MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Bán mía được trả bằng... đường

10-01-2015 - 15:34 PM | Thị trường

Hàng chục ngàn tấn mía của nông dân tại tỉnh Gia Lai được đại lý thu mua rồi nhập về cho Nhà máy đường Bình Định (huyện Tây Sơn, Bình Định) nhưng hầu hết không được thanh toán bằng tiền mặt mà được nhà máy trả bằng... phiếu đường.

Ông Thiều Xuân Chung - chủ nhiệm HTX Xuân Chung (thôn 4, xã An Thành, huyện Đắk Pơ) - ngao ngán: “Suốt mấy tuần nay người dân gọi điện thoại đòi nợ liên tục nhưng nhà máy lại nợ tiền của tôi nên chẳng biết phải làm gì ngoài ăn rồi ngồi đợi!”.

Theo ông Chung, từ đầu vụ đến nay HTX đã nhập cho Nhà máy đường Bình Định trên 3.000 tấn mía, nhưng hầu hết không được nhà máy đường trả bằng tiền mặt mà bằng... phiếu đường.

“Mỗi lần nhập mía xuống, nhà máy lại xuất cho chúng tôi một phiếu đường tương đương với số mía đã nhập với lý do nhà máy hiện đang khó khăn về tài chính. Tuy nhiên mức giá đường mà nhà máy bán cho chúng tôi cũng cao hơn giá thực tế mà chúng tôi bán được cho thương lái.” - ông Chung nói.

Theo ông Chung, mức giá đường mà các chủ mía được thanh toán là 11.100 đồng/kg. Số đường quá lớn nên nông dân không thể vận chuyển về nhà mà phải bán lại cho đầu mối thu mua tại cổng nhà máy đường.

Để liên hệ với các đầu mối này, Nhà máy đường Bình Định lại tiếp tục đứng ra làm trung gian và khi đường đến tay được các đầu mối thì mức giá chỉ còn... 10.900 đồng/kg. Nhiều chủ đại lý nhập mía cho Nhà máy đường Bình Định cũng cho biết đã được lãnh đạo nhà máy thông báo về tình hình khó khăn hiện nay của đơn vị này.

Người trồng mía đã làm ăn với Nhà máy đường Bình Định lâu dài nên rất chia sẻ, các đại lý đã đồng ý nhận phiếu đường thay vì tiền mặt để hỗ trợ công ty thời điểm khó khăn.

Tuy nhiên với cách thu mua nguyên liệu và mức đường hoàn trả cho nông dân như hiện tại thì nhà máy đang khiến người dân thiệt thòi quá nhiều.

Ông Mang Viên Tý - trưởng Phòng kinh tế hạ tầng thị xã An Khê, địa phương có diện tích mía cung cấp cho Nhà máy đường Bình Định rất lớn - cho biết hiện nông dân, các đại lý đang rất bức xúc với hình thức thanh toán của nhà máy này. Việc nông dân chấp nhận lấy phiếu đường là do “sợ nhà máy nợ tiền quá lâu” như các niên vụ trước.

“Chúng tôi sẽ làm việc với Nhà máy đường Bình Định để đề nghị đơn vị có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân” - ông Tý nói.

“Một mùa mía chúng tôi nhập hàng ngàn tấn vào nhà máy, quy ra tiền lên tới hàng tỉ đồng. Nhưng không được nhận tiền mà lại nhận bằng phiếu đường, việc bán một số lượng đường như thế đối với nông dân là không thể nên phải thông qua nhà máy làm trung gian. Tuy nhiên, mỗi ký đường bán ra chúng tôi bị thiệt 200 đồng, với số mía nhiều thì số tiền đó không hề nhỏ.” - một đại lý nhập mía nói.

Chủ một đại lý khác cho biết thậm chí việc nông dân muốn đưa đường về nhà để bán thì bị Nhà máy đường Bình Định áp mức giá đường xuất kho cao hơn 2-3 giá so với giá bán phiếu đường tại chỗ.

Tình hình thu mua mía nguyên liệu của Nhà máy đường Bình Định đang gặp khó khiến hàng chục ngàn tấn mía tại tỉnh Gia Lai dồn ứ.

Các đại lý cho biết số mía hiện tại của nông dân không thể nhập cho nhà máy khác bởi không nằm trong vùng nguyên liệu của các công ty, nếu nhập vào đơn vị khác thì sẽ phải chịu mức giá rất thấp hoặc các khoản chi phí khác cao ngất ngưởng.

 

Thế nhưng khi trả lời chúng tôi về bức xúc của nông dân trồng mía, ông Phan Lâm Tường - phó tổng giám đốc Công ty CP Đường Bình Định - cho biết: “Hiện tại chúng tôi không thể cung cấp được gì”.

 

>>> Chưa có phương án tiêu thụ sữa cho người chăn nuôi

 

Theo Thái Bá Dũng

PV

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên