tiếp 120.000 tấn. USDA dự báo sản lượng đậu tương Argentina sẽ chỉ đạt 40 triệu tấn, thấp nhất kể từ năm 2009. Trong bối cảnh Trung Quốc dọa trả đũa Mỹ bằng thuế đậu tương thì sản lượng giảm ở Argentina khiến tình hình càng thêm nghiêm trọng.
Nhu cầu đậu tương nhập khẩu của Trung Quốc lên tới khoảng 40 tỷ USD mỗi năm. Để chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất, Trung Quốc sẽ điều chỉnh giảm giá sàn lúa mì bán đấu giá kể từ ngày 18/4, đồng thời tăng cường bán ra ngô từ kho dự trữ chính phủ.
Gạo có nhu cầu tốt
Thị trường gạo liên tiếp đón nhận thông tin về nhu cầu của một số nhà nhập khẩu lớn. Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia (Bulog) đang tìm mua khoảng 50.000 tấn gạo Pakistan, dự báo sẽ qua một cuộc đấu thầu vào ngày mai 13/4. Gạo tìm mua là loại 5% tấm và 15% tấm. Trước đó, hôm 21/3 Bulog cũng đã mua 50.000 tấn của Pakistan, kỳ hạn giao trước 31/5. Hôm 20/3 Bulog thông báo kế hoạch nhập khẩu tổng cộng 500.000 tấn gạo trước khi kết thúc tháng 6 để cải thiện nguồn cung và làm giảm giá trong nước. Các thương gia châu Âu cho biết có vẻ như họ sẽ nhập khẩu nhiều hơn mức 500.000 tấn.
Trong khi đó, Bangladesh mặc dù đang nhập khẩu chậm lại sau khi đã mua khối lượng cao kỷ lục trong tài khóa này, tuy nhiên dự báo trong niên vụ 2018/19 Bangladesh sẽ tiếp tục mua khoảng 1,2 triệu tấn gạo.
Cao su tăng
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Tokyo tiếp tục tăng 3 phiên liên tiếp. Hợp đồng giao tháng 9 tăng 1,6 yen lên 181,8 JPY (1,7 USD)/kg vào lúc đóng cửa, sau khi có lúc đạt 182,4 JPY, cao nhất kể từ 2/4. Tuy nhiên, dự trữ cao su ở cả Nhật Bản và Trung Quốc đang tăng, tiếp tục cản trở đà tăng giá. Do đó, hợp đồng giao tháng 9 tại Thượng Hải kết thúc phiên giảm 75 NDT xuống 11.480 NDT (1.828 USD)/tấn.
Đường thấp nhất hai năm rưỡi
Giá đường giảm xuống mức thấp nhất 2,5 năm do áp lực bán mạnh từ các nước nhà sản xuất Thái Lan và Brazil. Đường thô giao tháng 5 giảm 0,07 US cent tương đương 0,6% xuống 12,06 US cent/lb, trong phiên có lúc giá chỉ 11,93 US cent, thấp nhất kể từ cuối tháng 9/2015. Nguồn cung vốn đã dồi dào trong khi Ấn Độ kế hoạch sẽ bổ sung nguồn cung của mình cho thế giới. Gần như chắc chắn Ấn Độ sẽ hỗ trợ tài chính cho người trồng mía để họ bán đường cho các nhà máy, với mức hỗ trợ ước khoảng 55 rupee (0,8 USD) cho mỗi tấn mía.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h30 sáng