MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cả doanh nghiệp và người trồng mía ở Gia Lai đang đi đến đường cùng?

23-01-2015 - 11:40 AM | Thị trường

Doanh nghiệp ép giá, nông dân thì không biết bán mía cho ai. Hai bên đang nảy sinh những nghi kị, khó hợp tác.

Các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai là vựa mía trọng điểm của Tây Nguyên với diện tích hơn 38.000ha. Hàng chục nghìn hộ dân trong vùng đã gắn bó với cây mía qua nhiều năm. Nhưng người trồng mía ở khu vực này mỗi năm lại phải đổi mặt với nhiều khó khăn hơn, mà niên vụ 2014-2015 này, đang trở thành niên vụ bi đát nhất, với năng suất mía giảm mạnh và bị chèn ép giá. 

Liệu có phải người trồng mía đang đi đến đường cùng, và đồng hành với họ là cả ngành mía đường đang tồn tại quá nhiều vấn đề?

Ông Thiều Kim Chung, Chủ nhiệm Hợp tác xã Minh Chung, ở thôn 4, xã An Thành, huyện Đắc Pơ, tỉnh Gia Lai cho biết, hợp tác xã có hơn 250ha mía do 35 hội viên liên kết với nhau. Đầu vụ mía năm nay, bà con trong hợp tác xã rất  bức xúc vì khi bán mía cho Nhà máy đường Bình Định, bị nhà máy ép nhận đường giá cao rồi mua lại với giá thấp.

Sau khi Đài TNVN và một số cơ quan báo chí phản ánh thực trạng, Nhà máy đường Bình Định đã chấm dứt hình thức thanh toán lạ lùng này. Tuy nhiên, thay vào đó, giá thu mua mía bị Nhà máy này hạ xuống chỉ còn 870đồng/kg đối với mía 10 chữ đường, thấp hơn 30đồng/kg so với giá đầu vụ. Song song với hạ giá, Nhà máy chỉ thu mua mía nhỏ giọt và không thanh toán ngay. Nông dân phải chờ không biết đến bao giờ mới được nhận tiền.

Ông Thiều Kim Chung cho biết thêm: “5-10 ngày họ mới cho 1 phiếu để nhập được 1 xe thì đến đời nào mới hết mía cho bà con. Hồi giờ là làm ăn với Nhà máy đường Bình Định, bây giờ đủ thứ chuyện nhưng phải chấp nhận. Thà cứ bỏ xuống đó, họ trả khi nào thì họ trả chứ biết làm sao.”

Đây là niên vụ mía thứ ba, Nhà máy đường Bình Định chậm thanh toán tiền mía cho nông dân, gây bức xúc. Tuy nhiên, nhiều nông dân đã trót gắn bó với Nhà máy đường Bình Định khó có thể tìm đầu ra khác cho mình. Bởi một nhà máy đường khác trong vùng nguyên liệu là Nhà máy đường An Khê, thì công suất có hạn, không thể tiêu thụ hết. Còn nếu bán cho các thương lái, nông dân sẽ còn bị chèn ép nhiều hơn.

Ông Nguyễn Hồng Hạnh, thôn 2, xã Nghĩa An, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, có hơn 20ha mía, cho biết: “Lượng mía An Khê mà về hết Nhà máy đường An Khê thì chờ lâu quá, công suất nhà máy không đủ để làm. Phải chia sẻ đôi bên, mua bán phải có cạnh tranh, hai nhà máy cạnh tranh với nhau thì dân mới sống được, chứ một nhà máy độc quyền thì không sống được.”

Nông dân không thể quyết định đầu ra cho mình, buộc phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhà máy là thực tế khiến các nhà máy có thể dễ dàng chèn ép người trồng mía. Việc người trồng mía bị ép nhận đường chỉ là một trong những hành vi không sòng phẳng của nhà máy, xuất hiện trong niên vụ này.

Tiêu cực trong đo đếm chữ đường

Trước đó, nhiều nghi vấn tiêu cực đã kéo dài nhiều năm mà chưa có câu trả lời thích đáng và nông dân vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Đó là các nghi vấn về tiêu cực trong đo đếm chữ đường và trọng lượng mía. Các thông số này được nhà máy cân đo đong đếm mà không có bất kỳ một công cụ hay một cơ quan giám sát nào.

Anh Đinh Văn Mạnh, ở thôn Ia Peng, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, có hơn 10ha mía cho biết:“Cùng loại mía này, khi chở lên Kon Tum và Vạn Phát thì trữ đường cao mà ở nhà máy mình lại kém quá. Cùng một thửa ruộng, cùng thu hoạch trên một mảnh đất mà chất lượng lại khác nhau. Năm ngoái gia đình tôi có mấy chục xe mà không xe nào được chữ đường 10 hết. Tôi nghĩ, chỗ này phụ thuộc vào độ trung thực của nhà máy thôi.”

Rất nhiều nghi vấn tiêu cực trong việc đo đếm chữ đường.

Tính đến thời điểm này, tổng diện tích mía tại tỉnh Gia Lai đã đạt trên 38.000 ha, tăng gấp 10 lần so với thời điểm năm 1999 – 2000. Mía trở thành cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng của Gia Lai, nhưng tình cảnh nông dân buộc phải chung thủy với nhà máy trong uất ức, vẫn tồn tại như một ung nhọt, chưa biết khi nào sẽ phát tác, làm tan vỡ ngành sản xuất này.

Ông Đặng Vũ Đại, một nông dân trồng mía ở xã Amarơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai nói:“Nhà máy làm ăn theo kiểu này thì cuối cùng cũng đổ bể hết. Đất nước mở cửa thông thương thị trường, đường Thái Lan tràn vào thì ngành mía đường chết thôi chứ chạy sao nổi”.

Với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa thị trường, miễn thuế cho mía đường của các nước và với những yếu kém trong sản xuất mía đường, những tiêu cực trong quan hệ giữa nhà máy và nông dân, rất khó để ngành mía đường tại vựa mía trọng điểm Gia Lai trụ vững trong thời gian tới.

Và với những biểu hiện tiêu cực mỗi năm một gia tăng, như giữa nông dân Gia Lai và Nhà máy đường Bình Định, không chỉ nông dân, mà doanh nghiệp, cũng đang bước đến đường cùng. Chuyện tan vỡ, đổ bể của mối quan hệ sản xuất này chỉ là sớm muộn, nếu không có những điều chỉnh hiệu quả và kịp thời./.

>>> Mía và sữa nguyên liệu rớt giá: Người dân thiệt đơn thiệt kép

Theo Công Bắc

PV

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên